Châu Âu 'lên dây cót' với Mỹ nhằm đưa hòa bình ở Ukraine trở lại tầm với
Trong bối cảnh tiến trình hòa đàm vẫn đang 'dậm chân tại chỗ', các nước phương Tây đang nỗ lực hành động nhằm hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Hòa bình ngoài tầm với
Phát biểu sau cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG) – liên minh gồm 50 quốc gia hậu thuẫn Ukraine ngày 11/4, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cáo buộc Nga đang theo đuổi chiến lược leo thang quân sự.
Trước các đồng minh, ông Pistorius thừa nhận: “Trước tình hình hiện nay, chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng hòa bình tại Ukraine, ít nhất trong tương lai gần, dường như vẫn nằm ngoài tầm với”.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Ảnh: Getty
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey cũng vừa cảnh báo về việc Nga tiếp tục cản trở các nỗ lực hòa đàm do Mỹ làm trung gian, đồng thời duy trì các chiến dịch quân sự bằng máy bay không người lái nhằm vào Ukraine. Theo ông Healey, tiến trình hòa bình có thể bị kéo chậm lại nếu cộng đồng quốc tế “lơ là” trước thực tế giao tranh vẫn tiếp diễn.
Ông Healey hoan nghênh khoản hỗ trợ quân sự mới trị giá 18,2 tỷ bảng Anh – một con số kỷ lục kể từ đầu xung đột, mà các nước thành viên UDCG đã nhất trí trao cho Ukraine, cũng như cam kết tiếp tục “gia tăng hỗ trợ cho cuộc chiến tại tiền tuyến”. Bộ trưởng Healey đồng thời nhắc lại cảnh báo trước đó của Thủ tướng Anh Keir Starmer về việc Nga từ chối đề xuất hòa bình của Tổng thống Trump.
Ông Healey cũng cung cấp những con số gây lo ngại: từ tháng 1/2025 đến tháng 3/2025, Nga đã thả hơn 10.000 quả bom lượn xuống lãnh thổ Ukraine và hiện đang sử dụng hơn 100 máy bay không người lái tấn công mỗi ngày.
“Theo đánh giá của chúng tôi, từ 70 đến 80% thương vong trên chiến trường hiện nay là do máy bay không người lái gây ra – vượt xa thương vong do pháo binh”, ông Healey cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh khẳng định mức viện trợ quân sự của Anh sẽ tiếp tục tăng, với cam kết chi 4,5 tỷ bảng Anh cho Ukraine trong năm nay – mức cao nhất kể từ khi chiến sự bắt đầu.
Về phần mình, ông Pistorius đã bác bỏ các đồn đoán cho rằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth chỉ tham gia cuộc họp qua hình thức trực tuyến, trong khi đặc phái viên Steve Witkoff trực tiếp đến Moscow – là dấu hiệu cho thấy Washington đang giảm mức độ quan tâm đối với tiến trình hòa bình Ukraine.
“Việc ông Hegseth tham gia trực tuyến không phải là vấn đề về mức độ ưu tiên, mà chỉ đơn giản là vấn đề lịch trình”, ông Pistorius nói, và nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là ông ấy đã có mặt, dù ở hình thức nào”.
Từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1, vai trò chủ trì các cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng, trước đó do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đảm nhiệm, đã được chuyển giao cho phía Anh. Ông Healey hiện là người đứng đầu các cuộc họp, đánh dấu sự chuyển đổi đáng chú ý về vai trò lãnh đạo an ninh ở châu Âu.
EU rục rịch hành động
Cuộc họp lần này tại Brussels diễn ra một ngày sau phiên thảo luận của nhóm “liên minh tự nguyện” – một tập hợp nhỏ hơn gồm các quốc gia châu Âu đang xây dựng kế hoạch triển khai lực lượng hòa bình tới Ukraine sau khi đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Nga.
Sau cuộc họp, Anh và Pháp đang lên kế hoạch trình bày với Tổng thống Mỹ Donald Trump một đề xuất toàn diện về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine sau khi có được lệnh ngừng bắn. Mục tiêu của Paris và London là thuyết phục Nhà Trắng đưa ra cam kết bảo đảm an ninh cho Kiev, Bloomberg dẫn hai nguồn tin giấu tên cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp với các đồng minh ở Brussels ngày 10/4, Bộ trưởng Healey cho biết rằng 200 chuyên gia quân sự đã hoàn tất một bản kế hoạch đầy đủ về cách thức tổ chức và triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia tới châu Âu, cũng như các phương án tái thiết quân đội Ukraine thời hậu chiến, tiến tới biến quân đội nước này thành “lực lượng răn đe hiệu quả nhất cho chính họ”.
