Châu Âu thận trọng khôi phục tự do đi lại
Trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, hạn chế để khôi phục hoạt động kinh tế thì các nước châu Âu cũng đang thận trọng xem xét việc mở lại biên giới nội khối sau thời gian dài đóng cửa do sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Song giới chức tại Lục địa già hiện tồn tại nhiều quan điểm khác biệt trong việc khôi phục và duy trì đường biên giới mở - một trong những thành tựu lớn nhất của quá trình hội nhập châu Âu khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Các nước châu Âu còn nhiều quan điểm khác biệt về khôi phục tự do đi lại tại châu lục.
Chỉ dẫn trong sắc lệnh của Chính phủ Italia công bố ngày 30-5 cho biết, từ ngày 3-6, công dân các nước thuộc Hiệp ước Schengen về tự do đi lại trong khu vực và Anh tới Italia sẽ không bắt buộc phải cách ly 14 ngày. Quy định cũng áp dụng với công dân các nước châu Âu ngoài Schengen kể từ ngày 15-6. Với tỷ trọng ngành Du lịch chiếm tới gần 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đất nước hình chiếc ủng mong muốn sớm có một sự khởi đầu mới để bắt kịp mùa du lịch hè năm nay và tạo đà vực dậy nền kinh tế.
Mở cửa trở lại biên giới nội địa châu Âu từ ngày 15-6 với điều kiện tình hình dịch bệnh cho phép cũng là mong muốn của Pháp. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhận định, sự lây lan của dịch bệnh đang chậm lại không chỉ tại Pháp mà còn ở khắp châu Âu. Do đó, Pháp ủng hộ việc mở cửa trở lại biên giới mà không có bất kỳ sự cách ly nào đối với khách du lịch và bước đi này cần phải được tiến hành đồng thời, đồng bộ giữa các nước.
Tuyên bố chung giữa Chủ tịch Quốc hội Pháp Richard Ferrand và người đồng cấp Đức Wolfgang Schauble được đưa ra vào tuần trước đã kêu gọi khôi phục di chuyển tự do trong khu vực Schengen ngay khi các điều kiện được đáp ứng. Các nước khác như Áo, Hy Lạp cũng lập tức bày tỏ ủng hộ đề xuất này.
Trong khi đó, nhiều quốc gia lại tỏ ra thận trọng do lo ngại nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai và không muốn liều lĩnh đánh đổi những thành công bước đầu trong công tác phòng, chống dịch. Với số ca dương tính cao nhất tại khu vực, Tây Ban Nha tuyên bố sẽ chỉ ngừng cách ly y tế bắt buộc đối với du khách đến nước này kể từ ngày 1-7. Cộng hòa Ireland vẫn duy trì những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như cách ly 14 ngày đối với khách du lịch nước ngoài, hay Cộng hòa Czech từ chối nhập cảnh đối với công dân các nước châu Âu có tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao.
Khi bắt đầu bùng phát dịch bệnh, nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đóng cửa biên giới hoặc áp đặt lệnh hạn chế đi lại từ giữa tháng 3 mà không hề đưa ra thông báo trước. Đã hơn 2 tháng trôi qua, song quyền tự do đi lại của mỗi cá nhân như một giá trị cốt lõi của EU vẫn chưa thể tái khởi động. Trong khi đó, nền kinh tế của liên minh này dự báo có thể giảm tới 10% trong năm nay, mức suy giảm chưa từng thấy kể từ cuộc đại suy thoái toàn cầu những năm 1930. Ủy ban châu Âu (EC) cũng ước tính các nhà hàng, khách sạn tại châu Âu sẽ mất ít nhất một nửa thu nhập trong năm 2020.
Nghị sĩ Tanja Fajon, Chủ tịch Nhóm công tác về giám sát Schengen của Nghị viện châu Âu (EP) cho rằng, các quốc gia thành viên đã hành động một mình và giờ là lúc EU phải can thiệp để tránh những thiệt hại không thể khắc phục. Khôi phục tự do đi lại là điều tất yếu, song khối này cần một cách tiếp cận thống nhất, áp dụng đồng bộ, có hệ thống để bảo đảm tính bền vững và kết nối của không gian đi lại chung.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã kêu gọi 27 quốc gia EU cùng nhau phối hợp để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, đồng thời cảnh báo sự hợp tác không đầy đủ có thể gây rủi ro cho tất cả các thành viên và tạo ra căng thẳng giữa các nước.