Châu Âu nói không với rượu bia trong 'Tháng Một không cồn'

Trong 5 năm qua, người dân ở Pháp và một số nước châu Âu đã không còn xa lạ với 'Tháng Một không cồn', nhất là giới trẻ. Đây là một phong trào cộng đồng mang tính thử thách khuyến khích người tham gia phải tìm mọi cách để không tiếp cận bia rượu và các sản phẩm có cồn trong suốt tháng Một. Chỉ tính riêng 'cuộc đua' năm ngoái, đã có tới 4,5 triệu người Pháp hưởng ứng phong trào này.

Người dân châu Âu chuyển sang sử dụng nước ép hoa quả hoặc đồ uống không cồn trong “Tháng Một không cồn”. (Ảnh: FranceInfo)

Người dân châu Âu chuyển sang sử dụng nước ép hoa quả hoặc đồ uống không cồn trong “Tháng Một không cồn”. (Ảnh: FranceInfo)

“Tháng Một không cồn” (Dry January) là sáng kiến y tế cộng đồng có nguồn gốc từ Vương quốc Anh ra đời năm 2020, nhằm tạo ra thử thách với những người tham gia từ bỏ rượu bia trong suốt 31 ngày đầu năm. Phong trào này càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới trong những năm gần đây, thu hút sự tham gia của hàng triệu người.

Lần lượt, giới trẻ của nhiều quốc gia trên thế giới với sự quan tâm lớn đến việc thúc đẩy sức khỏe bản thân và cộng đồng đã hưởng ứng phong trào này, như Hoa kỳ, Australia, Canada và một số nước châu Âu, trong đó có Đức, Tây Ban Nha và Pháp.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại chương trình 20 Giờ (20 Heures) của đài France2 phát sóng ngày 1/1 vừa qua, nhà báo kiêm bác sĩ Damien Mascret nhận định: Trong vòng 5 năm đầu tiên, việc hạn chế tối đa sử dụng bia rượu cho thấy một kết quả đáng khích lệ, giảm thiểu 19% nguy cơ mắc bệnh ung thư. Con số này sẽ còn tăng lên đến 23% nếu không sử dụng bia rượu trong từ 5 đến 10 năm.

Sẽ còn đáng ngạc nhiên hơn khi tỷ lệ ung thư giảm tới 34% nếu người dân nói “không” với bia rượu trong vòng từ 10 đến 20 năm. Ấn tượng hơn cả là những kết quả nghiên cứu trên những người không dùng các loại đồ uống có cồn trong hơn 20 năm. Con số này đạt tới 55%.

Tại châu Âu, có tới 23.000 ca mắc ung thư hằng năm do sử dụng bia rượu, dù chỉ là một lượng nhỏ với ít hơn hai ly mỗi ngày. Các loại ung thư có liên quan đến bia rượu phải kể tới như ung thư miệng, cổ họng, thực quản, đại trực tràng và cả ung thư vú. Bộ Y tế Pháp cũng đưa ra thống kê về 49.000 ca tử vong mỗi năm nói chung do bia rượu gây ra.

"Tháng Một không cồn" lan rộng tại nhiều quốc gia trong những năm qua. (Ảnh: FranceInfo)

"Tháng Một không cồn" lan rộng tại nhiều quốc gia trong những năm qua. (Ảnh: FranceInfo)

Thậm chí, số ra ngày 5/1/2025 xuất bản trên báo điện tử FranceInfo trích dẫn nhận định của ông Mickael Naassila, Chủ tịch Hiệp hội bia rượu và đồ uống có cồn Pháp: Việc ngưng sử dụng bia rượu hoàn toàn tốt cho sức khỏe của người dân.

