Châu Âu thống nhất kế hoạch hạn chế sử dụng khí đốt, kiên quyết không tạo 'đòn bẩy' cho Nga

Các bộ trưởng năng của các quốc gia thành viên EU, ngoại trừ Hungary, ủng hộ việc tự nguyện cắt giảm 15% lượng sử dụng khí đốt trong mùa đông, một động thái thể hiện quyết tâm giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga và không tạo 'đòn bẩy' cho Moscow trong việc sử dụng nguồn khí đốt như 'vũ khí'.

 Các quốc gia châu Âu đã thống nhất về mục tiêu hạn chế sử dụng khí đốt chung trong mùa đông tới.

Các quốc gia châu Âu đã thống nhất về mục tiêu hạn chế sử dụng khí đốt chung trong mùa đông tới.

Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, các bộ trưởng năng lượng thuộc khối EU đã đồng ý với kế hoạch cắt giảm 15% khí đốt sử dụng trong mùa đông, tương đương 45 tỷ m3, đi kèm với lựa chọn tự nguyện tham gia đối với các quốc đảo và không bao gồm các quốc gia ít kết nối với mạng lưới khí đốt châu Âu. Điều này được cho là sẽ làm giảm tác động tổng thể trong trường hợp xảy ra khủng hoảng khí đốt toàn diện.

Thỏa thuận được đưa ra chưa đầy 24 giờ sau khi công ty năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 1) xuống chỉ còn 20% từ ngày 27/7 với lý do kỹ thuật.

Trước thông báo từ Gazprom, bà Ursula Von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cũng cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin cố gắng “tống tiền” các nước châu Âu bằng khí đốt và cho rằng việc công ty này cắt giảm khí đốt do kỹ thuật là lý do không thỏa đáng:

“Thông báo của Gazprom rằng họ sẽ tiếp tục cắt giảm việc cung cấp khí đốt đến châu Âu thông qua Nord Stream 1, không vì lý do kỹ thuật chính đáng, càng cho thấy bản chất không đáng tin cậy của Nga với tư cách là nhà cung cấp năng lượng”, bà Von der Leyen nói.

Cũng theo bà Von der Leyen, việc cắt giảm nguồn cung từ Moscow đã thúc đẩy các quốc gia EU “giải quyết vấn đề an ninh năng lượng của mình ở quy mô châu Âu, với tư cách là một liên minh”.

Các quan chức EU ca ngợi thỏa thuận cắt giảm mức sử dụng khí đốt mới là một cột mốc quan trọng cho một chính sách năng lượng thống nhất, tương tự như bước nhảy vọt trong hội nhập về y tế diễn ra thời kỳ đại dịch Covid-19.

Jozef Síkela, Bộ trưởng Bộ Công thương Séc, cho biết: “Tôi biết quyết định này không hề dễ dàng nhưng tôi nghĩ cuối cùng mọi người đều hiểu rằng sự hy sinh này là cần thiết”. Ông cho biết quyết định này có nghĩa là châu Âu có thể tránh được "những hậu quả nghiêm trọng trong mùa đông", bao gồm cả việc tăng giá năng lượng.

Theo kế hoạch tiết kiệm năng lượng, tất cả các nước thành viên EU sẽ phấn đấu giảm tiêu thụ khí đốt 15% từ tháng 8 năm nay đến cuối tháng 3/2023. Trong trường hợp lượng khí đốt của Nga ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc khi nhu cầu lên cao quá mức, các quốc gia EU có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng nhằm kích hoạt tiết kiệm bắt buộc ngay lập tức.

Các quốc gia sẽ được miễn cắt giảm bắt buộc nếu họ là các quốc đảo không có liên kết với mạng lưới khí đốt của EU, một điều khoản áp dụng cho Ireland, Malta và Síp.

Các quốc gia vùng Baltic cũng có thể nộp đơn xin miễn trừ vì hệ thống điện của họ được liên kết với Nga, khiến các quốc gia này dễ bị mất điện trong trường hợp điện Kremlin ngắt điện. Việc miễn trừ được đưa ra nhằm bảo vệ ba nước thuộc Liên Xô cũ nếu họ buộc phải dựa vào khí đốt để tăng cường cung cấp điện.

Các quốc gia thành viên cũng có thể yêu cầu miễn hoặc giảm mục tiêu tiết kiệm nếu ít kết nối với mạng lưới khí đốt châu Âu và có thể gửi khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho các nước láng giềng.

Quỳnh Anh

Theo The Guardian

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/chau-au-thong-nhat-ke-hoach-han-che-su-dung-khi-dot-kien-quyet-khong-tao-don-bay-cho-nga-20180504224271559.htm