Châu Âu sẽ làm gì để gỡ rối vấn đề hạt nhân Iran?
Dự trữ urani vượt giới hạn cho phép hay cảnh báo làm giàu urani ở cấp độ cao, mục tiêu mà Iran hướng tới dường như là gây sức ép với các nước châu Âu.
Một cuộc khủng hoảng lớn liên quan tới thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm các cường quốc thế giới (gọi là nhóm P5+1) đang ở rất gần. Iran tuần trước xác nhận đã vượt giới hạn 300 kg dự trữ urani làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Bên cạnh đó, nước Cộng hòa Hồi giáo còn cảnh báo sẽ làm giàu urani ở mức độ trên 3,67% nếu các nước châu Âu không cứu vãn được thỏa thuận này.
Có thể thấy, mục tiêu mà Iran hướng tới là gây sức ép với các thành viên châu Âu cùng tham gia thỏa thuận này, thúc giục Anh, Pháp và Đức hoàn thành các nghĩa vụ theo những gì đã ký kết. Vậy các nước châu Âu sẽ làm gì trước những rắc rối này?
Châu Âu muốn giữ thỏa thuận hạt nhân bằng mọi giá
Ngay sau khi Iran thông báo đã vượt giới hạn dự trữ 300 kg urani thì 3 cường quốc châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân P5+1 năm 2015 là Pháp, Đức và Anh đã cùng đưa ra tuyên bố bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của các nước này và kêu gọi Iran từ bỏ quyết định này và tiếp tục tuân thủ thỏa thuận năm 2015. Trong tối ngày 1/7 thì Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump và sáng ngày 3/7, ông Macron lại lên tiếng, một nửa thuyết phục, một nửa cảnh cáo Iran rằng việc Iran vi phạm thỏa thuận sẽ chỉ làm tăng thêm căng thẳng trong khu vực chứ không thu được bất cứ lợi ích nào.
Đến thời điểm này, thái độ của các nước châu Âu là tương đối giống nhau: một mặt kêu gọi Iran tiếp tục tôn trọng thỏa thuận hạt nhân P5+1, mặt khác cố gắng thuyết phục với các lãnh đạo Mỹ với hy vọng đưa Iran và Mỹ quay trở lại đối thoại với nhau nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Đây là thái độ chung của châu Âu kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định xé bỏ thỏa thuận hạt nhân P5+1.
Về cơ bản, châu Âu muốn giữ thỏa thuận hạt nhân Iran bằng mọi giá nên các nước này cũng tránh gây ra căng thẳng quá mức với Iran, kể cả khi Iran có những động thái vi phạm có chủ ý rõ ràng như khởi động lại lò phản ứng nước nặng hay mới đây là tuyên bố vượt quá mức dự trữ 300kg urani làm giàu ở cấp độ thấp. Việc tránh căng thẳng với Iran thể hiện rõ ở việc bất chấp nhiều nước, như Mỹ hay Israel kêu gọi và gây sức ép, các nước châu Âu vẫn từ chối sử dụng cơ chế giải quyết xung đột, tức là áp dụng các trừng phạt tự động với Iran do các vi phạm này, dù các nước châu Âu hoàn toàn có thể viện dẫn các điều khoản trong thỏa thuận P5+1 năm 2015 để làm điều đó.
Anh, Pháp, Đức tìm cách ‘lách’ trừng phạt của Mỹ?
Việc tìm cách để né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran đã được các nước châu Âu và Iran thảo luận từ năm ngoái, sau khi Mỹ tái áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran. Kế hoạch cụ thể nhất của châu Âu là xây dựng một cơ chế được gọi Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại - Instex, tức là một dạng sàn trao đổi hàng hóa giữa châu Âu và Iran mà không cần dùng đến tiền tệ. Về nguyên tắc, Iran có thể thông qua sàn trao đổi này để đổi các sản phẩm của mình, không bao gồm các sản phẩm dầu lửa, để lấy lương thực, thực phẩm, thuốc men y tế từ phía châu Âu.
