Châu Âu giành giật khách Trung Quốc
Các nước phương Tây nắm bắt cơ hội, thu hút khách du lịch Trung Quốc khi thị trường này hồi sinh mạnh mẽ.
Đầu năm nay, lượng khách du lịch Trung Quốc ghi nhận tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, đánh dấu sự phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bước qua năm Rồng, xu hướng phục hồi này dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh với lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2024.
Theo nghiên cứu của Oxford Economics, ngành du lịch dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại, đạt khoảng 80% lượng khách trước đại dịch, báo hiệu sự hồi sinh mạnh mẽ trong du lịch giữa Trung Quốc và châu Âu.
Tuy nhiên, các báo cáo gần nhất chỉ ra rằng khách du lịch Trung Quốc thậm chí phát triển hơn so với giai đoạn trước đại dịch. Họ tìm kiếm những trải nghiệm độc đáo và có những kỳ vọng khác nhau khi thực hiện những chuyến đi.
Làm thế nào để ngành du lịch có thể thu hút nhóm khách du lịch đang phát triển này?Tạp chí Travel and Tour World đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia hàng đầu tại các công ty công nghệ du lịch và những người am hiểu thị trường để đi sâu tìm hiểu về những cơ hội và thách thức.
Gareth Matthews, nhà cung cấp và phân phối dịch vụ du lịch toàn cầu Didatravel và là đơn vị lữ hành tổ chức tour outbound lớn nhất Trung Quốc, cho biết: "Ban đầu sự phục hồi du lịch tập trung vào các điểm đến thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng gần đây chúng tôi ghi nhận lượng khách Trung Quốc đặt phòng ở châu Âu, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh tăng đột biến".
Matthews giải thích rằng: "Các chủ khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch cần có một chiến lược phân phối mạnh mẽ - điều này không chỉ đơn thuần là việc có một trang web bằng tiếng Trung Quốc. Du khách Trung Quốc chủ yếu phụ thuộc vào các kênh đặt phòng và những website truyền cảm hứng - thứ vốn không tồn tại ở các thị trường truyền thống của phương Tây. Chỉ có cách thông qua các chuyên gia địa phương, lữ hành mới có thể tối ưu khả năng hiển thị và đặt chỗ".
Theo Evren Oktay, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Pax2night (thuộc Yuppi Travel), cho biết: "Để thu hút du khách, các chủ khách sạn cần hiểu rõ về những khác biệt văn hóa của khách du lịch Trung Quốc, họ có những nhu cầu và mong muốn khá độc đáo. Ví dụ, khách muốn biết chính xác diện tích và tình trạng thực tế của căn phòng sẽ nhận cũng như việc họ muốn có ấm đun nước trong phòng để tự pha trà".
Juana Muro đại diện TourReview, nền tảng trực tuyến quản lý đánh giá về những chuyến tham quan và các hoạt động trải nghiệm, nhận thấy những đánh giá tích cực là tiềm năng để các đơn vị tiếp cận với khách du lịch Trung Quốc.
"Chúng tôi ghi nhận một lượng lớn những đánh giá từ khách du lịch Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán, điều này có thể giúp các thương hiệu châu Âu hoặc Bắc Mỹ kết nối với thị trường này. Tuy nhiên những đánh giá chỉ xuất hiện trên các nền tảng đánh giá bằng tiếng Trung như Trip.com, vì người Trung Quốc hiếm khi sử dụng những nền tảng như TripAdvisor".
Người này cho rằng các thương hiệu du lịch châu Âu nên nhận ra sức mạnh mà du khách Trung Quốc nắm giữ. "Một đánh giá tốt từ người dùng thực sự có thể giúp bạn xây dựng niềm tin vào thương hiệu và mang lại nguồn doanh thu lớn. Khi bạn tự tin rằng trải nghiệm bạn mang lại sẽ đáp ứng được nhu cầu đặc biệt của nhóm khách này, hãy khuyến khích du khách viết đánh giá trên tất cả website lớn của Trung Quốc", Juana Muro nói.
Bên cạnh đánh giá của du khách, những travel blogger và KOLs ở Trung Quốc có thể giúp tăng độ tin cậy và giúp những thương hiệu tiếp cận được với khán giả.
Andrew Lockhead, Giám đốc điều hành của Stay22 - Công ty công nghệ du lịch cung cấp cơ hội liên kết giữa các travel blogger và truyền thông, cho biết: "Khách du lịch Trung Quốc bị chi phối bởi các gợi du lịch và những bài blog, đặc biệt là những nội dung đến từ người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Những blogger hiểu và tạo được tiếng vang với thị trường du lịch Trung Quốc có thể trở thành những đại sứ thương hiệu hiệu quả. Các công ty du lịch có thể hợp tác với những người sáng tạo nội dung du lịch để trực tiếp tiếp cận với đối tượng khách hàng mục tiêu".
Điều quan trọng cuối cùng đó là phải đảm bảo bạn được trả lương xứng đáng. Koert Grasveld đến từ công ty thanh toán du lịch Terrapay cho biết việc thực hiện và nhận thanh toán B2B từ các công ty Trung Quốc vừa phức tạp và tốn kém.
"Các doanh nghiệp cần có sẵn các quy trình công nghệ thanh toán B2B để đảm bảo rằng các khoản thanh toán có phí rẻ, nhanh chóng và liền mạch cũng như khả năng xử lý tình huống khi hoàn tiền hoặc hủy bỏ đơn hàng".
Koert Grasveld cho biết có rất nhiều công ty phải chờ đợi rất lâu để được các đối tác Trung Quốc thanh toán bởi vì họ sử dụng các kênh thanh toán lỗi thời, không phù hợp.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chau-au-gianh-giat-khach-trung-quoc-post1482834.html