Châu Âu ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng 3 tuần liên tiếp
Trong khi số ca mắc mới COVID-19 và ca tử vong trên thế giới có xu hướng giảm thì tại châu Âu, số ca mắc mới đã tăng 3 tuần liên tiếp, số ca tử vong tại nhiều nước cũng tăng cao kỷ lục.
Theo trang worldometer.info, tính đến 6 giờ sang ngày 22/10 (giờ Việt Nam) trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 433.000 ca mắc COVID-19 và trên 6.600 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 243 triệu ca, trong đó trên 4,94 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 65.000 ca), Anh (52.009 ca) và Nga (36.339 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.257 ca), Nga (1.036 ca) và Ukraine (546 ca).
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Pirae, Pháp. Ảnh: AFP
Trong các khu vực, tình hình dịch bệnh ở châu Âu có diễn biến nghiêm trọng nhất. Theo báo cáo tuần về tình hình dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần từ 11-17/10, toàn thế giới ghi nhận hơn 2,7 triệu ca mắc mới và 46.000 ca tử vong, giảm tương ứng 4% và 2% so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, tại châu Âu trong tuần qua, số ca nhiễm mới lại tăng 7% so với tuần trước đó và là khu vực duy nhất trên thế giới dịch bệnh đang có chiều hướng tăng. Đây cũng là tuần thứ ba liên tiếp châu Âu ghi nhận số ca mắc mới tăng. Đặc biệt, hơn một nửa các quốc gia tại châu Âu có số ca mắc trong tuần tăng.
Một báo cáo cho thấy, sự gia tăng của các ca nhiễm mới ở các nước thành viên ở khu vực phía Đông Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các nước vùng Baltic, đang khiến hệ thống y tế nơi đây chịu áp lực ngày càng lớn, buộc chính phủ những nước này lại phải đưa ra các biện pháp hạn chế về phòng dịch.
Romania là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất châu Âu, khi chưa đến 30% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, và cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 bình quân đầu người cao nhất châu Âu.
Các bệnh viện đang hoạt động quá tải tại nước này do số ca bệnh tiếp tục tăng trong những tuần qua - với số bệnh nhân được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt cao kỷ lục.
Trước tình hình này, WHO và các nước EU đã vận chuyển máy thở, máy tạo oxy và các kit xét nghiệm tới Rumani để hỗ trợ nước này điều trị số lượng bệnh nhân trở nặng đang ngày một tăng.
Trong khi đó, một kịch bản tương tự đang diễn ra ở Bulgaria, nơi mới có khoảng 25% dân số trưởng thành đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, tỷ lệ thấp nhất trong các nước EU.
Các cơ quan y tế Bulgaria ngày 19/10 đã ghi nhận có 4.979 trường hợp nhiễm mới, đây là số nhiễm mới hàng ngày cao nhất kể từ cuối tháng 3 tại nước này.
Theo số liệu mới nhất, hơn 80% trường hợp nhiễm mới và khoảng 94% trường hợp tử vong tại khu vực Baltic đã được báo cáo ở những người không được tiêm chủng. Trong khi Romania và Bulgaria đều đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới kể từ cuối mùa Hè, các nước Baltic hiện có tỷ lệ mắc COVID-19 cao nhất ở EU.
Litva đã ghi nhận 972 ca mắc mới trên 100.000 dân trong hai tuần trước đó, tiếp theo là Latvia (864 ca) và Estonia (859 ca).
Đầu tháng này, các nhân viên y tế từ 2 trong 3 bệnh viện lớn nhất ở thủ đô Vilnius của Litva đã ngừng tiếp nhận bệnh nhân không khẩn cấp, do số bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tăng đột biến. Tuy nhiên, hơn 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ ở Litva.
Trong khi đó, Chính phủ Latvia thông báo áp dụng lại lệnh phong tỏa 4 tuần từ ngày 21/10 đến 15/11, bao gồm lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng và đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước, một số bệnh viện báo cáo tỷ lệ bệnh nhân đã chiếm tới 80% số giường bệnh.
Theo Thủ tướng Krisjanis Karins, hệ thống y tế của Latvia đang nguy cấp và cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là tiêm vaccine.
Slovakia cũng đang phải đối mặt với một làn sóng lây nhiễm mới, khiến chính phủ phải tái áp đặt các hạn chế đối với 5 tỉnh phía Bắc của nước này từ ngày 18/10. Slovakia là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở EU, với chỉ một nửa trong số gần 5,5 triệu người được tiêm chủng đầy đủ.
Cũng tại châu Âu, ngày 21/10 Nga tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới về số ca mắc mới và số ca tử vong do COVID-19, với 36.339 ca mắc mới và 1.036 ca tử vong. Đến nay Nga đã ghi nhận tổng cộng hơn 8,13 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 227.300 ca tử vong.
Ngày 21/10, Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin, thông báo thành phố này sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa từ ngày 28/10 để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 với số ca mắc mới tăng cao.
Theo đó, tất cả các cửa hiệu, quán bar và nhà hàng đều sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những địa điểm bán hàng hóa thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc. Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép đóng cửa các cơ quan, công sở trên cả nước từ ngày 30/10-7/11 và cho phép các địa phương bổ sung các biện pháp khác tùy tình hình dịch bệnh.