Châu Âu giằng co giữa tham vọng khí hậu và thực tế kinh tế
EC vừa chính thức đề xuất mục tiêu giảm 90% khí thải nhà kính vào năm 2040 so với mức của năm 1990, tiếp nối lộ trình đưa Liên minh châu Âu (EU) hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo cơ quan khí tượng Meteo France, nhiệt độ tại Pháp đạt đỉnh trong ngày 1/7/2025, với một số khu vực có thể vượt quá 40 độ C. Ảnh: TTXVN phát
Sự kiện diễn ra vào ngày 2/7 trong bối cảnh mùa Hè châu Âu tiếp tục ghi nhận những đợt nắng nóng cực đoan. Động thái này không chỉ phản ánh quyết tâm chính trị, mà còn làm nổi bật các thách thức nội khối, những mâu thuẫn về chiến lược và sự phân hóa ngày càng rõ trong định hướng khí hậu của khối.
Việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì con số 90%, vốn được hé lộ từ tháng 2/2024, là dấu hiệu cho thấy cơ quan hành pháp EU vẫn kiên định với khuyến nghị khoa học và mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo EC, mục tiêu năm 2040 đóng vai trò như chiếc cầu nối giữa hai mốc chính sách khí hậu quan trọng: giảm ít nhất 55% khí thải vào năm 2030 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Tuy nhiên, phản ứng từ các bên liên quan cho thấy thách thức lớn không nằm ở con số, mà ở phương thức thực hiện. Các cơ chế như tín chỉ carbon quốc tế, thị trường mua bán phát thải và “điểm linh hoạt” giữa các lĩnh vực phát thải đang trở thành tâm điểm tranh cãi. Trong khi EC lập luận rằng đây là những công cụ cần thiết để tạo dư địa thực thi và đảm bảo tính linh hoạt, nhiều nhà phân tích cho rằng đây có thể là “con dao hai lưỡi”, cho phép mục tiêu được đạt trên giấy tờ mà không đi kèm hành động thực chất.
EC cũng đề xuất tính lượng hấp thụ carbon từ rừng và đất, mở rộng việc tích hợp công nghệ thu giữ – lưu trữ CO₂ vào thị trường carbon và cho phép các quốc gia thành viên "bù trừ" phát thải giữa các lĩnh vực. Những điều chỉnh này được kỳ vọng giúp giảm tác động bất cân xứng giữa các nước, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên nghi ngờ về tính toàn vẹn môi trường của mục tiêu.
Lằn ranh chia rẽ trong Nghị viện châu Âu
Phản ứng từ các nhóm chính trị trong Nghị viện châu Âu (EP) cho thấy sự chia rẽ sâu sắc đang định hình lại chính sách khí hậu của khối. Nhóm Xanh và nhóm cánh tả đồng loạt lên tiếng phản đối các yếu tố linh hoạt trong đề xuất của EC.
Nghị sĩ Saskia Bricmont (Nhóm Xanh) chỉ trích EC và các lực lượng bảo thủ đang “nhượng bộ các nhóm vận động hành lang”, đi ngược lại với các cảnh báo khoa học và mong muốn của người dân. Theo một khảo sát gần đây, có tới 89% công dân EU mong đợi hành động mạnh mẽ hơn từ giới lãnh đạo trong vấn đề khí hậu.
Cùng quan điểm, nhóm cánh tả cho rằng nhiệm kỳ Chủ tịch EC của bà Ursula von der Leyen đang thiên về khuynh hướng bảo thủ, tìm cách đưa ra các mục tiêu "đẹp về hình thức" nhưng kèm theo quá nhiều “lối thoát linh hoạt”, làm suy yếu hiệu lực ràng buộc.
Trong khi đó, Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm chính trị lớn nhất Nghị viện và là lực lượng hậu thuẫn chính cho bà von der Leyer, lại giữ thái độ im lặng trước các chỉ trích về sự chậm trễ.
Không chỉ đối mặt với sức ép trong nội bộ, EU còn đang đứng trước một bài toán về vị thế quốc tế. Khi Mỹ có dấu hiệu rút lui khỏi các cam kết khí hậu toàn cầu, EU được kỳ vọng đóng vai trò dẫn dắt tiến trình toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, theo chuyên gia Tom Delreux thuộc Đại học UCLouvain (Bỉ), EU đã bỏ lỡ thời hạn tháng 2/2025 để trình mục tiêu khí hậu mới cho Liên hợp quốc, như yêu cầu trong Hiệp định Paris. Từ nay đến Hội nghị lần thứ 30 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP30) tại Brazil vào tháng 11/2025, EU chỉ còn vài tháng để đạt được đồng thuận nội khối và trình bày cam kết rõ ràng.
Việc EC chọn thời điểm đầu tháng 7/2025 để đưa ra đề xuất sửa đổi Luật khí hậu năm 2021 là nỗ lực nhằm đáp ứng áp lực thời gian. Tuy nhiên, như nhận định của một nhà ngoại giao EU, chủ đề khí hậu nhiều khả năng sẽ bị cuốn vào các cuộc tranh luận lớn hơn về năng lực cạnh tranh và vị trí địa kinh tế của châu Âu, thay vì được xem xét như một ưu tiên chiến lược độc lập.
Tương lai nào cho chính sách khí hậu của EU?
Các nhóm chính trị tiếp tục theo đuổi những tầm nhìn rất khác biệt. Nhóm EPP kêu gọi “cân bằng giữa tham vọng khí hậu và khả năng cạnh tranh”, đặt trọng tâm vào đổi mới công nghệ và giảm gánh nặng hành chính cho doanh nghiệp. Trong khi đó, Nhóm Xanh tuyên bố sẽ không thỏa hiệp với mục tiêu 90% và chỉ trích các đảng bảo thủ đang khai thác tâm lý lo ngại của cử tri để đẩy lùi tiến trình khí hậu.
Nhóm cánh tả kêu gọi một chiến lược khí hậu thực chất và toàn diện, bác bỏ các công cụ thị trường như tín chỉ carbon. “Không thể phó mặc số phận hành tinh cho những quy luật của thị trường”, một nghị sĩ cánh tả nhấn mạnh.
Trong bối cảnh phân cực gia tăng và thời gian hạn hẹp, tương lai của chính sách khí hậu EU vẫn là một ẩn số lớn. Những điều khoản linh hoạt trong đề xuất có thể giúp đảm bảo sự đồng thuận, nhưng cũng có nguy cơ làm suy giảm tính minh bạch và hiệu quả của hành động khí hậu.
Đề xuất của EC là một bước đi quan trọng nhằm duy trì vai trò tiên phong của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để mục tiêu 2040 trở thành hiện thực, EU cần vượt qua những thách thức lớn về chính trị, kỹ thuật và truyền thông chính sách. Sự phân hóa nội bộ, những tranh cãi xoay quanh công cụ thị trường và nguy cơ chậm tiến độ tại COP30 đang đặt ra câu hỏi lớn: liệu EU có đủ bản lĩnh chính trị để duy trì vai trò đầu tàu khí hậu toàn cầu, hay sẽ dừng lại ở những con số được thiết kế khéo léo nhưng thiếu hành động thực chất?
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chau-au-giang-co-giua-tham-vong-khi-hau-va-thuc-te-kinh-te/379312.html