Nhiều nghiên cứu cho thấy thói quen lành mạnh này còn mang lại những kết quả tích cực đối với giấc ngủ, huyết áp, cân nặng, mái tóc và làn da. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia Anh Quốc công bố năm 2000, cùng sự tham gia của hơn 4.000 tình nguyện viên, lợi ích đầu tiên dễ nhận thấy nhất của “Tháng Một không cồn” chính là giấc ngủ vào ban đêm đã được cải thiện tới 56%. Từ đó, người tham gia nghiên cứu có thể tập trung hơn trong công việc và nhiều năng lượng hơn trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày.

Trước đó, vào năm 2018, Quỹ ủy thác NHS Royal Free London đã tiến hành một nghiên cứu liên quan đến việc ngưng sử dụng bia rượu đối với các yếu tố nguy cơ tim mạch và chức năng gan. Kết quả cho thấy, mức cholesterol “xấu” giảm tới 9,4% và một chỉ số khác liên quan đến ung thư gan cũng ghi nhận sự suy giảm đến 14,5%.

Với những tác động tích cực từ thói quen từ chối bia rượu và các sản phẩm đồ uống có cồn tạm thời trong vòng 31 ngày, không quá ngạc nhiên khi nhận thấy, thành phần người tham gia phong trào trên lại chính là những người đang có thói quen sử dụng thường xuyên hoặc nhiều bia rượu.

“Tháng Một không cồn” cũng không thể thiếu sự tham gia của những người vốn đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân, người muốn thử thách bản thân và cả những người muốn cho chính cơ thể mình một cơ hội “nghỉ ngơi” sau những ngày lễ và buổi tiệc cuối năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cũng cho rằng, những người đang có xu hướng nghiện rượu hoặc phụ thuộc vào bia rượu, không nên tham gia thử thách một mình. Họ cần có sự đồng hành của bác sĩ với những hỗ trợ y tế và theo dõi tâm lý kịp thời. Việc này cho phép giảm thiểu những tác động của việc ngừng sử dụng đột ngột bia rượu, vốn có thể gây ra các triệu chứng như run rẩy, mạch tăng, thở gấp…

Ngưng sử dụng bia rượu trên 20 năm giúp giảm nguy cơ ung thư lên đến 55%. (Ảnh: FranceInfo)

Ngưng sử dụng bia rượu trên 20 năm giúp giảm nguy cơ ung thư lên đến 55%. (Ảnh: FranceInfo)

Lợi ích về mặt sức khỏe là điều hiển nhiên có thể thấy rõ từ phong trào “Tháng Một không cồn”. Bên cạnh đó, cũng có không ít những thách thức mà chính người tham gia cũng phải đối diện.

Tại nhiều quốc gia, nhất là ở những nơi có văn hóa uống rượu “phát triển”, việc từ chối bia rượu có thể gặp nhiều khó khăn. Người tham gia có thể cảm thấy bối rối khi tham gia các sự kiện xã hội, nơi thường xuyên xuất hiện các loại đồ uống có cồn.

Về những thách thức mang tính cá nhân, những người có thói quen uống rượu thường xuyên có thể gặp phải cảm giác thèm rượu trong thời gian đầu của thử thách.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, chỉ có 11% người tham gia lập tức sẽ uống “bù” trở lại ngay khi tháng Một kết thúc. Số còn lại đã hoàn toàn có thể nhận thức được tình trạng sức khỏe đã được cải thiện đáng kể trong thời gian vừa qua, từ đó giảm thiểu tiếp cận hoặc tiếp tục nói “không” với rượu bia trong giai đoạn sau đó.

Một số người lại cảm thấy khó khăn trong việc tìm kiếm những hoạt động thay thế để đỡ cảm thấy bị nhàm chán khi một thói quen cũ đang bị loại bỏ. Để khuyến khích người tham gia thử thách một cách nghiêm túc và trọn vẹn, các chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị như tích cực tản bộ trên những con phố, thử sức mình với những bài tập thể dục-thể thao, dành những khoảng thời gian trong ngày để đọc một cuốn sách, tìm kiếm thú vui từ những công thức nấu ăn mới, học hỏi một ngôn ngữ hoặc một kỹ năng mới…

Mặt khác, một số người có thể cảm thấy cô đơn khi cố gắng không tham gia vào các hoạt động xã hội có sự xuất hiện của bia rượu. Việc mất đi sự kết nối xã hội có thể ảnh hưởng phần nào đó đến tâm trạng của người tham gia thử thách.

