Châu Âu trước ngưỡng cửa mới

Năm 2021 sắp kết thúc, để bắt đầu một giai đoạn chuyển tiếp quyền lãnh đạo tại nhiều quốc gia châu Âu. Điều này đã đặt Liên minh châu Âu (EU) trước những thách thức không nhỏ trên chặng đường sắp tới.

Lãnh đạo mới - tầm nhìn mới?

Ngày 8-12 vừa qua, bà Angela Merkel đã chính thức rời nhiệm sở sau 16 năm lãnh đạo nước Đức. Ở vị trí nhà lãnh đạo của quốc gia lớn mạnh nhất trong EU, bà Merkel từ lâu được mặc nhiên coi là nhà lãnh đạo của cả khối EU. Quãng thời gian dài dẫn dắt nước Đức và EU của bà đã giữ cho liên minh này vượt qua nhiều sóng gió. Vì vậy, sự ra đi của bà Merkel đã để lại nhiều tiếc nuối cũng như những câu hỏi về người kế nhiệm. Nhưng, đó cũng mới chỉ là sự khởi đầu cho những thay đổi lãnh đạo ở tầm cao của EU đang chuẩn bị ồ ạt diễn ra.

Cùng trong giai đoạn nửa cuối năm 2021, các Chính phủ Áo, Hà Lan và Cộng hòa Czech đã có sự thay đổi. Đến tháng 4-2022, cuộc bầu cử Tổng thống Pháp sẽ diễn ra. Đó sẽ là thách thức lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron, người chia sẻ vai trò dẫn dắt EU với bà Angela Merkel. Chưa biết ông Macron có thể tiếp tục giữ chức Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới hay không nhưng ít nhất từ giờ tới lúc đó, EU sẽ không thể là ưu tiên trong những hoạt động của ông. EU vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn sau sự kiện Brexit.

Mối quan hệ EU - Mỹ vẫn ẩn chứa nhiều bất đồng.

Mối quan hệ với nước Anh ngoài EU cho đến lúc này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm thì những hiểm họa “ly khai” mới đã bùng phát. Đối thủ chính trị của ông Macron, bà Marine Le Pen là một người công khai chống lại EU. Trong khi đó, hồi tháng 10-2021 vừa qua, Tòa án Tối cao Ba Lan đã bất ngờ đưa ra phán quyết, tuyên bố một số phần của Hiệp ước EU là không phù hợp với hiến pháp nước này. Một hành động được gọi tên là Polexit.

May mắn thay, vị tân Thủ tướng Đức - ông Olaf Scholz - đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm của liên minh vào tay mình. Ngay khi nhậm chức, ông Olaf Scholz đã khẳng định "ưu tiên số 1" của Chính phủ Đức dưới sự lãnh đạo của ông sẽ là dành cho EU. Đây là một tin mừng đối với liên minh này sau những rạn vỡ trong vài năm qua. Một nước Đức kiên định sẽ là điểm tựa vững chắc để EU đi tiếp. Liên minh lớn nhất thế giới vẫn đang hướng tới sự phát triển sâu rộng hơn để gia tăng kết nối trên toàn châu lục. Những nhà lãnh đạo tin tưởng và kiên trì theo đuổi mục tiêu sẽ là nhân tố quyết định cho sự thành công của kế hoạch. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo mới chắc chắn cũng sẽ đem tới những góc nhìn mới.

Chờ đợi những ngã rẽ

Chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Olaf Scholz trên cương vị mới hôm 12-12, chỉ 4 ngày sau khi nhậm chức là tới Ba Lan. Tại đây, ông Scholz đã gặp người đồng cấp Morawiecki để bàn thảo nhiều vấn đề. Trong đó trọng tâm là khẳng định sự đoàn kết của EU và đưa ra kế hoạch hỗ trợ Ba Lan trước cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới phía Đông. EU trong hơn một thập kỉ qua đã phát triển mạnh về phía Đông và tạo ra những vấn đề mới. Đây chính là khu vực nóng nhất mà các nhà lãnh đạo EU phải dành nhiều thời gian và công sức. Trong mối quan hệ với những quốc gia phía Đông đầy phức tạp hiện nay, ông Olaf Scholz cũng đã thể hiện quan điểm của mình. Những tín hiệu được đưa ra trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức hôm 15-12 vừa qua cho thấy sẽ có sự thay đổi đáng kể trong cách nhà lãnh đạo mới của EU tiếp cận với những vấn đề với Nga và cả Trung Quốc.

Với Nga, EU có thể sẽ có một thái độ "cứng rắn" hơn. Những căng thẳng gia tăng ở biên giới Nga - Ukraine cùng với giá năng lượng gia tăng đang khiến cho mối quan hệ giữa hai bên trở nên thêm trắc trở. Trong giai đoạn trước đây, EU đã từng có thời điểm "ngả về phía Nga" thì nay xu thế này có thể sẽ đảo ngược. Trong nỗ lực xây dựng một liên minh thống nhất đoàn kết, EU không sẵn sàng tự biến mình thành "con tin".

