Châu Âu kêu gọi Mỹ và Iran dừng vũ lực, nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân
Ủy ban châu Âu đã họp khẩn cấp để thảo luận về vấn đề căng thẳng giữa Mỹ và Iran, kêu gọi các bên chấm dứt sử dụng vũ lực.
Châu Âu ở đâu khi căng thẳng Mỹ và Iran leo thang, đặc biệt là sau vụ tướng quân đội hàng đầu Iran thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ và các hành động đáp trả sau đó của Iran? Ủy ban châu Âu hôm qua (8/1) đã họp khẩn để thảo luận về vấn đề này, kêu gọi các bên chấm dứt sử dụng vũ lực và tiếp tục các nỗ lực nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015.
Ngay sau vụ tấn công tên lửa của Iran nhằm vào 2 căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq nhằm đáp trả vụ sát hại tướng quân đội hàng đầu Soleimani, Ủy ban châu Âu hôm qua đã họp khẩn tại thủ đô Brussels. Trong khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hối thúc các bên chấm dứt việc sử dụng vũ lực, thì Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Joseph Borrell nhấn mạnh, tình hình là cực kỳ đáng lo ngại. Theo ông Joseph Borrell, những vụ tấn công bằng rocket vừa qua của Iran vào các căn cứ không quân tại Iraq, nơi các lực lượng Mỹ và liên quân quốc tế, trong đó có châu Âu đang đồn trú, là một minh chứng nữa cho thấy tình trạng leo thang và đối đầu gia tăng.
“Cuộc khủng hoảng hiện nay ảnh hưởng sâu sắc không chỉ đến khu vực mà tất cả chúng ta. Cần phải chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ khí để dành không gian cho đối thoại. Tất cả chúng ta đều phải nỗ lực hết sức có thể nhằm khôi phục đối thoại. Liên minh châu Âu cũng sẽ hành động theo cách riêng của mình để đạt được mục tiêu này”.
Đức thì lên án mạnh mẽ vụ tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ có lực lượng Mỹ đồn trú tại Iraq. Theo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, yếu tố mang tính quyết định vào thời điểm hiện nay là chấm dứt vòng xoáy bạo lực và căng thẳng leo thang:“Chúng tôi lên án các cuộc tấn công vào lãnh thổ Iraq. Đây là hành động không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ giờ là thời điểm dành cho đối thoại. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này tại cuộc họp với các Ngoại trưởng EU vào ngày mai (10/1) và cũng sẽ tiếp xúc với tất cả các bên liên quan. Cần phải giảm leo thang căng thẳng và giải quyết vấn thế thông qua con đường ngoại giao”.
Trước đó 1 ngày hôm 7/1, Ngoại trưởng các nước Pháp, Anh, Đức và Italy cũng nhóm họp tại Brussels. Dù mục đích ban đầu là thảo luận về cuộc khủng hoảng Libi, một hồ sơ gây lo ngại khác tại khu vực, song cuộc họp sau đó đã tập trung vào cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran, trước khi diễn ra cuộc họp đặc biệt của Ngoại trưởng 28 nước thành viên Liên minh châu Âu vào ngày 10/1 tới.
Trên thực tế, Liên minh châu Âu đã bị đặt vào thế khó sau vụ không kích của đồng minh Mỹ tại Iraq khiến tướng quân đội hàng đầu Iran thiệt mạng hôm 3/1. Các nước châu Âu đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kêu gọi các bên đối thoại, đồng thời nhấn mạnh vào những yếu tố tích cực để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Theo một nhà ngoại giao phương Tây tại Baghdad, vụ không kích của Mỹ là một sự bất ngờ đối với tất cả các nước đồng minh. Vấn đề hiện nay của họ là rất khó nói chuyện với Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí mới đây còn không ngần ngại chỉ trích châu Âu đã “không hữu dụng” như hi vọng.
Về mặt chính thức, không một quốc gia châu Âu nào công khai lên tiếng chỉ trích cuộc không kích của Mỹ, song cũng không nước nào ủng hộ. Các nhà lãnh đạo châu Âu muốn hạn chế bất kỳ hành động trả đũa nào có nguy cơ “chôn vùi” thỏa thuận ký năm 2015 về chương trình hạt nhân Iran và gây ảnh hưởng tới cuộc chiến chung chống khủng bố dược thực hiện suốt 5 năm qua tại Iraq.
Một số nhà phân tích cho rằng, chiến lược này của châu Âu dường như đã phát huy hiệu quả và khi căng thẳng Mỹ và Iran tạm thời hạ nhiệt thì châu Âu có thể chứng minh “mình hữu dụng” hơn là Mỹ nghĩ. Và thỏa thuận hạt nhân Iran có lẽ sẽ là công cụ hữu hiệu nhất lúc này để Liên minh châu Âu thể hiện vai trò của mình. Dù không hoàn hảo, song văn kiện này ít nhất cũng đã tạo ra không gian để các bên đàm phán./.