Châu Âu gia tăng năng lực ngăn ngừa khủng bố
Cuộc tấn công khủng bố được đánh giá là tồi tệ nhất trong 20 năm qua nhằm vào khu phức hợp Crocus City Hall tại thủ đô Mátxcơva (Nga) không dừng lại ở hồi chuông cảnh báo. Không nơi nào 'miễn nhiễm' với khủng bố và điều này đặt châu Âu vào trạng thái cảnh giác cao độ. Các biện pháp thắt chặt an ninh, tăng cường lực lượng đã được tiến hành ở nhiều quốc gia ở Lục địa già.
Trong động thái mới nhất, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal ngày 25-3 (giờ địa phương) đã quyết định tăng số lượng binh sĩ cho "Chiến dịch Sentinelle" nhằm giải quyết các mối đe dọa khủng bố.
Theo đó, ngoài 3.000 binh sĩ đã được điều động hiện nay sẽ có 4.000 binh sĩ sẵn sàng tham gia "Chiến dịch Sentinelle". Lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh tại những khu vực như nhà ga, địa điểm tôn giáo, nhà hát trên cả nước. Pháp cũng đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên cấp độ cao nhất. Tương tự, nước láng giềng Italia cũng thắt chặt an ninh nhằm bảo đảm an toàn cho việc cử hành Tuần Thánh dẫn đến Lễ Phục sinh vào cuối tuần này. Bộ Nội vụ Italia cho biết sẽ tăng cường cả công tác giám sát và kiểm tra, đặc biệt là ở những nơi đông người, các điểm quá cảnh, mục tiêu nhạy cảm.
Tình hình dường như căng thẳng hơn ở các nước gần với Liên bang Nga. Tại Serbia, truyền thông địa phương đăng tải hình ảnh sĩ quan cảnh sát vũ trang tuần tra trên khắp các đường phố tại Belgrade. Tổng thống nước này Aleksandar Vucic cho biết, cảnh sát mặc thường phục cũng sẽ giám sát chặt chẽ các địa điểm thể thao và trung tâm mua sắm ở thủ đô.
Bộ Nội vụ Kyrgyzstan cũng thông báo, tăng cường biện pháp an ninh tại các trung tâm mua sắm ở thủ đô Bishkek. Trong cuộc họp với chủ sở hữu và quản lý của các trung tâm mua sắm và khu phức hợp giải trí, cũng như đại diện của các công ty an ninh tư nhân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Kyrgyzstan, Nurbek Abdiev đã kêu gọi nâng cao cảnh giác, thắt chặt an ninh, lắp đặt hệ thống báo động, lựa chọn và kiểm tra cẩn thận nhân viên an ninh, đồng thời kiểm tra các địa điểm để phát hiện kịp thời thiết bị nổ hoặc vật thể khả nghi...
Theo giới quan sát, việc các quốc gia châu Âu nâng cao cảnh giác lúc này là hợp lý, bởi cuộc tấn công đẫm máu ở Nga đã diễn ra “thành công” có thể trở thành động lực khuyến khích các tổ chức khủng bố tiến hành những hành động tương tự. Trong khi đó, châu Âu đang chuẩn bị tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn như Thế vận hội tại Paris (Pháp) hay Giải vô địch bóng đá châu Âu ở Đức. Ước tính, chỉ riêng lễ khai mạc Thế vận hội tại Pháp - dự kiến tổ chức tại địa điểm “mở” là sông Seine sẽ thu hút khoảng 3 triệu du khách. Đây sẽ là một thách thức đối với an ninh Pháp nói riêng và khu vực nói chung. Trong khi đó, những cảnh báo về mối đe dọa tiềm tàng ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn.
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng cho biết, Paris có thông tin tình báo về “thực thể IS” chịu trách nhiệm vụ khủng bố tại Mátxcơva có liên quan tới một số âm mưu tấn công gần đây ở Pháp và nhấn mạnh, đây là lý do Pháp phải nâng cảnh báo an ninh như “một biện pháp phòng ngừa”. Nhiều năm qua, Pháp vẫn thường bị đe dọa bởi IS (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng) và một số nhóm vũ trang khi duy trì quân đội tại Trung Đông và châu Phi để ứng phó các chiến binh Hồi giáo.
Ngay cả một quốc gia tương đối bình yên trên Lục địa già là Đan Mạch cũng không "miễn nhiễm" với làn sóng khủng bố mới. Cơ quan an ninh và tình báo Đan Mạch (PET) nhận định, nước này đang phải đối mặt với rủi ro gia tăng từ chủ nghĩa khủng bố cả trong và ngoài nước do cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza và một loạt vụ đốt kinh Koran ở nước này vào năm 2023. Để phòng ngừa từ sớm, Đan Mạch đã đặt mức độ đe dọa khủng bố tương đương “nghiêm trọng”.
Tại Đức, Phát ngôn viên Bộ Nội vụ nước này Cornelius Funke cho biết, mối đe dọa từ các phần tử Hồi giáo cực đoan là “gay gắt”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Italia Guido Crosetto cho rằng, việc IS chưa bị tiêu diệt đồng nghĩa các cuộc tấn công khủng bố có thể xảy ra ở mọi nơi mà IS lẩn lút và hoạt động. Quan chức này cũng nhấn mạnh, vụ xả súng ở Nga phản ánh thực tế rằng, ngay cả ở châu Âu, mức độ nguy hiểm vẫn cao, cho nên, không được lơ là trong việc phòng chống nguy cơ tấn công khủng bố.
Rõ ràng, mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố vẫn như một bóng ma lởn vởn ở châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Bất kể với động cơ gì đi chăng nữa, mọi hành động bạo lực tàn nhẫn nhắm vào dân thường đều không thể chấp nhận và cần sớm loại bỏ.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chau-au-gia-tang-nang-luc-ngan-ngua-khung-bo-661895.html