Châu Âu sẽ đón một mùa du lịch 'đi ngủ sớm'
Chính phủ nhiều nước châu Âu đã tính đến lịch trình cắt điện thường xuyên nhằm tiết kiệm nhiên liệu cho mùa đông tới. Chẳng hạn, bắt đầu từ hôm nay, hệ thống chiếu sáng của tháp Eiffel sẽ được tắt vào lúc 23h45 mỗi ngày...
Mùa đông đang đến gần cùng với việc lượng nhiên liệu nhập khẩu từ Nga ngày càng ít, các nước châu Âu đang tìm mọi cách để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Hồi cuối tháng 7, tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết sẽ giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt bắt đầu từ tháng 8/2022 đến hết tháng 3/2023. Để đạt được mục tiêu này, các nước EU đang nỗ lực thực hiện mọi biện pháp có thể.
Ông Jean Francois Martins, người đứng đầu công ty quản lý tháp Eiffel, cho biết tòa tháp nổi tiếng vẫn được chiếu sáng đến khoảng 1h sáng ngày hôm qua, để khách du lịch kịp check-in với một Eiffel sáng đèn lúc nửa đêm. Tuy nhiên, bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris, cho biết, bắt đầu từ ngày 23/9 đèn điện của công trình sẽ được tắt lúc 23h45 hàng ngày.
Trả lời tờ The Local, Thị trưởng Paris cho biết ngoài tháp Eiffel, nhiều công trình nổi tiếng khác ở Paris như tòa thị chính, bảo tàng Louvre và cung điện Versailles cũng phải tắt đèn vào lúc 22h. Hiện tại, thời gian tắt đèn là vào 23h. Ngoài ra, Paris cũng sẽ tắt đèn tại các tòa nhà công cộng vào lúc 22 giờ, hạ nhiệt độ nước trong các bể bơi thành phố xuống 25 độ C so với 26 độ C hiện nay, giảm hệ thống sưởi ấm trong các tòa nhà công cộng xuống còn 18 độ C.
Các biện pháp trên nhằm đáp ứng mục tiêu mà Tổng thống Emmanuel Macron đề ra cho ngành công nghiệp, hộ gia đình và chính quyền các thành phố. Theo đó, nước này sẽ cắt giảm 10% mức tiêu thụ năng lượng để đối phó với việc Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt và giá năng lượng leo thang. Mặc dù vậy, bà Anne Hidalgo vẫn khẳng định "Pháp sẽ luôn là kinh đô ánh sáng!"
Tất nhiên, Paris không phải là thành phố duy nhất ở châu Âu đưa ra các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong những tháng gần đây. Theo hãng tin Reuters, chính phủ Đức cũng đã chính thức thông qua các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong mùa đông. Theo đó các công trình lịch sử và đài kỷ niệm sẽ tắt đèn chiếu sáng, các doanh nghiệp, cửa hàng không được phép bật đèn chiếu sáng mặt tiền vào ban đêm. Điều này khiến các điểm tham quan nổi tiếng ở Berlin như Cổng Brandenburg và Cột Chiến thắng chìm trong bóng tối.
Các quận của Berlin còn dự tính giảm nhiệt độ ở các công sở và trường học trong mùa đông, hạ nhiệt độ của các bể bơi công cộng và sắp xếp lại lịch làm việc của viên chức nhà nước để tận dụng thời gian ban ngày. Còn tại Hannover, chính quyền địa phương đã ngừng cung cấp nước nóng để rửa tay trong các tòa nhà công cộng. Nước nóng cũng đã bị ngừng sử dụng để tắm trong hồ bơi, phòng thể thao hoặc câu lạc bộ thể dục.
Với chi phí năng lượng tăng vọt, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khách sạn của Đức đang phải đối mặt với một tương lai “không chắc chắn”. Ông Patrick Rothkopf thuộc Hiệp hội Nhà hàng và Khách sạn Đức (DEHOGA) cho biết, thậm chí nhiều công ty có thể phải ngừng kinh doanh. Chẳng hạn như khách sạn Resort Mark Brandenburg ở phí Đông Bắc nước Đức vốn tự hào có nhiều bể tắm nước nóng, nhưng việc duy trì độ ấm có thể đạt tới 32 độ C cho các bể tắm này đang trở nên rất tốn kém. Giám đốc khách sạn Martin Wenzel cho hay: “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nếu không thể tăng chi phí. Nhưng nếu bắt buộc phải làm điều đó, chắc chắn sẽ mất đi lượng du khách đáng kể”.
Loạt động thái tắt điện và giảm nước nóng nhằm tiết kiệm năng lượng được dự báo sẽ tác động tới ngành du lịch của cả châu Âu bởi giai đoạn này, các nước châu Âu đang vào thu, thời tiết mát mẻ, khí hậu ôn hòa, là thời điểm "vàng" để hút khách du lịch. Thời điểm cuối năm cũng là mùa của các phiên chợ Giáng sinh truyền thống với những gian hàng bằng gỗ bán đủ thứ đồ thủ công mỹ nghệ thường xuyên thu hút đến 2 triệu du khách tham quan.
Kênh truyền hình RTL (Bỉ) hôm 22/9 cũng đưa tin, nơi ở chính thức của Quốc vương Bỉ Philippe trong những ngày gần đây đã không được chiếu sáng vào ban đêm. Cũng có thông tin cho rằng, để tiết kiệm năng lượng, khả năng lắp đặt các tấm pin mặt trời để chiếu sáng cung điện đang được thảo luận. Từ hôm nay, nhà chức trách vùng Wallonie của Bỉ cũng bắt đầu tắt đèn trên các tuyến đường cao tốc sau 22h.
Trước đó, từ tháng 8, Tây Ban Nha cũng áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với điều hòa không khí tại các hàng quán và nhiều địa điểm công cộng khác. Ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan, đại diện khu nghỉ dưỡng cao cấp De Mirandabad cho biết: "Để đảm bảo tương lai rằng chúng tôi sẽ không phải đối mặt với chi phí tăng cao, việc tắt điện đi ngủ sớm là cần thiết". Còn ở vùng Lombardy, Ý, chính quyền địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa 50 đài phun nước ở Milan, người dân cũng được yêu cầu duy trì nhiệt độ điều hòa ở mức 26 độ C.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chau-au-se-don-mot-mua-du-lich-di-ngu-som.htm