Châu Âu trăn trở tìm cách để dòng khí đốt qua Ukraine tiếp tục chảy

EU tin rằng khối này có thể chịu đựng được việc Nga dừng vận chuyển khí đốt quá cảnh qua Ukraine mà không gặp bất kỳ rủi ro an ninh lớn nào.

Các quan chức châu Âu đang đàm phán để duy trì dòng khí đốt chảy qua hệ thống đường ống quan trọng giữa Nga và Ukraine, trong bối cảnh họ phải chạy đua để ngăn xung đột Nga-Ukraine làm tổn hại thêm nguồn cung năng lượng cho lục địa này, Bloomberg đưa tin hôm 11/6.

Theo Bloomberg, châu Âu đã cố gắng loại bỏ khí đốt Nga nhưng một số quốc gia Đông Âu vẫn tiếp tục nhận hàng thông qua đường ống đi qua Ukraine. Thỏa thuận quá cảnh này sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Và trong bối cảnh xung đột vẫn tiếp diễn, hầu hết những người theo dõi thị trường đều cho rằng dòng khí đốt này cuối cùng sẽ dừng chảy.

Tuy nhiên, các quan chức chính phủ và các công ty châu Âu đang đàm phán với các đối tác ở Ukraine về cách duy trì dòng khí đốt trong năm tới, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết.

Ý tưởng khả thi

Một lựa chọn đã được thảo luận là các công ty châu Âu mua và bơm khí đốt từ Azerbaijan vào các đường ống của Nga hướng tới “lục địa già”, theo nguồn tin của Bloomberg. Một sự sắp xếp như vậy sẽ cho phép châu Âu tránh được sự bối rối khi mua khí đốt Nga vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng hạn chế nguồn thu của Moscow.

Ý tưởng này ngày càng trở nên khả thi vì có vẻ nó sẽ nhận được sự ủng hộ của Kiev. Ukraine đã thu được khoảng 1 tỷ USD phí trung chuyển vào năm 2021. Khoản tiền này là nguồn tài trợ quan trọng cho nền kinh tế đang chịu thiệt hại nặng nề bởi xung đột. Cũng có những lo ngại rằng các đường ống không được sử dụng có thể trở thành mục tiêu quân sự hoặc rơi vào tình trạng hư hỏng và sẽ cực kỳ tốn kém để sửa chữa.

“Có 2 yếu tố cần nhớ”, ông Oleksiy Chernyshov, CEO của Naftogaz, Tập đoàn năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước của Ukraine, nói với Bloomberg hôm 10/6. “Một là Ukraine có cơ sở hạ tầng vận chuyển và lưu trữ khí đốt cực kỳ tuyệt vời và nên được sử dụng. Và, Ukraine có xu hướng ưu tiên sử dụng cơ sở hạ tầng này vì nó mang lại rất nhiều lợi ích”.

Vị CEO loại trừ bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến việc hợp tác với gã khổng lồ năng lượng Gazprom PJSC của Nga, và cho biết việc trung chuyển khí đốt từ Azerbaijan “có thể có triển vọng”.

Công nhân đi giữa các đường ống và van tại cơ sở khí đốt Dashava ở Ukraine, năm 2014. Ảnh: Newsweek

Công nhân đi giữa các đường ống và van tại cơ sở khí đốt Dashava ở Ukraine, năm 2014. Ảnh: Newsweek

Các bên, bao gồm Công ty năng lượng nhà nước SOCAR của Azerbaijan, Bộ Năng lượng Azerbaijan, Chính phủ Nga và Gazprom, đều không trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg về ý tưởng được nói đến ở trên.

Về mặt lý thuyết, kế hoạch sử dụng khí đốt của Azerbaijan có thể mang lại lợi ích cho Nga nếu nó được triển khai theo hướng một thỏa thuận hoán đổi, trong đó Nga cung cấp khí đốt Azerbaijan cho EU, trong khi Azerbaijan chuyển khí đốt “của Nga” đi nơi khác, cho phép Brussels duy trì lệnh cấm vận thương mại đối với Moscow.