Vấn đề là mặc dù các quan chức châu Âu khẳng định rằng Instex đã có thể hoạt động nhưng cho đến nay, chưa có bất cứ giao dịch nào giữa Iran và châu Âu được thực hiện qua sàn trao đổi này. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng cả hai phía đều đang đổ lỗi cho nhau. Phía châu Âu thì chỉ trích Iran nặng nề và chậm chạp về các thủ tục hành chính, trong khi Iran cho rằng châu Âu tạo ra Instex chỉ để xoa dịu Iran chứ không hề có quyết tâm chính trị thực sự để biến sàn trao đổi này thành một công cụ hiệu quả giúp Iran giảm bớt gánh nặng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bằng chứng Iran là hầu như tất cả các tập đoàn lớn của châu Âu đều đã hủy bỏ các kế hoạch đầu tư đang triển khai và rút khỏi Iran kể từ khi Mỹ đe dọa trừng phạt các nước làm ăn với Iran.
Một kế hoạch tham vọng khác của châu Âu trước đây là tái kích hoạt một điều luật của khối này để bảo vệ các công ty châu Âu khỏi các lệnh trừng phạt liên lãnh thổ của Mỹ. Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2018 đến nay, ý tưởng này xem như đã bị chôn vùi, châu Âu không hề có động thái nào cho thấy họ dám đối đầu với Mỹ một cách mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích của chính mình tại Iran và để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Vì tất cả những điều đó, chính quyền Iran bày tỏ một cách rõ ràng, rằng châu Âu đã không hề thực hiện đủ cam kết là giúp Iran giảm bớt thiệt hại từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, và vì thế, Iran có thể làm những gì họ cho là phù hợp.
Châu Âu sẽ làm gì nếu thỏa thuận hạt nhân sụp đổ?
Vào ngày 7/7 tới, Iran có thể sẽ lại có thêm một động thái mới bởi nhiều tuần qua, các quan chức Iran đã đưa ra thời hạn này như một tối hậu thư cho châu Âu, là nếu các nước châu Âu không đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm trợ giúp Iran về kinh tế thì Iran sẽ đưa ra các biện pháp tiếp theo. Đây sẽ là một cột mốc nguy hiểm bởi nếu chính quyền Iran quyết định rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường gia tăng căng thẳng thì khi đó, châu Âu cũng sẽ còn rất ít lựa chọn.
Nếu Iran phá bỏ thỏa thuận và kích hoạt lại chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình, châu Âu sẽ không còn lựa chọn nào khác là phải ngả hẳn về phía Mỹ và đối đầu với Iran. Đó có thể là lựa chọn không mong muốn nhưng một khi mọi ngả đường dẫn đến đối thoại đều bị phía Mỹ bịt kín thì châu Âu cũng không thể làm được gì nhiều.
Nhìn chung, trong bất cứ kịch bản nào thì châu Âu vẫn là bên chịu nhiều thua thiệt nhất. Thỏa thuận hạt nhân P5+1 năm 2015 đã phải mất hàng thập kỷ mới có thể đạt được, trong đó có nỗ lực ngoại giao rất lớn của các nước châu Âu nên nếu thỏa thuận này bị phá bỏ hoàn toàn, đó sẽ là thất bại ngoại giao nghiêm trọng với châu Âu.
Tiếp đến, châu Âu sẽ phải trực tiếp hứng chịu các hậu quả về an ninh, từ việc biến thành đối thủ của Iran cho đến phải ứng phó với sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan, cũng như đối mặt với một làn sóng tị nạn ồ ạt đổ về từ Trung Đông một khi khu vực này bất ổn và xảy ra chiến tranh.
Quan trọng nhất, thất bại với Iran sẽ là minh họa tệ hại cho việc châu Âu hoàn toàn đánh mất chủ quyền trong quan hệ với Mỹ và bất lực đứng nhìn các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh của mình bị Mỹ hủy hoại mà không thể có đối sách phù hợp. Suy cho cùng, nước Mỹ cách Iran quá xa và Iran chưa đủ sức mạnh để trực tiếp đe dọa đến lãnh thổ Mỹ, trong khi châu Âu là vùng đệm lại phải hứng chịu mọi rủi ro từ một chính sách đơn phương và bất chấp lợi ích của đồng minh từ phía Mỹ.
Tại Hội nghị G20 vừa qua thì các nguyên thủ châu Âu như ông Macron hay bà Merkel đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình hơn của Nga và Trung Quốc trong hồ sơ Iran nhưng cho đến nay, mọi thứ vẫn đang bế tắc./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chau-au-se-lam-gi-de-go-roi-van-de-hat-nhan-iran-928368.vov