Tuy nhiên, đây là một phong trào cộng đồng với sự tham gia của hàng triệu người trên thế giới. Điều này cho phép tạo ra một hiệu ứng tập thể mạnh mẽ, giúp cho người tham gia không sớm bỏ cuộc trước khi tháng Một kết thúc.

Năm 2024, có tới 4,5 triệu người dân Pháp tham gia hưởng ứng phong trào “Tháng Một không cồn”. (Ảnh: FranceInfo)

Năm 2024, có tới 4,5 triệu người dân Pháp tham gia hưởng ứng phong trào “Tháng Một không cồn”. (Ảnh: FranceInfo)

Tại Pháp, Phong trào “Tháng Một không cồn” nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều tổ chức y tế, xã hội, từ thiện, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội phòng chống nghiện bia rượu, nhưng lại chưa nhận được sự hỗ trợ chính thức từ phía chính phủ.

Không giống như chiến dịch quốc gia “Tháng không thuốc lá” diễn ra vào tháng 11 hằng năm, “Tháng Một không cồn” chưa có những chiến dịch quảng bá, nguồn kinh phí hỗ trợ hoặc các chương trình mang tính quốc gia để khuyến khích đông đảo người dân hưởng ứng.

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp bia rượu đóng góp một khoản thuế quan trọng cho ngân sách quốc gia. Việc khuyến khích người dân hạn chế tiêu thụ bia rượu và những sản phẩm có cồn có thể ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách này.

Cũng chính ngành công nghiệp này tạo ra nhiều cơ hội việc làm từ sản xuất cho đến phân phối. Đặc biệt, lĩnh vực này có liên kết chặt chẽ tới nhiều ngành nghề khác như du lịch và nhà hàng, vốn tạo ra một chuỗi giá trị kinh tế lớn.

Các quốc gia Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan vốn được biết tới với mức tiêu thụ rượu bia không hề nhỏ. Một số nước khác như Pháp, Italia, Tây Ban Nha vốn đã quá quen thuộc với sự xuất hiện của rượu vang như một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực.

:

Các thương hiệu đồ uống nhanh chóng bắt kịp xu hướng, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm rượu bia không cồn. (Ảnh: FranceInfo)

Các thương hiệu đồ uống nhanh chóng bắt kịp xu hướng, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm rượu bia không cồn. (Ảnh: FranceInfo)

Ở một khía cạnh khác, nhiều doanh nghiệp nhìn nhận phong trào “Tháng Một không cồn” không chỉ là một phong trào sức khỏe cộng đồng, mà còn là một cơ hội lớn mở ra thị trường đồ uống bia rượu không cồn. Ngày càng có nhiều người hạn chế sử dụng bia rượu, do vậy những sản phẩm không cồn dần trở thành một sự lựa chọn thay thế hấp dẫn và hoàn hảo.

Phát triển nhiều dòng sản phẩm mới với đa dạng các loại hương vị, cùng những chiến dịch marketing tập trung vào lợi ích sức khỏe và lối sống lành mạnh sẽ là giải pháp hiệu quả nhằm tháo nút thắt trong mối liên kết giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng trong giai đoạn mới.

Dù có những thách thức nhất định, “Tháng Một không cồn” vẫn mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe và tinh thần. Đây một cơ hội tốt để người dân châu Âu, đặc biệt là giới trẻ, đánh giá lại thói quen sử dụng bia rượu của mình và cùng hướng tới một cuộc sống lành mạnh hơn trong nhiều năm qua.

MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chau-au-noi-khong-voi-ruou-bia-trong-thang-mot-khong-con-post855010.html