Cái bắt tay lịch sử chuyển giao giữa hai thế hệ lãnh đạo của EU.

Tương tự, mối quan hệ với Trung Quốc cũng đang được xem xét lại. Từ chỗ là thị trường của EU, Trung Quốc nay đã trở thành đối thủ cạnh tranh hàng đầu của những nhà sản xuất EU trong nhiều sản phẩm thế mạnh của chính họ. Sự cạnh tranh đã lan dần từ lĩnh vực kinh tế sang các vấn đề chính trị. Sẽ không còn là mối quan hệ “cùng thắng” như đã từng xảy ra trong quá khứ nữa, EU đang tái xác định vị trí của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu trách nhiệm hơn với những vấn đề chung.

Trong giai đoạn mới, nhà lãnh đạo EU không giấu giếm kế hoạch xây dựng một đường lối đối ngoại độc lập và những bước khởi đầu mới có vẻ là đang trở nên cứng rắn hơn.

Mắc kẹt với chính đồng minh

Bất chấp những rắc rối với Nga hay Trung Quốc, thách thức đối ngoại lớn nhất của EU trong giai đoạn mới lại là với Mỹ. Sau nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, những tưởng nước Mỹ của ông Joe Biden sẽ quay trở lại thân thiết với các đồng minh để tái kết nối những liên kết đã bị rạn vỡ thì những rắc rối mới lại xuất hiện.

Sự quan tâm quá lớn của Washington dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã làm tổn hại đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Những hành động của chính quyền ông Joe Biden trong suốt một năm qua đang đặt ra cho những nhà lãnh đạo EU nhiều câu hỏi. Một mặt, nước Mỹ thành lập những liên minh mới ngoài EU cho những "cuộc chiến" mới. Mặt khác, nước Mỹ của ông Biden lại công khai thúc ép EU phải "đi theo" họ trong những cuộc chiến này.

Trong giai đoạn chính quyền của ông Donald Trump "bỏ rơi" EU, liên minh này đã hướng tới những bước đi độc lập hơn nhằm tự gia tăng sức mạnh của mình. Nhưng, chính quyền hiện tại của ông Joe Biden không hề cho thấy sự ủng hộ với những kế hoạch của EU. Họ phản đối kế hoạch xây dựng quân đội EU dù họ liên tục giảm sự hiện diện quân sự tại đây. Họ tăng cường viện trợ cho chính quyền Ukraine, làm nóng lại tình hình ở biên giới phía Đông của EU. Họ lôi kéo nước Anh vào liên minh mới có tên AUKUS để hướng đến cuộc đối đầu ở tận Tây Thái Bình Dương, nơi không liên quan trực tiếp tới EU. Họ tháo chạy bất ngờ khỏi Afghanistan, để mặc những đồng minh trong thế cô độc. Nguy hiểm hơn, nước Mỹ đẩy EU vào tình thế đối đầu với Nga và Trung Quốc, thứ có thể khiến tình hình thế giới trở nên căng thẳng hơn khi tạo ra hai phe cho một cuộc chiến mới. Nước Mỹ dường như luôn muốn kéo EU vào những tình huống căng thẳng không cần thiết mà quên rằng vị thế của EU này đã khác rất nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh.

Các nhà lãnh đạo EU rõ ràng không muốn bị kéo vào những guồng quay đó. Mỗi bước gia tăng căng thẳng nhỏ nhất với Nga hay Trung Quốc đều sẽ đem thiệt hại đến với EU. Nên nhớ, Nga đang là nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho EU lúc này, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Nhưng, một EU chưa độc lập về quốc phòng an ninh với Mỹ thì cũng rất khó thực thi những chính sách đối ngoại riêng của mình. Trong một phát biểu vào hồi tháng 3-2021, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã thẳng thừng cảnh báo: EU không thể một mình bảo vệ các công dân của họ nếu không có sự giúp đỡ của liên minh quân sự này, mà thực chất ở đây là Mỹ. Làm sao để vừa không căng thẳng với các nước ở phía Đông, vừa không mất lòng với đồng minh phía Tây là một câu hỏi khó. EU cũng đang ở tình thế "đi trên dây”, nơi họ mắc kẹt với mối quan hệ đồng mình của mình.

Sau 2 thập kỉ đầu của thiên niên kỉ mới, EU đã phát triển mạnh mẽ và có một vị thế mới. Nhưng, thời điểm từ nay đến giữa năm 2022 sẽ là giai đoạn chuyển giao thế hệ lãnh đạo quan trọng, đồng thời sẽ phải xử lý những vấn đề đã và đang nảy sinh không ngừng trong những mối quan hệ quốc tế. EU sẽ bước qua ngưỡng cửa khó khăn này như thế nào? Chỉ thời gian mới có câu trả lời.

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/chau-au-truoc-nguong-cua-moi-i639512/