Châu Âu: Nỗ lực cuối cùng để đạt được thỏa thuận về trần giá khí đốt
Các bộ trưởng Năng lượng EU-27 hôm nay nhóm họp tại Brussels để cố gắng đạt được đồng thuận về mức trần giá khí đốt, một cơ chế mới để ngăn chặn khủng hoảng năng lượng và giá cả tăng vọt vốn là chủ đề gây chia rẽ dai dẳng.
Sau nhiều tháng đàm phán và hai cuộc họp cấp bộ trưởng không thành công, họ phải quyết định vào thứ Hai về một đề xuất thỏa hiệp mới do Cộng hòa Séc, nước hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đệ trình vào cuối tuần qua.
Theo tài liệu dự thảo mà Reuters đã xem được một bản sao, cơ chế điều chỉnh giá khí đốt tạm thời này sẽ được kích hoạt khi giá của hợp đồng một tháng trên sàn TTF của Hà Lan (tiêu chuẩn thị trường khí đốt ở EU) vượt quá 188 euro mỗi megawatt giờ (MWh) trong ba ngày, ngưỡng thấp hơn nhiều so với mức 275 euro/MWh do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào cuối tháng 11.
Khoảng 10 quốc gia, bao gồm Bỉ, Pháp, Hy Lạp và Ba Lan, ủng hộ mức trần thấp hơn 200 euro/MWh.
Về phần mình, Đức, Áo và Hà Lan không chấp nhận một cơ chế như vậy, vì sợ rằng nó sẽ phá vỡ thị trường năng lượng châu Âu bằng cách không khuyến khích nhập khẩu LNG của châu Âu bằng đường biển, các nhà cung cấp khi đó muốn chuyển sang các thị trường sinh lợi hơn.
“Chúng ta phải rất cẩn thận để thuốc chữa bệnh không khiến bệnh tệ hơn”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói với các phóng viên khi đến dự cuộc họp.
Về phần mình, Bộ trưởng Chuyển đổi Năng lượng Pháp, Agnès Pannier-Runacher nhấn mạnh rằng "chúng ta phải hoàn thiện văn bản này và đặc biệt đồng ý về ngưỡng kích hoạt cơ chế".
Bà cũng nhấn mạnh sự cần thiết không làm gián đoạn "sự ổn định của thị trường" và nêu rõ rằng Pháp "ủng hộ các đề xuất nhằm thực hiện cơ chế này với thời gian trì hoãn ngắn, để đảm bảo rằng chúng tôi không gây nguy hiểm cho sự ổn định của thị trường tài chính".
Theo hai quan chức cấp cao của châu Âu, phe ủng hộ hiện tại dường như có đủ sự ủng hộ để biện pháp này được thông qua, kể cả trong trường hợp có sự phản đối dai dẳng từ Đức.