Châu Âu trước Omicron: Người hành động, kẻ đợi chờ

Trong khi nhiều nước châu Âu có biện pháp cứng rắn trước biến thể Omicron, số khác lại tỏ ra chần chừ hơn. Tại sao lại có sự khác biệt này?

Một khu phố vắng vẻ tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan sau lệnh phong tỏa toàn quốc vì biến thể Omicron. (Nguồn: AP)

Một khu phố vắng vẻ tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan sau lệnh phong tỏa toàn quốc vì biến thể Omicron. (Nguồn: AP)

Biến thể Omicron của SARS-CoV-2 lây lan mạnh tại châu Âu khiến một số nước đã triển khai nhiều biện pháp cứng rắn, với Hà Lan trở thành nước đầu tiên phong tỏa toàn quốc vì Omicron: Tất cả cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, bảo tàng và nhà hát phải đóng cửa từ ngày 19/12/2021-14/1/2022. Trường học đóng cửa đến ít nhất ngày 9/1. Mỗi nhà dân chỉ được đón tối đa mỗi lần hai khách, ngoại trừ trong ngày Giáng sinh.

Tại Đan Mạch, nơi khẩu trang và hạn chế xã hội tưởng chừng đã biến mất, các nhà hàng, rạp chiếu phim, công viên và nhiều cơ sở khác một lần nữa phải đóng cửa.

Trong khi đó, ngày 19/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid vẫn để ngỏ mọi phương án vào thời điểm hiện tại. London được cho là sẽ phong tỏa hai tuần sau Giáng sinh, cấm các gia đình tụ họp trong nhà ngoại trừ mục đích công việc, quán rượu và nhà hàng chỉ phục vụ ngoài trời nhằm ngăn biến thể Omicron.

Tuy nhiên, bên kia eo biển Manche, Pháp đã loại bỏ khả năng áp đặt các biện pháp phong tỏa hay giới nghiêm, ngay cả khi nguy cơ lây nhiễm Omicron ở mức cao. Tây Ban Nha và Italy cũng có cách tiếp cận tương tự, dù vẫn theo dõi sát tốc độ lây lan từ biến thể mới của SARS-CoV-2 ở châu Âu. Tại sao lại có sự khác biệt rõ nét này?

Trước hết, đó là số ca mắc mới Covid-19, đặc biệt là từ Omicron. Ngày 19/12, Anh ghi nhận 12.133 ca nhiễm biến thể này, tăng 21% so với ngày hôm trước, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 37.101 trường hợp. Đan Mạch ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm Omicron/ngày, với tỷ lệ ca mắc mới biến thể trên vào hàng cao nhất thế giới. Hà Lan đã trải qua một tuần với trung bình 14.000 ca mắc Covid-19/ngày và các phòng điều trị tích cực dần trở nên quá tải.

Trong khi đó, Tây Ban Nha, Italy và Pháp có số ca mắc Covid-19 trên 100.000 dân ít hơn nhiều. Paris cho biết Omicron hiện đã xuất hiện trên vài trăm trường hợp mắc Covid-19 và trên đà trở thành biến thể phổ biến tại nước này vào đầu tháng sau.

Nhận định về khác biệt này, ông Antoine Flahault, Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu tại Geneva (Thụy Sỹ), cho rằng các nước phía Bắc châu Âu “thường chủ động triển khai chính sách nhanh hơn, tránh đẩy bệnh viện vào tình trạng quá tải”. Tuy nhiên, với các nước phía Nam, hạn chế và phong tỏa chỉ là “biện pháp cuối cùng”.

Đó là chưa kể tới yếu tố chính trị, kinh tế và tâm lý người dân. Đơn cử như Pháp: Chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đã khuyến khích tiêm chủng bằng cách cung cấp chứng nhận vaccine để di chuyển tại nơi công cộng. Tỷ lệ tiêm đủ hai mũi vaccine lên tới 70% giúp trường học và nhiều địa điểm tại Pháp tiếp tục mở cửa. Trong bối cảnh đó, các biện pháp hạn chế hay đợt phong tỏa sẽ tác động tiêu cực tới uy tín của ông Emmanuel Macron khi còn chưa đầy 4 tháng là tới bầu cử Tổng thống.

Pháp đã tăng cường kiểm soát khách du lịch, thậm chí cấm nhập cảnh du khách từ Anh. (Nguồn: Sky News)

Pháp đã tăng cường kiểm soát khách du lịch, thậm chí cấm nhập cảnh du khách từ Anh. (Nguồn: Sky News)

Tương tự, tại Tây Ban Nha, một đợt phong tỏa mới trước thềm nghỉ lễ Giáng sinh có thể để lại tác động chính trị và kinh tế nghiêm trọng đối với chính quyền Madrid.

Song điều này không có nghĩa các nước này khoanh tay chờ biến thể Omicron bùng phát.

Paris đã ra yêu cầu hạn chế các buổi tiệc và pháo hoa lớn, kiểm soát chặt chẽ du khách đến từ các nước đang có biến thể Omicron, đồng thời biến chứng nhận tiêm chủng trở thành yêu cầu bắt buộc với những ai muốn di chuyển tại nơi công cộng. Nước này cũng rút ngắn thời gian chờ giữa các mũi tiêm từ 5 tháng xuống còn 4 tháng. Hiện 17,5 triệu người Pháp đã tiêm mũi bổ sung, tương đương 36% dân số.

Trong khi đó, tại Italy, chính phủ đang cân nhắc triển khai một số biện pháp, song theo Thủ tướng Mario Draghi, Rome vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nước này cũng coi tiêm chủng là ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Hồi tháng 10, Italy trở thành nước lớn đầu tiên tại châu Âu yêu cầu người lao động phải có “chứng nhận Xanh”. Rome cũng thắt chặt quy định đối với những người chưa tiêm chủng vaccine.

Tuy nhiên, liệu chừng đó đã đủ để ngăn chặn biến chủng Omicron lây lan, kéo theo một mùa Giáng sinh ảm đạm trên toàn châu Âu? Chỉ thời gian mới có câu trả lời.

Lưu Huỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-au-truoc-omicron-nguoi-hanh-dong-ke-doi-cho-168658.html