Châu Âu oằn mình trong đại dịch Covid-19
Thống kê người mắc và tử vong do Covid-19 ở các nước châu Âu, nhất là Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp, liên tục tăng lên một cách đáng lo ngại. Những quốc gia này đã phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh, như đóng cửa biên giới, phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng sẽ gây tác động trong dài hạn, có thể dẫn đến một cuộc suy thoái, thậm chí tạo ra những thay đổi khác.
NDĐT- Thống kê người mắc và tử vong do Covid-19 ở các nước châu Âu, nhất là Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp, liên tục tăng lên một cách đáng lo ngại. Những quốc gia này đã phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh, như đóng cửa biên giới, phong tỏa để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng sẽ gây tác động trong dài hạn, có thể dẫn đến một cuộc suy thoái, thậm chí tạo ra những thay đổi khác.
Khu vực không biên giới của châu Âu đang “biến mất”
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen phải thừa nhận khối này đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của virus corona chủng mới.
"Tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi, những người không phải chuyên gia, lúc đầu đã đánh giá thấp virus SARS-CoV-2, khi dịch bệnh chủ yếu hoành hành tại Trung Quốc. Giờ đây rõ ràng là virus này sẽ khiến chúng tôi bận rộn trong một thời gian dài. Những biện pháp mà hai hoặc ba tuần trước có vẻ như quá quyết liệt thì hiện giờ lại cần phải áp dụng ngay" - Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trả lời phỏng vấn trên tờ Bild của Đức ngày 18-3.
Một trong những biện pháp đó chính là việc phong tỏa biên giới các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU). Đây cũng là biện pháp chung đầu tiên mà 27 quốc gia thành viên trong khối EU đạt được kể từ khi dịch bùng phát, mặc dù các nước cũng đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Italy, quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 cho biết, nước này có thể kéo dài lệnh phong tỏa sang tháng 4-2020 thay vì cuối tháng 3 như dự định ban đầu, sau khi số ca nhiễm mới và số ca tử vong liên tục tăng trong một tuần qua.
Tương tự, Pháp cũng đã phải áp dụng biện pháp chưa từng thấy trong thời bình là yêu cầu 67 triệu người dân hạn chế rời khỏi nhà trong hai tuần tới, trừ các trường hợp cần thiết như đi mua sắm, đi làm, khám bệnh.
Không chỉ Pháp, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng hối thúc người dân hủy tất cả các kỳ nghỉ, trong khi Chính phủ kiểm soát chặt các hoạt động xã hội để ngăn dịch Covid-19 lây lan. Chính phủ Đức đã cấm hoạt động tụ tập ở nhà thờ và đóng cửa tất cả các sân chơi, cơ sở giải trí, cửa hàng không cần thiết.
Tây Ban Nha, quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ hai ở châu Âu (sau Italy), cũng đã phong tỏa nhiều vùng và siết chặt kiểm soát biên giới. Bỉ là quốc gia mới nhất tại châu Âu cũng đã áp dụng các biện pháp mạnh tay để chống dịch, bao gồm buộc người dân ở trong nhà và thậm chí hạn chế tiếp xúc với cả người thân trong gia đình.
Cuối cùng thì, châu Âu cũng nhận ra cách ly là biện pháp trọng tâm và quan trọng nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bao gồm cả những biện pháp cứng rắn nhất đối với người dân.
Trước tình trạng trên, một số ý kiến cho rằng việc đi lại tự do trong nội bộ khối Schengen sẽ khó mà được khôi phục hoàn toàn sau khi cơn bão Covid-19 quét qua “Lục địa già”. Các ý kiến này cũng cho rằng khi khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn, các quốc gia thành viên của EU sẽ áp dụng các biện pháp đơn phương hoặc thiết lập quá trình điều chỉnh chính sách, và chính điều này sẽ làm xói mòn khối thống nhất của EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson trong tuần này cũng đã phải đưa ra quyết định xoay ngược 180 độ so với tuần trước đó, cho rằng nếu không áp dụng biện pháp phong tỏa thì số người chết vì Covid-19 tại nước này có thể lên tới 250.000 người.
Trong một tuyên bố tối 20-3 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Anh đã ra lệnh tất cả các địa điểm giải trí công cộng như nhà hát, rạp chiếu phim, các nhà hàng, quán bar hay phòng tập gym ở nước này phải đóng cửa để phòng tránh sự lây lan của dịch Covid-19.
