Châu Âu tìm cách bảo vệ di sản văn hóa trước thảm họa thời tiết

Các quan chức chính phủ và nhà nghiên cứu đã lên tiếng kêu gọi nỗ lực bảo tồn tốt hơn nữa để giữ gìn các di sản này cho thế hệ tương lai.

Thành phố du lịch nổi tiếng Venice của Italy bị ngập gần như hoàn toàn do triều cường. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thành phố du lịch nổi tiếng Venice của Italy bị ngập gần như hoàn toàn do triều cường. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thành phố nổi Venice, những bức tranh chạm khắc từ thời tiền sử trong các hang đá ở Tây Ban Nha và rất nhiều di sản văn hóa khác của châu Âu đang đứng trước nguy cơ biến mất do thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, động đất và cháy rừng.

Đầu tháng 11/2018, các cơn bão ở Italy đã phá hủy 14 triệu cây, gây thiệt hại ít nhất 1 tỷ euro (1,14 tỷ USD) cho khu vực Veneto nằm ở phía Bắc nước này, và khiến Venice ngập lụt nặng nề. Theo bà Mami Mizutori, người đứng đầu Cơ quan Liên hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNISDR), các cơn bão là lời nhắc nhở về tác động của biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra ở khắp châu Âu hiện nay.

Phát biểu tại một hội nghị của UNISDR tổ chức tại Rome tháng 11/2018, bà Mizutori cho biết, trong hơn 20 năm qua Italy, Pháp và Đức đều nằm trong nhóm 10 nước có tổn thất kinh tế do thiên tai gây ra đứng hàng đầu thế giới. Những vụ việc gần đây cũng khiến mọi người chú ý hơn đến việc tìm kiếm các biện pháp bảo vệ nền văn hóa phong phú của Venice trước những nguy cơ như mực nước biển dâng và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Venice là một trong số các Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận tại khu vực Địa Trung Hải đang bị đe dọa bởi tình trạng xói mòn bờ biển và lũ lụt do nước biển dâng, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hồi tháng 10/2018. Các công trình chắn sóng biển và ngăn lũ hiện đang được xây dựng từ nay đến năm 2100 sẽ giúp bảo vệ “thành phố tình yêu” khỏi các nguy cơ trên.

Trong khi đó, ông Pierpaolo Campostrini, Giám đốc điều hành CORILA - một tập đoàn nghiên cứu về Venice, cho biết người dân địa phương đang có kế hoạch giảm thiểu các tác động của thiên tai đối với Nhà thờ Vàng Basilica di San Marco bằng cách sử dụng các công trình cản lũ di động và cải thiện hệ thống thoát nước mưa của thành phố.

Ông Campostrini cho rằng Venice cần đầu tư nhiều hơn trong việc bảo vệ các tòa nhà trước nguy cơ sét đánh, hiện đang diễn ra thường xuyên hơn do nhiệt độ tăng lên bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ông cho biết việc bảo tồn các di sản văn hóa “mong manh” là vô cùng quan trọng, không chỉ để phục vụ du lịch hay bảo vệ các kiệt tác có giá trị bởi sự kết nối tinh thần chúng mang lại cho con người.

Nhiều biện pháp có vẻ tương đối đơn giản nhưng lại rất hữu ích trong việc bảo vệ các tòa nhà lịch sử và di tích trước những mối đe dọa tự nhiên, các học giả tại hội nghị của UNISDR đề xuất. Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi sự hoạch định và tuyên truyền thông tin cho người dân địa phương nhận thức được những rủi ro này.

Vùng Castilla y Léon của Tây Ban Nha, khu vực nổi tiếng với những bức tranh chạm khắc từ thời tiền sử trong các hang đá cũng là nơi rất dễ bị tổn thương nếu xảy ra cháy rừng. Cristina Escudero Remirez, điều phối viên Ban quản lý rủi ro di sản văn hóa của khu vực này, cho biết vùng này có dân số ngày càng suy giảm và già hóa, với nguồn tài chính eo hẹp dành cho bảo tồn di sản văn hóa.

Chính quyền vùng đã đưa ra các biện pháp chi phí thấp để bảo vệ các di sản nghệ thuật lâu đời tại đây. Vùng đất xung quanh các bức tranh chạm khắc được trừ sạch cỏ dại và không trồng cây cối, giảm thiểu tác động trong trường hợp xuất hiện đám cháy. Bên cạnh đó, các nhân viên cứu hỏa được cảnh báo không phun nước trực tiếp lên các tảng đá để ngăn chúng khỏi bị nứt.

Tại Thung lũng Loire của Pháp, chính quyền địa phương đã tư vấn cho chủ sở hữu của các lâu đài thời kỳ Phục hưng tráng lệ trong khu vực về những rủi ro mà họ phải đối mặt do lũ lụt. Hầu hết thiệt hại đều có thể tránh được mà chi phí không quá tốn kém, theo ông Jean Claude Eude, người đứng đầu Cơ quan lưu vực sông Loire.

Ví dụ như, họ cần hiểu được những phần nào của tòa lâu đài dễ bị ảnh hưởng, để có kế hoạch đưa thảm trang trí hay các bức tranh quý giá đến những khu vực an toàn, hoặc sửa đường điện cho phù hợp.

Trong trường hợp thảm họa đã xảy ra, các biện pháp khẩn cấp cần phải được thực hiện nhanh chóng để bảo vệ các di sản đã bị ảnh hưởng.

Ngay khi xảy ra trận động đất mạnh ở miền Trung Italy vào tháng 8/2016, khiến 300 người thiệt mạng và phá hủy rất nhiều nhà cửa và nhà thờ, các chuyên gia về di sản văn hóa đã nhóm họp lập kế hoạch khẩn cấp chỉ sau 30 phút. Các tòa nhà hư hại được che chắn khi tuyết rơi, các đồ vật quý giá được chuyển đến nơi cất giữ và các tòa nhà được gia cố để chống lại dư chấn. Tổng cộng, khoảng 15.000 cuốn sách và 22.000 đồ vật đã được tìm lại và lưu giữ.

Các tòa nhà lịch sử như nhà thờ hay tòa thị chính được trùng tu để chống chịu tốt hơn trước nguy cơ động đất, song chúng không thể an toàn như các tòa nhà hiện đại nếu không gia cố thêm bê tông cốt thép. Do đó, điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng./.

Mai Ly/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chau-au-tim-cach-bao-ve-di-san-van-hoa-truoc-tham-hoa-thoi-tiet/111509.html