Châu Âu không đạt thỏa thuận cải cách thị trường điện

Các nước Liên minh châu Âu (EU) đã không thể đạt được đồng thuận về các quy tắc mới cho chương trình cải cách thị trường điện của khối do vướng phải tranh cãi về đề xuất của Thụy Điển kéo dài trợ cấp các nhà máy nhiệt điện than.

Ngày 19/6, các Bộ trưởng Năng lượng của EU nhóm họp tại Luxembourg với mục tiêu thống nhất lập trường về các quy tắc thị trường điện mới. Mục tiêu là tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thải ít carbon và tránh lặp lại cuộc khủng hoảng năm ngoái, khi giá khí đốt cao kỷ lục khiến người tiêu dùng đối mặt với hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Đề xuất cải cách nhắm tới việc bình ổn giá điện bằng cách đưa các nhà máy điện hạt nhân và năng lượng tái tạo mới do nhà nước hậu thuẫn tham gia các "hợp đồng chênh lệch" giá cố định.

Kết quả của cuộc họp hôm thứ Hai đầu tuần đã được dự đoán từ trước vì các thành viên EU có quan điểm khác rõ rệt đối với than đá và tầm quan trọng của nó trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 Ảnh minh họa: Internet.

Ảnh minh họa: Internet.

Ba Lan tạo ra khoảng 70% điện năng từ than đá. Nước này cũng đang xây dựng năng lực sản xuất điện hạt nhân để đa dạng hóa nguồn cung cấp.

Tuy nhiên, EU cũng có những khác biệt trong việc hỗ trợ nhà nước cho năng lượng gió, năng lượng mặt trời và hạt nhân, Reuters đưa tin.

Một số quốc gia, bao gồm Đức, Hà Lan và Áo đã phản đối ý tưởng cung cấp các hợp đồng giá cố định không chỉ cho các máy phát điện năng lượng gió và mặt trời mà còn cả các máy phát điện hạt nhân và các loại năng lượng khác.

Mặt khác, Pháp rất ủng hộ ý tưởng này, vốn đã được kỳ vọng với công suất hạt nhân khổng lồ, tạo ra khoảng 2/3 sản lượng điện của nước này.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết: “Điều này có thể bóp méo thị trường vì phần lớn mạng lưới điện quốc gia đều không linh hoạt, đồng thời làm méo mó sân chơi bình đẳng liên quan đến giá cả ở châu Âu”.

Mặt khác, việc hạn chế các hợp đồng giá cố định chỉ đối với một số nhà sản xuất điện "gây nguy hiểm cho mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn cung và bảo vệ người tiêu dùng", Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết.

Cải cách thị trường điện của EU nhằm mục đích tách giá điện trên toàn Liên minh châu Âu khỏi giá khí đốt tự nhiên và thay vào đó gắn nó với giá điện được tạo ra bởi các hệ thống lắp đặt năng lượng mặt trời và gió.

Ý tưởng là khóa giá trong thời gian dài hơn theo thỏa thuận mua bán điện với các doanh nghiệp và hợp đồng chênh lệch với Chính phủ để giúp người dân châu Âu không phải dùng điện đắt đỏ như năm 2022.

Khánh Vy (Theo Oilprice)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chau-au-khong-dat-thoa-thuan-cai-cach-thi-truong-dien-post252503.html