Châu Âu 'nóng' vì khí đốt ở Sahara

Trữ lượng khí đá phiến dồi dào ở sa mạc Sahara - nơi khô cằn và 'khát nước' nhất thế giới đang được coi là giải pháp tiềm năng thỏa 'cơn khát' khí đốt của Liên minh châu Âu.

Chủ động “chớp” thời cơ

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), ước tính, Algeria nắm giữ 231 nghìn tỉ feet khối (gần 6,5 nghìn tỉ m3) khí đá phiến thu hồi dưới lòng sa mạc Sahara, đủ để cung cấp cho toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) trong 10 năm. Nếu tính theo thời giá hiện tại ở Vương quốc Anh, “mỏ vàng” này có thể đem lại cho đất nước Bắc Phi khoảng 2,6 nghìn tỉ USD.

Đương nhiên, thông tin này không thể bị giới lãnh đạo EU bỏ qua được, bởi từ lâu, châu Âu đã có ý tưởng biến Bắc Phi thành “sân sau” năng lượng của mình không chỉ bởi trữ lượng dầu khí mà còn bởi tiềm năng năng lượng mặt trời trên mảnh đất Phi châu thừa nắng thiếu mưa… Hơn nữa, khoảng cách địa lý từ Algeria đến EU cũng tương đối gần, những đường ống dẫn khí đốt có thể lắp đặt qua Địa Trung Hải dễ dàng. Quan trọng hơn cả là, EU đang muốn tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga, bằng việc khai thác tiềm năng khí đá phiến cực kỳ dồi dào tại các vùng sa mạc Algeria.

Trữ lượng khí đá phiến khổng lồ ở sa mạc Sahara có thể cung cấp đủ nhu cầu cho cả Liên minh châu Âu trong 10 năm

Trữ lượng khí đá phiến khổng lồ ở sa mạc Sahara có thể cung cấp đủ nhu cầu cho cả Liên minh châu Âu trong 10 năm

Algeria, cũng rất “sốt sắng” với việc khai mở nguồn tài nguyên quý giá bắt đầu từ việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt xuyên Địa Trung Hải tới Tây Ban Nha và Italia, giúp liên kết nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất châu Phi và lưới điện châu Âu chính là dấu hiệu tích cực cho thấy Algeria đang chú trọng khắc phục tình trạng cơ sở hạ tầng còn yếu kém của mình. Bên cạnh đó, Algeria cũng đang tích cực mời gọi đầu tư và thực thi nhiều chính sách nhằm kích thích lòng tin của các nhà đầu tư. Một trong số đó là dự luật giảm thuế và điều chỉnh thuế trên doanh thu dầu mỏ tương ứng với khó khăn và rủi ro thăm dò, để khuyến khích đầu tư.

Mặc dù dự luật này vẫn còn phải chờ Quốc hội Algeria phê duyệt, song, chính quyền của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika tự tin rằng, dự luật trên sẽ sớm được thông qua và đi vào thực hiện. Dù kế hoạch hạ thuế với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư của chính quyền Algeria mới chỉ là một bước nhỏ trong chính sách thu hút vốn nước ngoài nhưng, đã có rất nhiều công ty, tập đoàn dầu khí lớn quan tâm sát sao đến những biến chuyển tích cực này.

“Ông lớn” ExxonMobil (Mỹ) mới đây cho hay họ đang đàm phán với chính phủ Algeria về khai thác khí đá phiến ơ nước này. Ngoài ra, nhiều công ty dầu khí quốc tế lớn cũng đã chốt được thỏa thuận thăm dò khai thác khí đá phiến ở Algeria như Shell (Anh, Hà Lan), Eni (Italia) và Tập đoàn Talisman (Canada). Hiện Eni đã bắt đầu hoạt động thăm dò, còn Shell và Talisman đang lên kế hoạch để hoạt động thăm dò sớm được triển khai.

Bên cạnh đó, chính phủ của Tổng thống Bouteflika cũng có kế hoạch nhập khẩu công nghệ khoan thủy lực để tối đa hóa sản lượng khí đá phiến thu hồi của Algeria. Việc “bật đèn xanh” cho công nghệ khoan còn nhiều tranh cãi này có thể coi như là một “ưu đãi ngầm” dành cho EU. Công nghệ khoan thủy lực bị người dân các quốc gia EU phản đối dữ dội do những lo ngại về hậu quả có thể gây nên cho môi trường, khiến các công ty dầu khí khó lòng triển khai tại các dự án khai thác trên lãnh thổ EU.

