Châu Âu với 'cơn khát' năng lượng

Trong bối cảnh giá năng lượng đang tăng chóng mặt, có nghĩa là nguồn cung năng lượng đang cạn kiệt, châu Âu sẽ phải đối mặt với một mùa Đông đầy căng thẳng.

Châu Âu đang đứng trước nhiều tác động tiêu cực do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra. (Nguồn: Reuters)

Châu Âu đang đứng trước nhiều tác động tiêu cực do cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra. (Nguồn: Reuters)

Mùa Đông năm nay, châu Âu sẽ phải đương đầu với tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng.

Tại nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Italy, giá bán buôn các loại khí đốt tăng lên mức cao kỷ lục, khiến hóa đơn các loại năng lượng của nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp cũng tăng đột biến. Báo Bloomberg cho biết giá khí đốt châu Âu tăng gần 500% trong năm qua và đang giao dịch với mức giá gần mốc kỷ lục.

Tại Italy, hóa đơn của người dân có thể phải tăng tới 40% trong những tháng tới khi thời tiết trở lạnh và buộc người dân phải sử dụng nhiều nhiên liệu hơn cho các hệ thống phát điện và sưởi ấm. Ủy ban điều tiết năng lượng Pháp (CRE) cho biết, giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng thêm 12,6% trong tháng 10/2021.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt áp lực gia tăng sau khi hàng loạt trạm xăng tại quốc gia này cạn nhiên liệu vào ngày 27/9 do người dân cả nước hoảng loạn mua tích trữ.

Cạn kiệt năng lượng

Nguyên nhân chính của sự tăng giá mạnh này là do nguồn cung suy giảm, nhu cầu phục vụ cho phục hồi nền kinh tế tăng cao hay việc tích trữ chuẩn bị cho mùa Đông đang đến. Nhiều quốc gia hiện đang phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hơn bao giờ hết để có nguồn nhiên liệu sưởi ấm.

Thời gian qua, châu Âu cũng bắt tay vào việc đẩy mạnh sản xuất nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Tuy nhiên, đà hồi phục chủ yếu dựa vào hàng hóa được sản xuất trong các ngành thâm dụng năng lượng, chứ không phải ngành dịch vụ, khiến nhu cầu năng lượng tăng mạnh. Châu Âu đã trải qua tháng Tư và tháng Năm với thời tiết lạnh giá đột biến khiến nhu cầu tăng và trữ lượng khí đốt tự nhiên giảm bất thường so với mọi năm.

Trong khi đó, nguồn cung của các loại năng lượng khác lại không ở mức giống các năm trước. Thời tiết mùa Hè khá êm đềm khiến các trang trại gió ở Biển Bắc hoạt động ở công suất thấp. Đồng thời, các quốc gia châu Âu cũng loại bỏ than đá khỏi mạng lưới điện để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Còn Đức đang loại bỏ dần điện hạt nhân vào năm 2022.

Nhưng vấn đề chưa dừng lại ở đó. Châu Âu đã bị Trung Quốc “vượt mặt” trong việc thu mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để tập trung phát triển nền kinh tế xanh hơn. Thế nhưng, bản thân quốc gia châu Á này vẫn chưa thể đổ đầy các kho dự trữ dù đã tăng gần gấp đôi sản lượng nhập khẩu so với năm ngoái.

Thời gian qua, châu Âu cũng bắt tay vào việc đẩy mạnh sản xuất nhằm phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Tuy nhiên, đà hồi phục chủ yếu dựa vào hàng hóa được sản xuất trong các ngành thâm dụng năng lượng, chứ không phải ngành dịch vụ, khiến nhu cầu năng lượng tăng mạnh.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, cuộc khủng hoảng năng lượng này còn nhuốm màu địa chính trị. Ngày 22/9, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cảnh báo về việc thao túng giá nhiên liệu ở châu Âu.

Đồng tình với ý kiến này, 40 thành viên Nghị viện châu Âu đã công bố bức thư cáo buộc Công ty Gazprom của Nga thao túng giá khí đốt. Họ cho biết lượng khí đốt của Nga qua Ukraine giảm dần là hành động có chủ đích nhằm buộc Đức phải kích hoạt đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 vừa hoàn thành qua biển Baltic. Phía Gazprom bác bỏ cáo buộc.

Trước tình hình đó, Na Uy, quốc gia cung cấp khoảng 20% lượng khí đốt tự nhiên tại châu Âu, đang cố gắng hỗ trợ các nước trong khu vực. Tuần qua, tập đoàn năng lượng Na Uy Equinor thông báo sẽ tăng xuất khẩu bắt đầu từ tháng 10. Nhưng trong ngắn hạn, các chuyên gia cảnh báo áp lực lên giá nhiên liệu khó có thể giảm bớt.

Chậm quá trình xanh hóa

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang phần nào khiến cho các mục tiêu tăng trưởng xanh của Liên minh châu Âu (EU) gặp nhiều cản trở.

Nhà bình luận Martin Sandbu của tờ Financial Times nhận định, các quốc gia EU đang cố gắng thúc đẩy chiến lược phát triển xanh. Các nhà lãnh đạo châu Âu nhận ra rằng, nếu EU thành công trong việc “làm gương” với các chương trình khử carbon không chỉ khiến thế giới phải ngưỡng mộ và học tập theo, mà còn muốn “lục địa già” đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ và chính sách đó.

Để thúc đẩy chương trình đó, châu Âu đã yêu cầu tăng thuế đối với nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, đây không phải việc dễ dàng. Khi nguồn cung năng lượng sạch vừa hiếm và đắt, nhiều nước sẽ phải nghĩ đến việc chuyển về sử dụng nhiên liệu hóa thạch vốn gây hại tới môi trường như dầu mỏ và than đá. Điều đó buộc châu Âu phải điều chỉnh giá nhiên liệu hóa thạch để đối chọi với cuộc khủng hoảng này.

Nhìn chung, các chiến lược năng lượng dài hạn của EU là đúng hướng nhưng cách thực hiện lại không đủ mạnh. Ông Sandbu đã chỉ ra một số giải pháp như: EU cần xây dựng một thị trường năng lượng chung, đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, hay đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ở ngoài khu vực, ví dụ Địa Trung Hải.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có cách xử lý kịp thời và khôn khéo, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ sớm lan rộng ra phần còn lại của thế giới.

(theo CNN/Financial Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-au-voi-con-khat-nang-luong-160140.html