Châu Âu tiềm ẩn bão tố thời hậu Merkel
Việc bà Angela Merkel rời sân khấu chính trị sau 16 năm không chỉ mở ra kỷ nguyên mới ở Đức mà còn làm lung lay cán cân quyền lực trong EU.
Các ứng cử viên tiềm năng đảm nhiệm vai trò nhà lãnh đạo châu Âu của bà Merkel bao gồm người kế nhiệm bà tại vị trí lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Olaf Scholz, cũng như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng không ai có thể ngay lập tức có khả năng đảm nhận nhiệm vụ này, do những thách thức chưa được giải quyết của Liên minh châu Âu - từ tranh chấp nội bộ về pháp quyền, cho đến những biến động địa chính trị toàn cầu hay dư chấn của Brexit.
Chuyên gia Sebastian Reiche của Trường Kinh doanh IESE ở Tây Ban Nha viết: "Bà Angela Merkel được coi là một trong những chính trị gia quan trọng nhất trong thế hệ này, với vị thế là nhà lãnh đạo trên thực tế của Liên minh châu Âu và 'nhà lãnh đạo của một thế giới tự do'".
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), 41% công dân EU nói rằng nếu có thể, họ sẽ bỏ phiếu cho bà Merkel. Tương tự, chỉ 14% chọn Macron.
Châu Âu có chủ quyền
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng chiến thuật của bà Merkel trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng và ưu tiên các lợi ích kinh tế, ngay cả trong giao dịch với Nga hoặc Trung Quốc, đã gia tăng sức ì và kìm hãm sự hội nhập châu Âu. Việc bà ra đi có thể sẽ mở ra cánh cửa cho người muốn thúc đẩy hội nhập châu Âu – ông Macron lên vị trí có ảnh hưởng lớn.
Đang có nhiều tín hiệu đồng thuận với điều này: Pháp giữ chức chủ tịch EU từ tháng 1 và ông Macron cho biết ông đặt mục tiêu xây dựng một châu Âu "hùng mạnh trên thế giới, hoàn toàn có chủ quyền, tự do lựa chọn và tự chịu trách nhiệm về vận mệnh của mình".
Và với việc liên minh Dân chủ Xã hội cầm quyền nước Đức, dường như lập trường khắt khe về ngân sách lâu nay của Đức sẽ dao động.
Tương tự như vậy, về quốc phòng, Đức, từng thoải mái nằm dưới "lá chắn của Mỹ", sẽ không còn dễ dàng như vậy nữa sau nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Điều này buộc các tầng lớp chính trị ở Berlin phải bắt đầu thay đổi tư duy.
Minh chứng cho sự thay đổi này, chính phủ của ông Scholz gồm các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh thân thiện môi trường và đảng FDP tự do đã tuyên bố trong hiệp ước liên minh của họ rằng nhiệm vụ của họ là xây dựng "một quốc gia mạnh về kinh tế và đông dân ở trung tâm châu Âu để kích hoạt, thúc đẩy và phát triển một châu Âu có chủ quyền".
Ông Alexandre Robinet-Borgomano, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Montaigne cho biết: Sự ra đi của bà Merkel "có thể cho phép tầm nhìn của Pháp về một châu Âu hùng mạnh phát triển, đó là tham vọng mà ông Macron đã nhấn mạnh kể từ khi lên nắm quyền".
'Chủ nghĩa Merkel' đã kết thúc?
Khi người lãnh đạo ở Berlin thay đổi, ông Macron gần đây đã ký một hiệp ước hợp tác song phương mới với nhà lãnh đạo Italy Draghi và trong tháng này đã đưa ra lời kêu gọi chung nhằm cải cách các quy tắc tài khóa của EU để cho phép tăng cường chi tiêu đầu tư.
Tổng thống 43 tuổi đầy tham vọng của Pháp cho biết ông không tìm cách thay đổi liên minh Pháp-Đức, nhưng động thái này diễn ra khi EU đang tự tái cấu trúc sau Brexit. Tuy nhiên, việc ông Macron phải đối mặt với một cuộc bầu cử vào năm 2022 và dù kết quả ra sao, sự quan tâm của Pháp có thể phải dồn vào tình hình chính trị trong nước trong một khoảng thời gian và hạn chế khả năng phát triển tầm nhìn của họ đối với châu Âu.
Còn ông Scholz, 63 tuổi, cựu bộ trưởng tài chính từng phục vụ trong hai nội các của bà Merkel, cũng có thể nắm bắt cơ hội trở thành người thừa kế của bà Merkel, đặc biệt khi ông đảm nhận vị trí chủ tịch G7 năm 2022.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng thời thế đã thay đổi, và việc duy trì "chủ nghĩa Merkel" có thể không phù hợp với kỷ nguyên mới.
Piotr Buras và Jana Puglierin của ECFR viết: "Chính sách duy trì trung lập và tránh các giải pháp cứng rắn đối với tình trạng khó khăn của châu Âu dường như không phải là cách tiếp cận khả thi đối với những thách thức phía trước".
"Chủ nghĩa Merkel khó có thể tồn tại lâu hơn thời gian lãnh đạo của bà Merkel ... bởi vì EU sẽ cần một nước Đức có tầm nhìn xa hơn và can đảm hơn để củng cố nền tảng và bảo vệ vị thế của châu lục trên thế giới."
Giới chuyên gia hiện chưa chắc chắn được liệu ông Scholz sẽ bước ra khỏi cái bóng của bà Merkel để đi một con đường táo bạo hơn.
Với việc cả hai nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu có khả năng cần thời gian để thay đổi thực tế, một cực mới của sự ổn định đã xuất hiện ở miền nam từng đầy nợ nần.
Cực mới từ Italy?
Được mệnh danh là "Super Mario" trong thời gian nắm quyền lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Draghi đã mang lại sự ổn định cho một quốc gia từng là tiêu đề của nhiều biến động và bê bối chính trị.
Ông Draghi "có thể lấp đầy khoảng trống mà bà Angela Merkel để lại với tư cách là người tạo dựng sự đồng thuận trong Hội đồng châu Âu", chuyên gia Nicoletta Pirozzi của tổ chức tham vấn Viện Quan hệ quốc tế ở Rome nói với AFP.
"Ngoài ra, so với cách tiếp cận thận trọng của Merkel, ông ấy có thể tạo ra động lực mới trong các lĩnh vực chính của hội nhập châu Âu, từ cải cách quản lý kinh tế đến chính sách đối ngoại và quốc phòng, với sự hợp tác của Pháp và chính phủ mới của Đức."
Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống của Italy vào tháng Giêng cũng "có thể thay đổi hoàn toàn bức tranh" ở nước này.
Và cho đến khi một nhà lãnh đạo mới xuất hiện, một số nhà phân tích đang dự báo một tương lai u ám đối với EU. Chuyên gia Reiche cảnh báo: "Châu Âu có thể đang hướng tới một thời kỳ bất ổn và tiềm ẩn sự suy yếu".
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chau-au-tiem-an-bao-to-thoi-hau-merkel-20211228161506354.htm