Châu Âu quay cuồng trong 'chảo lửa' mùa hè, Tháp Eiffel tạm đóng cửa vì nắng nóng kỷ lục
Châu Âu đang trải qua một trong những đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất đầu mùa hè, nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng, bao gồm cả Tháp Eiffel, phải tạm đóng cửa vì nhiệt độ quá cao.
Trong hai ngày 1 và 2/7, phần đỉnh của Tháp Eiffel đóng cửa để đảm bảo an toàn cho du khách. Ban quản lý Tháp Eiffel đưa ra khuyến cáo người dân và du khách nên tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, uống đủ nước và hạn chế di chuyển ngoài trời trong thời gian cao điểm nắng nóng.

Khói và lửa từ các vụ cháy rừng ở quận Seferihisar, thành phố Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 30/6. (Nguồn: Getty Images)
Nguyên nhân chính của đợt nắng nóng nghiêm trọng này là sự kết hợp giữa hai yếu tố: hiện tượng "mái vòm nhiệt", một khối không khí nóng bị giữ lại ở tầng cao và nhiệt độ nước biển Địa Trung Hải tăng vọt. Ở một số khu vực, nước biển ấm hơn tới 9 độ C so với mức trung bình, đặc biệt dọc bờ biển phía nam nước Pháp.
Sự nóng lên của đại dương không chỉ đẩy nhiệt độ đất liền tăng cao mà còn làm tăng độ ẩm trong không khí, khiến ban đêm cũng trở nên ngột ngạt, oi bức. Đồng thời, khí nóng từ Bắc Phi tràn lên châu Âu lại tiếp thêm nhiệt cho biển, tạo thành một vòng phản hồi nhiệt và nguy hiểm.
Hàng loạt kỷ lục nhiệt độ bị phá vỡ
Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai quốc gia đang ở tâm điểm của đợt nóng, nhiệt độ đã đạt tới mức chưa từng có trong tháng 6. Cụ thể, thị trấn El Granado (Tây Ban Nha) ghi nhận mức nhiệt lên đến 46 độ C. Tại Bồ Đào Nha, thành phố Mora đo được 46,6 độ C, mức cao kỷ lục trong lịch sử tháng 6 của nước này.
Nước Pháp cũng đang chìm trong cái nóng thiêu đốt. Ngày 1/7, nhiều thành phố tại quốc gia này ghi nhận nhiệt độ vượt ngưỡng 38 độ C. Chính phủ Pháp đã phát đi cảnh báo đỏ, mức cảnh báo cao nhất, cho 16 tỉnh, bao gồm cả thủ đô Paris.
Tại Vương quốc Anh, nơi mà chỉ khoảng 5% hộ gia đình có điều hòa, nhiệt độ hơn 32 độ C vào đầu tuần đã khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Người dân ở Valencia, Tây Ban Nha, tận dụng đài phun nước để giải nhiệt, ngày 21/6. (Nguồn: Getty Images)
Thời tiết khô nóng cũng tạo điều kiện cho các đám cháy rừng bùng phát dữ dội. Tại vùng Aude, phía tây nam nước Pháp, một vụ cháy lớn đã thiêu rụi gần 400 mẫu rừng. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 50.000 người đã phải sơ tán do các đám cháy lan nhanh tại các tỉnh Izmir và Manisa.
Đức được dự báo sẽ đón đợt không khí mát từ Đại Tây Dương trong vài ngày tới, giúp xoa dịu phần nào cái nóng khắc nghiệt. Tuy nhiên, các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng những đợt nắng nóng cực đoan như thế này sẽ còn xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm cho nắng nóng không chỉ xuất hiện nhiều hơn mà còn dữ dội và kéo dài hơn. Châu Âu hiện là lục địa nóng lên nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng nhiệt gấp đôi mức trung bình toàn cầu.
Bà Samantha Burgess, Giám đốc chiến lược khí hậu tại Trung tâm Dự báo thời tiết trung hạn châu Âu, nhận định: "Nhiệt độ như hiện nay vốn dĩ chỉ xuất hiện vào giữa mùa hè – tháng 7 hoặc tháng 8 và cũng chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra. Giờ đây, chúng ta phải đối mặt với chúng ngay từ tháng 6".