Dù gần đây, Hội đồng châu Âu đã bác bỏ đề xuất liên quan đến việc cấm sử dụng công nghệ khoan thủy lực của một số quốc gia thành viên, nhưng điều này cũng không cản được một số quốc gia thành viên gây khó khăn cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ khoan thủy lực thông qua việc điều chỉnh luật của quốc gia đó. Còn với Algeria thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác, việc các doanh nghiệp EU sử dụng công nghệ khoan thủy lực cho các dự án nằm ngoài lãnh thổ EU không hề gặp phải bất cứ một trở ngại nào.

Không dễ có “miếng bánh” ngon

Dù tiềm năng tài nguyên của Algeria có giàu có đến đâu chăng nữa, dù chính phủ nước này có dành nhiều ưu đãi và hấp dẫn tài chính đến đâu chăng nữa, thì khi các doanh nghiệp bắt tay vào khai thác thực tế, họ vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách. Như việc lựa chọn đúng được vị trí các mỏ khí đá phiến sét, để có thể thực sự khai thác sinh lời cao đã là cả một thử thách khó khăn bởi các mỏ khí đá phiến tại sa mạc Sahara và các địa điểm khác của Algeria dù có trữ lượng lớn, nhưng lại nằm sâu dưới lòng đất và rải rác trên diện rộng… Mà để thực sự tìm được những vị trí đáng giá để hạ mũi khoan, ước tính các doanh nghiệp cần phải thăm dò thêm khoảng 400 giếng thử nghiệm nữa trong khi Algeria mới chỉ cho phép thăm dò dầu khí ở một số vị trí nhất định, chuyên gia dầu khí Djaouid Djelloul Bencherif của Tập đoàn Sonatrach phân tích.

Bên cạnh đó, theo các công ty năng lượng nhà nước của Algeria, để theo đuổi kế hoạch thăm dò khai thác khí đá phiến ở đất nước này, các công ty tham gia hợp tác cũng phải đảm bảo được khoản kinh phí đầu tư 80 tỉ USD trong 5 năm - một số tiền cỡ “đại gia” mới kham nổi. Hơn nữa, ngay như Bộ Năng lượng và Mỏ Algeria cũng khẳng định rằng, nước này khó có hi vọng đón dòng khí thương mại đầu tiên từ các mỏ đá phiến sét trước năm 2020, do vậy, các nhà đầu tư cần phải liệu đường dài mà lượng sức.

Mặt khác, cũng như ở nhiều nước trên thế giới, sử dụng công nghệ khoan thủy lực để khai thác nguồn tài nguyên khí đốt mắc kẹt trong các cấu tạo đá phiến ở Algeria cũng vấp phải những sự phản đối do lo ngại những ảnh hưởng môi trường, ô nhiễm nguồn nước và khả năng xảy ra động đất. Đặc biệt, việc sử dụng một lượng nước lớn để bơm với áp lực cao trộn với cát và hóa chất để cắt phá đá phiến sét và vấn đề xử lý nước thải sau đó được cho là sẽ phá hủy hệ sinh thái của sa mạc Sahara và là một thảm họa đối với một đất nước có đến 75% diện tích là sa mạc như Algeria.

Tuy vậy, so với Libya – một khu vực thu hút đầu tư dầu khí khác ở Bắc Phi, Algeria vẫn có lợi thế hơn nhờ tình hình an ninh, chính trị tương đối ổn định. Và quan trọng là, với các doanh nghiệp, trước khi đầu tư, điều đầu tiên họ quan tâm không phải là tiềm năng dầu khí, thứ họ quan tâm là làm sao để không bị vướng chân vào những căng thẳng chính trị tại quốc gia sở tại. Nếu Algeria tiếp tục nỗ lực cải thiện niềm tin các các nhà đầu tư và duy trì tình hình ổn định chính trị nước nhà, thì chắc chắn rằng, Algeria vẫn là một “địa chỉ vàng” cho những nhà đầu tư năng lượng toàn cầu.

Năm 2011, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Algeria (Sonatrach) đã thăm dò khí đốt từ đá phiến đầu tiên tại Ahnet, phía nam tỉnh In Salah trên sa mạc Sahara. Theo ước tính của các chuyên gia, khai thác khí đốt từ đá phiến có thể giúp tăng gấp đôi sản lượng khí đốt của Algeria lên tới 160 tỉ m3/năm trong 2 thập niên tới. Đồng thời, dự kiến, đến năm 2030, Algeria có thể xuất khẩu 110 tỉ m3 khí đốt/năm.

Minh Châu (tổng hợp)

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chau-au-nong-vi-khi-dot-o-sahara-78073.html