Châu Âu và bài học Afghanistan của Mỹ

EU có kế hoạch thành lập lực lượng vũ trang của riêng mình vào năm 2022. Những đề xuất xung quanh vấn đề này đặc biệt gia tăng thời gian gần đây khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, sự kiện này nêu bật sự phụ thuộc nghiêm trọng của châu Âu vào Mỹ. Nhưng NATO cho rằng việc thành lập một đội quân như vậy sẽ làm suy yếu mối quan hệ của EU với NATO và Mỹ.

Quân đội EU, một đối thủ nặng ký của NATO

Quân đội EU, một đối thủ nặng ký của NATO

NATO phản đối

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phản đối việc Liên minh châu Ân (EU) thành lập một lực lượng quân sự riêng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ The Telegraph: “Những lời kêu gọi thành lập một lực lượng quân sự mới của châu Âu sau khi rút khỏi Afghanistan không được làm suy yếu các cơ quan chỉ huy của NATO hoặc làm chuyển hướng nguồn lực của liên minh”. “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lập các cấu trúc song song, trùng lặp sẽ làm suy yếu khả năng làm việc chung của chúng ta, vì với nguồn lực hạn chế, chúng ta phải tránh giẫm lên chân nhau”, ông cảnh báo.

Tại sao EU cần quân đội của riêng mình?

Việc thành lập lực lượng quân đội chung châu Âu không phải là một ý tưởng mới. Trong những năm 1990, trong bối cảnh chiến tranh ở Balkan và sự sụp đổ của Nam Tư, khối này đã đặt ra nhiệm vụ tạo ra một đội quân khoảng 50.000 binh sĩ, nhưng cuối cùng EU chỉ thành lập được một nhóm phản ứng nhanh với khoảng 1.500 người.

Dự án Nhóm Chiến đấu châu Âu (EUBG) đã hoàn thành vào năm 2007, nhưng EU chưa bao giờ sử dụng nhóm này cho các cuộc khủng hoảng lớn trong khu vực hoặc triển khai các sứ mệnh tại các khu vực đang có xung đột. Giờ đây, tùy thuộc vào hoàn cảnh, EU tạo ra một đội ngũ hỗn hợp riêng biệt cho các sứ mệnh nhân đạo của mình, nhưng Đức và Pháp đã đặc biệt nhiều lần kiên quyết yêu cầu thành lập quân đội EU.

Vào cuối năm nay, EU sẽ đưa ra một văn bản chiến lược, đề xuất thành lập một lực lượng phản ứng nhanh với số lượng vài nghìn quân. Những lời kêu gọi về việc thành lập quân đội của châu Âu đã gia tăng trong những tuần gần đây sau khi Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan khiến Taliban giành lại quyền kiểm soát đất nước. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố hôm 24/8: “Sẽ có những bài học khác được rút ra từ những gì đã xảy ra ở Afghanistan. Những sự kiện này cho thấy điều quan trọng nhất, đối với tương lai của châu Âu, là chúng ta phát triển quyền tự chủ chiến lược của mình trong khi duy trì các liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tôi sẽ đề xuất một cuộc thảo luận về vấn đề này với các nhà lãnh đạo tại Hội đồng châu Âu”.

Quân đội EU, một đối thủ nặng ký của NATO

Ngày 29/6, hơn 80 sĩ quan, đang được đào tạo hoặc đã tốt nghiệp, đã tiến hành cuộc hội thảo đầu tiên của chương trình trao đổi Pháp-Đức tại Quân đoàn châu Âu (Eurocorps). Đây là một quân đoàn liên chính phủ với khoảng 1.000 binh sĩ, có trụ sở chính đóng tại Strasbourg, Alsace, Pháp. Việc lựa chọn Eurocorps để tổ chức hội thảo đầu tiên này không phải là ngẫu nhiên. Trên thực tế, Eurocorps cũng là kết quả hợp tác Pháp-Đức trong lĩnh vực quốc phòng. Năm 1992, Eurocorps được thành lập theo sáng kiến của Pháp và Đức. Ngay từ khi thành lập, nó đã được hình dung như một cấu trúc mở cửa cho các quốc gia khác. Từ năm 1993 đến năm 1996, 3 quốc gia khác liên tiếp tham gia: Bỉ, Tây Ban Nha và Luxembourg. Kể từ năm 2002, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Ba Lan, Ý và Romania đã gia nhập với tư cách là các quốc gia liên kết. Eurocorps cho biết: "Do tính chất đa quốc gia của mình, Eurocorps là một trong những khuôn khổ khả thi cho các chương trình trao đổi sĩ quan". Từ các phân tích ở trên cho thấy, nếu quân đội EU được thành lập, đây sẽ là một đối thủ nặng ký chống lại NATO.

Sự thiếu rõ ràng từ EU

Tuy nhiên, các chính trị gia EU lại tỏ ra thiếu rõ ràng và dường như không muốn hoàn toàn khẳng định lập trường của mình trước NATO. Tờ Politico cho biết Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen, có vẻ bối rối, không biết phải trả lời gì và làm thế nào khi một nhà báo hỏi bà về đề xuất của nhà ngoại giao cao nhất của EU về việc phát triển một lực lượng phản ứng nhanh gồm 50.000 binh sĩ châu Âu. Theo Politico, điều này có nghĩa là các lãnh đạo cấp cao nhất của EU đang theo dõi các sự kiện gần đây để cân nhắc quyết định.

Sự rút lui hỗn loạn của lực lượng quân đội Mỹ khỏi Afghanistan đã trở thành một dấu hiệu đáng báo động đối với EU và là một chất xúc tác cho các cuộc thảo luận về sự cần thiết của một nhóm hoạt động thường xuyên và có sự phối hợp chặt chẽ của EU. Người đứng đầu bộ phận ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, đã phát biểu về điều này trong cuộc họp không chính thức của các bộ trưởng quốc phòng EU vào ngày 2/9. “Chúng tôi đang thảo luận về những bài học mà chúng tôi có thể học được từ việc Mỹ rút khỏi Afghanistan. Trường hợp Afghanistan đã chỉ ra rằng cách duy nhất để khắc phục những thiếu sót trong quyền tự chủ chiến lược của chúng tôi là kết hợp các lực lượng châu Âu. Điều này có nghĩa là nâng cao mức độ sẵn sàng thông qua các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự chung, thiết lập các công cụ mới như lực lượng phản ứng nhanh gồm 50.000 binh sĩ châu Âu… Tất cả những vấn đề này sẽ được thảo luận tại Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng EU vào tháng 11 tới”, ông Borrell nói.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chau-au-va-bai-hoc-afghanistan-cua-my-625096.html