Trong vòng hai tuần tới, các lãnh đạo quân sự từ châu Âu sẽ tiến tới thống nhất các chi tiết về cách thức “liên minh tự nguyện” do khối này dẫn đầu tham gia trợ bảo vệ an ninh “vùng trời, vùng biển và trên đất liền” của Ukraine. Ngoài ra, kế hoạch này cũng bao gồm việc hỗ trợ tái thiết quân đội Ukraine thời hậu chiến, theo phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey và người đồng cấp Pháp Sebastien Lecornu hôm 11/4.
Theo các nguồn tin giấu tên, đề xuất này không chỉ nhằm thể hiện cam kết nghiêm túc của châu Âu đối với tương lai của Ukraine, mà còn mang tính chất đòn bảy nhằm thuyết phục ông Trump ủng hộ các biện pháp “dự phòng chiến lược”, bao gồm yểm trợ không quân, giám sát biên giới và cung cấp thông tin tình báo cho phương Tây.
Ông Lecornu cho biết hiện có 30 quốc gia, trong đó có các quốc gia nằm ngoài châu Âu như Canada, Úc, Nhật Bản và New Zealand, đã nhận được đề nghị trả lời bằng văn bản rằng họ có hay không tham gia cùng với EU trong nỗ lực trợ giúp Ukraine. Trong số đó, 15 nước đã cam kết cung cấp trang bị quân sự như máy bay, tàu chiến và khí tài nhưng số quốc gia lại tỏ ra do dự, chỉ sẵn sàng triển khai quân lực ở quy mô khiêm tốn.
“Để Mỹ tham gia cùng với EU, họ cần thấy rằng châu Âu đã hành động quyết liệt. Một trong những vai trò không thể thiếu của Mỹ là giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn”, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovile Sakaliene nhận định tại trụ sở NATO ngày 11/4.
Các phản hồi bằng văn bản từ các nước tham gia sẽ được xem xét vào cuối tháng này. Anh và Pháp hy vọng sẽ đạt được đồng thuận nội khối trước khi trình kế hoạch lên ông Trump.
Trong khi đó, tại Warsaw ngày 11/4, các Bộ trưởng Tài chính EU đã thống nhất tăng chi tiêu quốc phòng – một bước ngoặt sau nhiều năm thắt chặt ngân sách. Những cuộc thảo luận này cũng đề xuất về một cơ chế tài chính chung cho quốc phòng, giữa bối cảnh nhiều quốc gia thành viên đang đối mặt với áp lực tài chính lớn lớn do đầu tư quốc phòng trong quá khứ còn hạn chế.
Khó khăn trước mắt
Tổng thống Trump từ lâu đã phản đối việc đưa ra các cam kết an ninh chính thức với Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, trong cuộc họp cùng ngày với các đồng minh, tái khẳng định lập trường không thay đổi của Washington, bất chấp thiện chí và nỗ lực ngày càng lớn từ phía châu Âu.
Một số quan chức vẫn hy vọng lập trường của ông Trump có thể cứng rắn hơn với Moscow, nhất là sau khi ông chủ Nhà Trắng tỏ rõ sự thất vọng với người đồng cấp Nga do tiến trình hòa đàm vẫn “dậm chân tại chỗ”. Trong một bài đăng mới đây trên mạng xã hội, ông Trump đã chỉ trích tình trạng đổ máu kéo dài ở Ukraine, kêu gọi Nga “hành động ngay” để chấm dứt một cuộc chiến mà ông gọi là “vô nghĩa”.
Trong lúc đó, Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff đã lên đường sang Nga để gặp trực tiếp Tổng thống Putin và bàn về kế hoạch chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Ông Trump. Ảnh: Getty
Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho rằng Điện Kremlin sẽ tìm cách đạt được một hình thức thỏa thuận với Mỹ trước dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít 9/5 – một thời điểm mang ý nghĩa chính trị lớn trong lịch sử Nga. Theo ông Pevkur, điều này sẽ khiến các đồng minh cần tăng cường viện trợ quân sự và đẩy nhanh kế hoạch thành lập lực lượng hòa bình, dù ông không đưa ra lý do cụ thể cho dự đoán này.
Dù vậy, các nước thành viên vẫn còn bất đồng về mô hình tổ chức và thẩm quyền điều phối của lực lượng gìn giữ hòa bình. Ông Lecornu tiết lộ Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc tham gia vào lực lượng hải quân trong một đợt triển khai quân tiềm năng tới Ukraine. Kế hoạch này, ông Lerconu nói, là nhằm hỗ trợ “chứ không thay thế hoàn toàn vai trò chiến đấu của quân đội Ukraine”.
Ông Healey khẳng định liên minh do châu Âu dẫn đầu không phải là lực lượng gìn giữ hòa bình truyền thống như một số lãnh đạo EU từng đề xuất.
“Cách răn đe hiệu quả nhất đối với mọi hành động tấn công mới từ Nga và cách chắc chắn nhất để đảm bảo lệnh ngừng bắn, chính là sức mạnh nội tại của quân đội Ukraine”, ông Healey tuyên bố.