"Tôi đồng ý rằng những việc chúng ta đang thực hiện là bất thường... tôi có thể hiểu được mọi người sẽ cảm thấy như thế nào... nhưng đó là những việc làm cần thiết. Thật đau lòng khi nghĩ tới những doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với các khó khăn như là một hệ quả tất yếu từ các biện pháp mà Chính phủ thực hiện", Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh.
Cú “sốc” kinh tế và cuộc đua chính sách an sinh xã hội
Bên cạnh áp dụng biện pháp tạm thời đóng cửa biên giới, các nước châu Âu cũng đang trong cuộc đua để đối phó với những tác động kinh tế mà dịch Covid-19 mang lại, được dự báo sẽ là một cú sốc mạnh đối với khu vực.
Nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo, sự bùng phát của Covid-19 có khả năng sẽ dẫn một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020, trong đó kinh tế của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ giảm mạnh trong quý II năm nay ở mức 24%.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde cũng bày tỏ lo ngại đại dịch Covid-19 sẽ gây ra sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế của Eurozone. Nhằm giảm bớt tác động đối với nền kinh tế, giúp Eurozone vượt qua cuộc khủng hoảng, ECB đã công bố một chương trình khẩn cấp mang tên “Chương trình thu mua khẩn cấp trong đại dịch” (PEPP) trị giá 750 tỷ Euro.
Trong khi đó, để giảm thiểu những tác động khi áp đặt các biện pháp mạnh nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19, chính phủ các nước châu Âu đều tăng cường các biện pháp chăm sóc sức khỏe và chi hàng trăm tỷ Euro cho các chương trình an sinh xã hội.
Thông thường, phản ứng ban đầu đối với khủng hoảng hiện nay của các nhà hoạch định chính sách là tập trung giữ cho hệ thống tài chính vận hành ổn định bằng việc cắt giảm tỷ lệ lãi suất, đồng thời cung cấp các khoản vay giá rẻ cho các ngân hàng.
Các chính phủ các nước châu Âu cũng đã cam kết cung cấp các khoản cho vay, trong đó có nước Đức - nền kinh tế số 1 châu Âu, đã đề xuất một gói lên tới hơn 460 tỷ Euro.
Trong khi đó, “gã nhà giầu” Anh cũng không chịu kém cạnh khi công bố gói ngân sách cho vay được chính phủ hậu thuẫn và bảo lãnh trị giá 330 tỷ Bảng (gần 380 tỷ Euro), nhằm xoa dịu “áp lực kinh tế” mà dịch Covid-19 mang lại cho nước này, sau khi Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi người dân hạn chế đến các địa điểm ăn uống, giải trí.
Ở Tây Ban Nha, Chính phủ liên minh cánh tả đã công bố các biện pháp phối hợp giữa xã hội và kinh tế, bao gồm bảo lãnh tín dụng cho các công ty và trợ cấp cho người lao động. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, đã gọi gói ngân sách trị giá 200 tỷ Euro, chiếm tới 20% GDP hằng năm của nước này, mà Chính phủ quyết định chi để khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, là gói ngân sách lớn nhất trong lịch sử Tây Ban Nha thời gian gần đây.
Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tác động tới nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, hay lao động phổ thông không có lương cố định, chính phủ các nước châu Âu cũng đang hoãn việc trả thuế, bảo hiểm xã hội và tiền thế chấp, cũng như chấp nhận các kế hoạch thất nghiệp ngắn hạn và trả tiền nghỉ ốm cho những người đang bị cách ly bắt buộc.
Italy, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, cũng đã đồng ý chi 20 tỷ Euro, trong đó có các phiếu trả tiền cho những người làm nghề trông trẻ. Còn Chính phủ Đan Mạch thì tuyên bố sẽ chi trả 75% tiền lương cho người lao động nếu các công ty cam kết sẽ không sa thải họ.
Xét cho cùng, khi mà các nhà lãnh đạo chính trị và đảng cầm quyền tại châu Âu không bảo vệ được công dân của mình trong đại dịch, cùng với những dự báo về suy thoái kinh tế, thì rất có thể họ sẽ phải đối diện với nguy cơ bị đẩy bật ra khỏi những chiếc ghế mà họ đang ngồi.
Tiếng chuông vẫn đang ngân vang trong các ngôi làng vùng Lombardy ở phía bắc Italy, báo hiệu có thêm những ca tử vong mới do dịch Covid-19, nhưng đó không chỉ là nỗi buồn riêng của người Italy!