Ý tưởng về hoán đổi không xa lạ với thị trường dầu khí và được sử dụng khi các bên không thể vận chuyển nhiên liệu từ địa điểm này sang địa điểm khác. Baku đã nhiều lần tìm cách tăng xuất khẩu năng lượng sang châu Âu nhưng đường ống của Azerbaijan tới EU đã hoạt động hết công suất và nước này không có kết nối trực tiếp với mạng lưới của Kiev.

Vẫn đang đàm phán

Theo nguồn tin của Bloomberg, các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn đầu và các quyết định chỉ diễn ra vào cuối năm nay, khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Gazprom của Nga và Naftogaz của Ukraine hết hạn, và khi nhu cầu năng lượng mùa đông gây thêm áp lực cho châu Âu.

Nhiều chi tiết vẫn cần được làm rõ và vẫn chưa ngã ngũ liệu một thỏa thuận có được thực hiện hay không. Diễn biến trên chiến trường cũng có thể là một yếu tố cần cân nhắc, Bloomberg cho biết.

Uniper SE, gã khổng lồ khí đốt mà Chính phủ Đức phải quốc hữu hóa khi cuộc khủng hoảng năng lượng dồn công ty này đến đường cùng, đã tham gia vào các cuộc thảo luận, theo một số nguồn tin của Bloomberg. Người phát ngôn của Uniper từ chối bình luận. Một phát ngôn viên của Bộ Kinh tế Đức cho biết chính phủ đang đàm phán với EU.

Slovakia là một trong những quốc gia quan trọng có thể hưởng lợi từ thỏa thuận như vậy, và Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã nói về khả năng này vào tháng trước sau chuyến đi tới Azerbaijan mà không cung cấp thông tin chi tiết.

“Bây giờ, điều đó phụ thuộc vào các cuộc đàm phán giữa các công ty như Gazprom của Nga, các công ty của Azerbaijan, Ukraine và những công ty khác để thống nhất về các điều kiện kinh tế và giá cả”, ông Fico nói với các phóng viên hồi tháng 5. “Nếu họ làm vậy, Slovakia có thể nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan, một phần trong số đó sẽ ở lại Slovakia và một phần sẽ đi qua các nước khác”.

Một phát ngôn viên của chính phủ ở Bratislava từ chối bình luận thêm. Bộ Năng lượng của Áo, một quốc gia khác cũng được hưởng lợi nếu ý tưởng trên được hiện thực hóa, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Đường ống dẫn khí đốt Nga qua Ukraine tới châu Âu. Ảnh: Financial Times

Đường ống dẫn khí đốt Nga qua Ukraine tới châu Âu. Ảnh: Financial Times

Nga vẫn vận chuyển khoảng 15 tỷ m3 khí đốt sang châu Âu mỗi năm, chủ yếu đến Slovakia và Áo, nơi Moscow vẫn là nhà cung cấp chính. Tại Áo, khí đốt của Nga đã đáp ứng hơn 80% lượng tiêu thụ của quốc gia Trung Âu trong 5 tháng liên tiếp. Châu Âu cũng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga bằng tàu biển.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hơn 2 năm trước, EU đã áp đặt vô số hạn chế lên quan hệ kinh tế với Nga, từng bước chấm dứt nhập khẩu dầu và than đá, nhưng chưa bao giờ trừng phạt khí đốt Nga dù thường xuyên có những cuộc tranh luận về việc có nên làm như vậy hay không.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, tin rằng khối có thể chịu đựng được việc Nga dừng vận chuyển khí đốt quá cảnh qua Ukraine mà không gặp bất kỳ rủi ro an ninh lớn nào. Kế hoạch của họ là dựa vào các nhà cung cấp thay thế và theo đuổi chiến lược khí hậu đầy tham vọng, bao gồm nhiều năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng hơn.

Nhưng có một chủ đề mà các chính trị gia châu Âu không thích nói đến: Giá LNG. Ngoài nguồn cung từ Nga, châu Âu cũng nhập LNG từ các nguồn “xuyên Đại Tây Dương”, như từ Mỹ. Giá LNG đã giảm đáng kể so với mức đỉnh vào giữa năm 2022, nhưng vẫn chưa bằng mức giá trung bình của khí đốt mà châu Âu nhận từ Nga qua đường ống.

Minh Đức (Theo Bloomberg, RT, Oil Price)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chau-au-tran-tro-tim-cach-de-dong-khi-dot-qua-ukraine-tiep-tuc-chay-a667847.html