Châu Âu lộn xộn trong mùa du lịch hè

Thiếu hụt nhân sự, lạm phát đã đặt sức ép lên các hãng hàng không ở châu Âu. Tình trạng này khiến chuyến du lịch hè của nhiều người không diễn ra như mong đợi.

Chậm trễ, hủy chuyến, đình công - đó là thực trạng hỗn loạn ở châu Âu trong mùa du lịch. Lượng lớn người đổ xô đến những điểm nóng vui chơi vào mùa hè đã đặt sức ép lên các hãng hàng không, sân bay và cơ sở lưu trú.

Hầu hết đang phải vật lộn với vấn đề nhân sự và nhu cầu đi lại bị dồn nén trong đại dịch Covid-19.

Hàng nghìn chuyến bay bị hủy, du khách phải chờ đợi mòn mỏi để kiểm soát hộ chiếu, lấy hành lý tại các sân bay trên khắp châu Âu. Tình trạng này dự kiến sẽ còn kéo dài, theo CNBC.

 Các sân bay ở châu Âu tắc nghẽn khiến nhiều du khách mệt mỏi. Ảnh: New York Times.

Các sân bay ở châu Âu tắc nghẽn khiến nhiều du khách mệt mỏi. Ảnh: New York Times.

Ám ảnh du lịch hè

Hôm 4/7, hãng hàng không Scandinavian SAS đã hủy 173 chuyến, hơn một nửa lịch trình, do không thỏa thuận được về lương, dẫn đến một cuộc đình công của các phi công. Sự cố này đã ảnh hưởng đến khoảng 30.000 hành khách/ngày.

“Đi chơi vào mùa hè đầy rẫy sự không chắc chắn, cho cả hành khách và đơn vị vận chuyển. Việc trì hoãn và hủy chuyến có thể tác động đến mong muốn nghỉ dưỡng của người dân.

Trong khi đó, các hãng bay đang tìm kiếm ranh giới giữa việc cố gắng nắm bắt xu hướng bùng nổ du lịch sau dịch và chuẩn bị cho khả năng giảm tốc phía trước khi điều kiện kinh tế xấu đi”, Laura Hoy, nhà phân tích cổ phiếu tại Hargreaves Lansdown, nói với CNBC.

Theo công ty dữ liệu hàng không Cirium, 400 chuyến đã bị hủy ở tất cả sân bay của Vương quốc Anh trong thời gian từ ngày 24/6 đến 30/6, tăng 158% so với cùng kỳ năm 2019.

Đó là sự khởi đầu cho mùa cao điểm của du lịch hè - thường bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 9 ở châu Âu.

Tình trạng du lịch quá mức diễn ra ở nhiều quốc gia khiến ai cũng ngán ngẩm. Ảnh: The Guardian, Reuters.

Tình trạng du lịch quá mức diễn ra ở nhiều quốc gia khiến ai cũng ngán ngẩm. Ảnh: The Guardian, Reuters.

Heathrow, sân bay bận rộn nhất của London, tuần trước đã yêu cầu các hãng cắt chuyến bay, vì lượng hành khách cao hơn mức có thể đối phó.

Một số hành khách không biết lịch trình của họ đã bị hủy, trong khi những người khác phàn nàn về việc xếp hàng quá lâu.

Vài hãng giá rẻ đã chủ động giảm hàng nghìn chuyến bay trong mùa này nhằm giảm thiểu nguy cơ mất trật tự.

Nhiều khách cũng gặp rắc rối với vấn đề trở về Mỹ khi hơn 12.000 chuyến bay bị hoãn và hàng trăm lịch trình khác phải hủy bỏ.

Theo Stephen Furlong, nhà phân tích cấp cao của công ty quản lý tài sản Davy, khó có khả năng tình trạng lộn xộn như hiện nay sẽ giảm bớt trong những tháng tới.

“Sự gián đoạn vẫn sẽ tiếp diễn cho dù các vấn đề về ùn tắc giao thông, người lao động gây mất trật tự được giải quyết một phần”, ông nói.

Thiếu hụt nhân sự

Tại Pháp vào tháng 6, 1/4 lịch trình đã bị hủy bỏ tại sân bay chính ở Paris do cuộc đình công của nhân viên. Điều này đã kéo theo nhiều xáo trộn cho khâu vận hành.

Nhân sự của hãng bay British Airways cũng đang chuẩn bị bỏ việc hàng loạt do yêu cầu cắt giảm 10% lương trong thời gian đại dịch bị đảo ngược.

Tương tự, ở Tây Ban Nha, nhiều người cũng tạm nghỉ trong 12 ngày vào tháng 7 để thúc đẩy điều kiện làm việc tốt hơn.

Có nhiều lý do dẫn đến sự hỗn loạn trong du lịch nhưng hầu hết đến từ nội bộ ngành.

“Tốc độ hành khách quay trở lại bầu trời kể từ mùa xuân đã khiến các hãng hàng không và sân bay trở tay không kịp. Đơn giản là họ không đủ nhân viên để đáp ứng nhu cầu nghỉ mát cho tất cả người dân”, Alexander Irving, nhà phân tích vận tải châu Âu tại AB Bernstein, chia sẻ.

Nhiều công ty đã sa thải nhân viên trong thời gian dịch bệnh bùng phát khi việc kinh doanh lao dốc. Không ít người trong số này đã tìm thấy cơ hội việc làm khác và không có ý định quay trở lại lĩnh vực này. Một số khác thì bị đẩy vào tình trạng nghỉ hưu sớm.

Theo CNBC, thật khó để thu hút nhân tài mới trong thời điểm hiện tại do sự bất ổn của thị trường lao động. Trong đó, tác động lớn nhất đến từ xu hướng “đại từ chức” - khi nhân viên chọn từ bỏ công việc của họ để tìm kiếm một cơ hội khác tốt hơn.

Thuê người mới cũng là một giải pháp dài hạn, vì trong nhiều vị trí liên quan đến du lịch, người lao động bắt buộc phải được đào tạo trước khi nhận việc.

Bên cạnh đó, những người ở lại ngành này cảm thấy không được đền bù thỏa đáng và phàn nàn về điều kiện làm việc của họ.

 Các hãng hàng không phải nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động khi lượng khách tăng chóng mặt. Ảnh: Euronews.

Các hãng hàng không phải nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động khi lượng khách tăng chóng mặt. Ảnh: Euronews.

Tại sân bay Schiphol của Amsterdam, nhóm nhân viên dọn dẹp, xử lý hành lý và bộ phận an ninh sẽ được trả thêm 5,25 euro (5,55 USD) mỗi giờ trong dịp hè, theo Reuters.

Các quốc gia khác cũng đang cố gắng cải thiện hiện trạng tại sân bay của họ.

Ông Roger Jones, người đứng đầu bộ phận chứng khoán tại London & Capital, cho biết ngoài thiếu hụt nhân sự, lạm phát cũng là một vấn đề.

Chi phí nhiên liệu tăng lên trong khi tiền lương bấp bênh đã làm trầm trọng thêm tình hình hiện nay và biến nó thành một môi trường hoạt động khó khăn, vốn đã bị áp lực bởi lợi nhuận.

Nhiều hãng hàng không, bao gồm British Airways và Air France-KLM, đã nhận được hỗ trợ tài chính từ các chính phủ trong thời kỳ đại dịch để tránh bị sụp đổ.

Bất chấp các cuộc đình công, hủy chuyến và các gián đoạn khác, một số nhà phân tích vẫn thể hiện niềm tin lạc quan và tín hiệu tích cực với lĩnh vực này.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chau-au-lon-xon-trong-mua-du-lich-he-post1333986.html