Châu Âu giải quyết thiếu hụt năng lượng, mặc hệ lụy cho thị trường toàn cầu

Để thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga, châu Âu mua vào nguồn hàng thường được bán cho các quốc gia đang phát triển. Điều này sẽ dẫn tới hệ lụy trong thập kỷ tới cho toàn cầu.

Châu Âu “hút” năng lượng tại các thị trường toàn cầu

Tuy giá năng lượng tại châu Âu đang tăng lên mỗi ngày, nhưng các nền kinh tế trong khu vực chắc chắn có thể “sống sót” qua nhiều mùa đông, bởi lẽ châu Âu đã mua đủ dầu và khí đốt dự trữ.

Điều khiến giới chuyên gia lo ngại hiện tại là “phần chi phí” sẽ được chuyển sang các quốc gia nghèo hơn trên thế giới, khi nguồn cung bị gián đoạn bởi khách hàng châu Âu đột ngột thu mua mạnh năng lượng trên thị trường toàn cầu. Theo đó, các nền kinh tế đang phát triển đối diện nguy cơ không có đủ nguồn cung năng lượng đáp ứng cho nhu cầu hiện tại và tương lai, kéo theo các hậu quả như nhà xưởng đóng cửa, nhu cầu đi xuống, các nhà máy lọc dầu ngừng sản xuất vì thiếu nhu cầu, tình trạng thiếu cung lại tiếp diễn – đây là vòng lặp có thể liên tiếp diễn ra trong thập kỷ tới.

“Tình trạng thiếu năng lượng tại châu Âu dẫn tới “đói” năng lượng tại các nền kinh tế đang phát triển. Châu Âu “hút” nguồn năng lượng từ các quốc gia khác ở bất kỳ giá nào”, Saul Kavonic, chiến lược gia năng lược tại Credit Suisse Group AG cho biết.

Với việc gạt bỏ nguồn cung dầu từ Nga, các quốc gia châu Âu tìm tới thị trường giao ngay, nơi hàng hóa năng lượng không bị “trói buộc” vào các hợp đồng trả trước và có thể vận chuyển nhanh trong ngắn hạn. Với việc giá dầu tăng, một số nhà cung cấp năng lượng cho khu vực Nam Á nhanh chóng hủy các chuyến hàng tới khu vực này, nhất là khi đây đều là các tuyến đường dài, và vận chuyển hàng hóa tới châu Âu.

“Các nhà cung cấp không quan tâm tới vấn đề an ninh năng lượng”, Raghav Mathur, nhà phân tích tại Wood Mackenzie Ltd nói và cho biết, với việc giá năng lượng tăng mạnh tại thị trường giao ngay, các nhà cung ứng sẵn sàng chấp nhận chịu phạt vì hủy đơn hàng và điều này có thể sẽ duy trì trong vài năm tới.

Cùng với đó, các quốc gia châu Âu đang tích cực chuẩn bị để nhập khẩu ngày càng nhiều năng lượng chuẩn bị cho tương lai. Các quốc gia bao gồm Đức, Italy và Phần Lan đều đã có kế hoạch thu mua năng lượng tại thị trường giao ngay, trong khi Hà Lan bắt đầu nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ các thị trường giao ngay vào tháng 9/2022. Nhu cầu khí đốt của châu Âu dự kiến sẽ tăng gần 60% cho tới năm 2026, theo BloombergNEF.

Các nhà xuất khẩu dầu mỏ tại Qatar và Mỹ hiện đang “tận hưởng” niềm vui khi có thêm các khách hàng lớn từ châu Âu, sẵn lòng trả giá tốt hơn để nhập khẩu năng lượng. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quốc gia mới nổi như Pakistan, Bangladesh và Thái Lan buộc phải cạnh tranh về giá đối với các nền kinh tế lớn gấp nhiều lần như Đức, Phần Lan…

Nỗ lực đảm bảo nguồn cung năng lượng của nước nhỏ

Thông thường, khi thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, các quốc gia sẽ ký các hợp đồng dài hạn, thống nhất tỷ giá và các khoản đảm bảo để có thể nhận hàng trong nhiều năm. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại. Ngay cả việc chào mua sản phẩm giao sau trong các năm tới cũng bị từ chối.

