Châu Âu lưỡng lự trước cuộc chiến công nghệ

Các quốc gia châu Âu nên đứng đâu trong cuộc cạnh tranh địa chính trị và công nghệ đang ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, là đồng minh của Mỹ trong một cuộc 'chiến tranh lạnh' mới hay là thế lực thứ ba cân bằng hai cực?

Đây là câu hỏi chung của các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà ngoại giao và giới tình báo có mặt tại Hội nghị Chính sách an ninh thường niên Munich vừa kết thúc.

Theo truyền thống, hành lang hội nghị thường là nơi giới tinh hoa Mỹ và châu Âu tham khảo và tranh luận những bất đồng giữa họ. Những lần gần đây, hội nghị này ngày càng mang tính toàn cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dành toàn bộ bài phát biểu của mình để thuyết phục người châu Âu rằng Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng đối với kinh tế, an ninh và ý thức hệ của lục địa này cũng như của Mỹ và châu Á. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì cảnh báo rằng sự can thiệp của Trung Quốc vào đời sống chính trị châu Âu không khác gì các cuộc tấn công nhằm vào chủ quyền.

Theo John Chipman, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (HSS) ở London thì ông Mark Esper về cơ bản đã sử dụng bài phát biểu của mình tại Munich để thông báo sự thật về một cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc mà trọng tâm chính là cuộc cạnh tranh công nghệ, hiện tại, ai cũng biết, đang tập trung vào Huawei.

Ông Mark Esper còn cảnh báo rằng nếu công ty viễn thông này được phép tham gia xây dựng hệ thống mạng 5G của châu Âu, như ở Anh và nhiều khả năng là ở một số nước khác thì họ có thể “gây nguy hiểm cho hoạt động thông tin liên lạc và chia sẻ thông tin tình báo và trên phạm vi rộng là liên minh của chúng ta”.

Các quan chức Mỹ khác tại hội nghị đưa ra lời cảnh báo rằng các công nghệ khác cũng đang nổi lên như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và truyền thông lượng tử sẽ sớm trở thành những chiến trường mới mà ở đó các đại gia công nghệ Trung Quốc vốn đã phát triển mạnh nhờ sự trợ cấp và bảo hộ hào phóng của nhà nước có thể dễ dàng giành được lợi thế.

Thomas Wright đến từ Viện Nghiên cứu Brookings, Washington D.C., Mỹ thì phát biểu hiện có người lo ngại rằng nếu xảy ra cạnh tranh công nghệ và châu Âu đi theo một hướng nhất định nào đó thì sẽ là quá muộn để đảo ngược tiến trình. Xét trên nhiều khía cạnh, châu Âu không đồng tình với quan điểm này.

“Người bảo vệ Châu Âu 2020” là cuộc tập trận lớn nhất của Mỹ tại Châu Âu trong vòng 25 năm qua.

“Người bảo vệ Châu Âu 2020” là cuộc tập trận lớn nhất của Mỹ tại Châu Âu trong vòng 25 năm qua.

Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo vào tháng 12-2019, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã lần đầu tiên chính thức đưa Trung Quốc vào chương trình nghị sự. Các quan chức của liên minh này lưu ý rằng Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận hải quan ở vùng biển Baltic, đầu tư có chiến lược vào châu Âu và tự xưng là một cường quốc gần “gần Bắc Cực”.

Giới tình báo trên toàn châu Âu cũng ngày càng cảnh giác với các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, những phản ứng là chưa rõ ràng. Một số nhà ngoại giao và lập pháp châu Âu muốn quốc gia mình lưu ý đến các cảnh báo của Mỹ. Ở Anh, khi có thông tin rằng Huawei sẽ được phép giữ một vai trò hạn chế đối với những thành phần ít nhạy cảm trong mạng 5G, các nghị sĩ đảng Bảo thủ có ảnh hưởng đã lên tiếng phản đối quyết định của chính phủ.

Ở Đức, các nhà lập pháp bảo thủ đã cũng với các đảng phải khác đưa ra những động thái tương tự để phản đối chính phủ theo bước Anh. Thorsten Benner, Viện trưởng Viện Chính sách công toàn cầu tại Berlin thì cho rằng “nhiều người đã không chia sẻ quan điểm về mối đe dọa và cho rằng thực ra cả Trung Quốc, Nga và Mỹ đều là những vấn đề khó khăn đối với người châu Âu”.

Trong số đó có vẻ như bao gồm cả Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, người đã mở đầu hội nghị bằng việc kêu gọi châu Âu tự đưa ra câu trả lời của mình về sự thay đổi mạnh mẽ trong phạm vi quyền lực và ảnh hưởng. Ông cho rằng châu Âu phải tự tìm cách cân bằng với Trung Quốc, bằng cách cân bằng giữa cuộc cạnh tranh đang gia tăng trong nội bộ hệ thống và sự cần thiết phải hợp tác, từ bỏ việc đưa ra lựa chọn nghiệt ngã theo quan điểm của ông Pompeo, giữa một phương Tây tự do và các lựa chọn thay thế bất lợi.

Đức, vốn đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh lớn giữa EU và Trung Quốc vào tháng 9 tới, hy vọng sẽ hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề như các quy tắc thường mại và chống biến đổi khí hậu, dù rằng vẫn cạnh tranh với họ trong các lĩnh vực khác.

Sự nghi ngờ đặc biệt sâu sắc trong lĩnh vực công nghệ. Ông Mark Esper kêu gọi các công ty Mỹ và châu Âu hợp tác với nhau để phát triển các giải pháp 5G thay thế, tuy nhiên, cũng lại có một số quan điểm trong EU lại coi đây là nỗ lực của Mỹ để chiếm lĩnh một lĩnh vực mà ở đó, hai công ty của châu Âu là Nokia và Ericsson đang giữ vai trò lãnh đạo toàn cầu.

Thậm chí, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr còn đề nghị Mỹ mua cổ phần kiểm soát ở cả hai công ty này. Lời đề nghị đó đã gây ra những phản ứng khác nhau. Phía châu Âu lưu ý rằng Mỹ đã không đưa ra đề nghị tương tự trong các lĩnh vực mà các công ty Mỹ đang dẫn đầu, chẳng hạn như điện toán đám mây...

Một số cựu quan chức ngoại giao Đức cho rằng châu Âu có thể làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc. Những người khác muốn châu Âu trở thành một lực lượng thứ ba có thể đứng vững trước cả hai cường quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người tiên phong ủng hộ phương pháp tiếp cận này.

Trong một phiên hỏi đáp tự do, ông đã bác bỏ khẳng định của ông Pompeo rằng phương Tây đang chiến thắng, đồng thời tuyên bố rằng kỷ nguyên Mỹ làm viên sen đầm toàn cầu đã qua và nhắc lại lời kêu gọi lâu nay của ông rằng châu Âu có thể bảo vệ chủ quyền của mình. Hội nghị diễn ra đồng thời với cuộc tập trận “Người bảo vệ châu Âu 2020” nhằm rèn luyện kỹ năng bảo vệ lục địa châu Âu của quân đội Mỹ, là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất trong 25 năm qua.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/chau-au-luong-lu-truoc-cuoc-chien-cong-nghe-585819/