Châu Âu xoay trục về biển Đông
Sự hiện diện của tàu chiến châu Âu gửi đi một thông điệp rõ ràng với Trung Quốc rằng các hành vi gây hấn trên biển Đông là mối quan tâm toàn cầu. Sự góp mặt của hải quân châu Âu ở vùng biển này giúp thúc đẩy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với Mỹ.
Lầu Năm Góc hôm 1-9 chỉ trích việc Trung Quốc yêu cầu tàu nước ngoài khai báo ở biển Đông, nói rằng động thái này đe dọa tự do hàng hải.
Nói về quy định hàng hải mới của Trung Quốc, chuyên gia quân sự Tom Rogan của tờ The Washington Examiner khẳng định dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế thì quy định đó không có giá trị. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cần yêu cầu tàu thuyền Mỹ, dù là dân sự hay quân sự, không cần tuân thủ quy định mới và vẫn tiếp tục di chuyển tự do trong vùng biển quốc tế. Mọi động thái ngăn cản việc di chuyển tự do này sẽ bị Washington đáp trả quyết liệt.
Chuyên gia Tom Rogan nhấn mạnh: "Việc cộng đồng quốc tế nhượng bộ những quy định phi lý của Trung Quốc sẽ làm suy yếu nguyên tắc cơ bản của luật an ninh hàng hải quốc tế. Đồng thời, động thái đó sẽ tiếp tay cho Bắc Kinh tiếp diễn việc bắt nạt tàu bè nước ngoài và ép buộc các nước trong khu vực làm theo ý của họ".
Trong bài bình luận trên trang The Interpreter của Viện Lowy (Úc), tiến sĩ Loro Horta, con trai cựu Tổng thống Đông Timor Ramos-Horta, nhận định các cường quốc châu Âu đang tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á. Điều này có thể gây bất ổn nhưng cũng có thể gửi thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc.
Nhiều năm qua, châu Âu hầu hết có lập trường trung lập đối với vấn đề tranh chấp biển Đông. Thế nhưng, khi Trung Quốc ngày càng leo thang ở biển Đông với yêu sách "đường chín đoạn", xây dựng các đảo nhân tạo và quấy rối các nước láng giềng, châu Âu đã xem xét lại chiến lược.
Theo chuyên gia Loro Horta, các hành vi đáng quan ngại của Bắc Kinh dẫn đến sự cô lập ngày càng tăng trong khu vực và xa hơn nữa. Trong khi Trung Quốc ngày càng hùng mạnh hơn về mặt quân sự và kinh tế, nước này ngày càng rơi vào thế yếu về mặt ngoại giao và chính trị.
Vào tháng 4, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố "căng thẳng trên biển Đông, bao gồm sự hiện diện của các tàu lớn của Trung Quốc tại khu vực Đá Ba Đầu (Whitsun Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định trong khu vực". Cũng trong tháng 4, bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc EU thông qua "Chiến lược hợp tác của EU tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Các quốc gia châu Âu lo ngại rằng sức mạnh hải quân và quan điểm của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải ở biển Đông. Điều này sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho thương mại và đầu tư ở Đông Nam Á mà còn ở các thị trường lớn khác, như Nhật Bản và Hàn Quốc. Để khuyến khích Mỹ và các đồng minh trong khu vực bảo vệ quyền này, các quốc gia châu Âu sẵn sàng chọn châu Á làm trọng tâm tiếp cận mới.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/chau-au-xoay-truc-ve-bien-dong-20210903200756654.htm