Ấn Độ đã thất bại trong lần chào mua mới nhất các chuyến hàng bắt đầu giao vào năm 2025. Bangladesh và Thái Lan hiện không thể có được các hợp đồng giao hàng vào năm 2026, khi các nhà máy mới của Qatar và Mỹ bắt đầu xuất khẩu năng lượng quy mô lớn. Tháng trước, Pakistan không thể giành được hợp đồng hàng hóa kỳ hạn 6 năm, sau vài lần thỏa thuận thất bại.

“Chúng tôi cho rằng, khủng hoảng năng lượng có thể kết thúc vào cuối năm nay, nhưng thực tế sẽ không như vậy”, Kulit Sombatsiri, Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan cho biết, Nếu giá khí hóa lỏng tiếp tục tăng, chính phủ Thái Lan buộc phải cân nhắc các biện pháp như đóng cửa các tiệm tạp hóa và các hoạt động kinh doanh tiêu thụ nhiều năng lượng khác.

Thực tế, các nhà cung cấp khí hóa lỏng lo sợ các quốc gia đang phát triển không đủ khả năng trả tiền cho các đợt hàng hóa được vận chuyển trong những năm tới. Năng lượng được định giá và trao đổi bằng USD, mỗi chuyến hàng thường có giá trị khoảng gần 100 triệu USD. Giá năng lượng tăng, chi phí vận chuyển trung bình cũng tăng lên, trong khi đồng USD cũng tăng giá mạnh so với đồng tiền của các nền kinh tế đang phát triển. Mối lo ngại của các nhà cung cấp năng lượng cũng là điều dễ hiểu.

Chẳng hạn, Quỹ dự trữ ngoại tệ của Pakistan đã giảm xuống mức thấp nhất 3 năm qua trong tháng 10/2022. Xếp hạng tín nhiệm của quốc gia này cũng bị Moody’s Investors Service hạ xuống. Tương tự, quỹ dự trữ ngoại tệ của Bangladesh, Ấn Độ và Philippines đều ở mức thấp nhất 2 năm qua. Tại Thái Lan, lạm phát đã ở mức cao nhất 14 năm qua, trong khi dự trữ ngoại tệ ở mức thấp nhất 5 năm. Ngân hàng trung ương Thái Lan cảnh báo, tình hình sẽ còn tệ hơn nữa nếu đồng bath Thái không ổn định trước USD.

Thiếu đi nguồn cung năng lượng từ Nga tới châu Âu, thị trường toàn cầu sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng. Giá năng lượng giao ngay giữ ở mức cao và không thể đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn với các quốc gia đang phát triển.

Động lực đưa năng lượng tới các quốc gia đang phát triển, đặc biệt tại Nam và Đông Nam Á đang chậm lại, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết tại báo cáo Triển vọng năng lượng toàn cầu 2022.

Việc thiếu hụt nguồn cùng đưa các quốc gia đang phát triển và Nga tới gần hơn với nhau.

“Chúng tôi đã thiết lập các hợp đồng với Nga. Và tất nhiên, chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc mua khí hóa lỏng. Nếu các quốc gia giàu có giành hết khí đốt, điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi”, Shafqat Ali Khan, đại sứ Pakistan cho biết.

Bên cạnh đó, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg, Trung Quốc cũng đang tích cực nhập khẩu khí đốt từ Nga với mức giá chiết khấu, khi lượng hàng mua vào tăng khoảng 25% kể từ đầu năm tới nay.

Cùng với việc mua hàng từ Nga, các quốc gia nghèo hơn sẽ tìm tới các loại năng lượng rẻ hơn như than và dầu, đồng thời tìm cách phát triển nguồn năng lượng nội địa.

“Nếu khí đốt hóa lỏng vượt quá tầm với, tất nhiên chúng ta sẽ tìm tới các nguồn năng lượng thay thế như than đá. Và việc đảm bảo năng lượng, cũng như điện không thể chỉ phụ thuộc vào năng lượng mặt trời hay điện gió”, Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ cho biết,

Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia cho rằng, cần mất ít nhất 4 năm để cân bằng thị trường. Cho tới khi đó, giá năng lượng biến động mạnh sẽ trở thành “bình thường mới”, nhất là khi khí hóa lỏng sẽ được ưu tiên chuyển tới các quốc gia phát triển, và phần hàng còn lại mới dành cho các quốc gia đang phát triển.

Tư Thuần

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chau-au-giai-quyet-thieu-hut-nang-luong-mac-he-luy-cho-thi-truong-toan-cau-d177372.html