Châu Âu nỗ lực vượt qua khó khăn

Dịch Covid-19 bùng phát buộc nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Trong bối cảnh này, nhiều nước châu Âu đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ người lao động trụ vững và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất ô-tô ở Đức. Ảnh Roi-tơ

Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất ô-tô ở Đức. Ảnh Roi-tơ

Dịch Covid-19 bùng phát buộc nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội và hạn chế các hoạt động kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Trong bối cảnh này, nhiều nước châu Âu đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ người lao động trụ vững và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, cuộc khủng hoảng do Covid-19 đang tác động nặng nề với cả người lao động và người sử dụng lao động trong mọi lĩnh vực. Tại Pháp, hơn 10 triệu người làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân đã đăng ký chương trình hưởng trợ cấp thất nghiệp tạm thời của chính phủ. Ðây là một trong những biện pháp của Pa-ri giúp người lao động và các doanh nghiệp trước những tác động của dịch Covid-19. Theo Bộ trưởng Lao động Pháp M.Păng-ni-cốt, trong khu vực kinh tế tư nhân, tỷ lệ lao động thất nghiệp tạm thời hiện ở mức hơn 50% và 60% số công ty đã phải tạm dừng hoạt động kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Nhằm hỗ trợ người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, các quốc gia châu Âu đã đưa ra nhiều biện pháp như các gói cứu trợ, giảm thuế, tăng thu nhập… Tại Séc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính A.Si-lê-rô-va mới đây thông báo, chính phủ nước này sẽ tăng khoản hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 lên mức 47 tỷ USD. Gói cứu trợ này sẽ bao gồm các biện pháp giảm thuế, chương trình trợ cấp cho người lao động…

Trong khi đó, Ai-xơ-len sẽ chi hơn 400 triệu USD cùng một gói biện pháp nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và những nhóm dễ bị tổn thương. Theo đó, Ai-xơ-len sẽ tăng khoản tiền hỗ trợ những gia đình có thu nhập thấp và người mất việc làm do dịch Covid-19. Lực lượng lao động trong ngành y tế của nước này sẽ được nhận trợ cấp một lần do những đóng góp trong tuyến đầu chống dịch.

Chính phủ Ðức cũng công bố thêm một gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 10 tỷ USD, chi trả các khoản trợ cấp thất nghiệp và các biện pháp cắt giảm thuế mới nhằm hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp gặp khó khăn. Theo đó, những người lao động tại Ðức phải nghỉ việc để tuân thủ các biện pháp hạn chế của chính phủ sẽ được nhận từ 70 đến 77% lương thực tế từ tháng thứ tư bị thất nghiệp, tăng 10% so mức của ba tháng đầu. Từ tháng thứ bảy bị thất nghiệp, người lao động Ðức sẽ được nhận từ 80 đến 87% lương thực tế.

Bên cạnh các gói cứu trợ, các giải pháp tạo việc làm cũng được áp dụng. Cơ quan Lao động liên bang (BA) của Ðức mới đây cho phép những người xin tị nạn và người nước ngoài tại Ðức đang thất nghiệp, tham gia thu hoạch vụ mùa. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp Ðức đang thiếu lao động thời vụ từ nước ngoài do các quy định hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Theo Bộ Nông nghiệp và Lương thực Ðức, từ nay đến cuối tháng 10 tới, việc tuyển dụng các lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ dễ dàng hơn vì không cần thông qua nhiều thủ tục.

Nhằm sớm khôi phục các hoạt động kinh tế, một số nước châu Âu đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, khi số ca nhiễm Covid-19 mới có xu hướng giảm. Từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế cũng góp phần giúp thị trường lao động dần ổn định. Tuy nhiên, ILO khuyến cáo, người lao động chỉ nên quay lại làm việc khi các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh được bảo đảm.

Theo ILO, việc hạn chế số lượng người thất nghiệp trong năm 2020 sẽ phụ thuộc đáng kể các biện pháp ứng phó dịch Covid-19 cũng như các nỗ lực phục hồi nền kinh tế. Việc cân bằng giữa hai nhiệm vụ này đang đặt ra nhiều thách thức với các quốc gia, song các biện pháp thận trọng vẫn được các chuyên gia khuyến cáo, khi dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ bùng phát lại.

Như Ngọc

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44373202-chau-au-no-luc-vuot-qua-kho-khan.html