"Sáng kiến Ba Biển" được xem như dự án địa chính trị quan trọng bậc nhất, là nỗ lực của 12 quốc gia Liên minh châu Âu bao gồm: Áo, Bulgaria, Romania, Croatia, Slovenia, Slovakia, Hungary, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia.
Trên tờ Bloomberg, nhà phân tích Andreas Klute cho rằng Sáng kiến này là phản ứng tốt nhất của châu Âu trước "Con đường tơ lụa mới" được Trung Quốc và Nga cùng triển khai.
Nhìn lại quá khứ, vào năm 2015, Croatia và Ba Lan đã đưa ra Sáng kiến Ba Biển, chương trình nhận được sự đồng thuận từ các quốc gia Baltic và Áo khi khu vực rộng lớn nói trên tỏ ra tụt hậu so với Tây Âu về trình độ phát triển.
Các quốc gia tham gia dự án hợp tác đều đối mặt tình trạng thiếu hạ tầng đường bộ và đường sắt, đường ống dẫn khí đốt, đường ống dẫn dầu, đường dây điện, cũng như đường cáp viễn thông từ Bắc xuống tới phía Nam.
Trong thời kỳ Liên Xô, cơ sở hạ tầng từ Đông sang Tây được đầu tư đồng bộ nhằm mục đích để xe tăng và nhiên liệu có thể được chuyển đến đúng nơi cần thiết mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Dự án mới sẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể về hạ tầng. Ví dụ như Croatia và Ba Lan có ý định tiếp nhận khí hóa lỏng của Mỹ thông qua các đường ống mới thay vì phụ thuộc vào Nga.
Hiện tại châu Âu vẫn đang lo ngại về "bóng ma nước Nga", khi Moskva “khống chế” châu lục này thông qua các đường ống xuyên Biển Đen và Biển Baltic. Nhiều người lo sợ việc Nga sẽ sử dụng khí đốt như biện pháp gây áp lực khi quan hệ xấu đi.
Ngoài việc xây dựng đường ống dẫn khí mới, sáng kiến còn bao gồm việc xây dựng mạng lưới đường bộ và đường sắt, cảng sông, cầu, đường truyền cáp quang, mạng viễn thông 5G và các cơ sở khác.
Tuy nhiên Trung Quốc với nỗ lực để có được vị thế của một siêu cường cũng đang thúc đẩy những chương trình quy mô lớn của mình, điều này bị đánh giá làm tổn hại những nỗ lực của châu Âu.
Trung Quốc có rất nhiều tiền và họ công khai sử dụng sức mạnh tài chính. Trên thực tế, Bắc Kinh đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình ra khắp thế giới thông qua các dự án cơ sở hạ tầng.
Lúc đầu EU nghi ngờ về Sáng kiến Ba Biển, bởi vì các nước Tây Âu phải trả tiền cho mọi thứ, trong khi bản thân dự án giống như một nỗ lực nhằm tập hợp các nước Đông Âu chống lại Brussels.
Nhưng sau thời gian ngắn, Sáng kiến được đánh giá là một nỗ lực với tầm nhìn xa nhằm đảm bảo sự thịnh vượng của khu vực, đồng thời chấm dứt sự “phụ thuộc” vào Nga cũng như sự “can thiệp” của Trung Quốc.
Với thực tế trên, các nước tham gia Sáng kiến Ba Biển tin tưởng Washington, Brussels, Berlin và những quốc gia phương Tây sẽ khác phải ủng hộ. Mỹ và EU đã cam kết hỗ trợ tài chính, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa.
Chuyên gia Klute nhấn mạnh, EU sẽ phải đảm bảo Hungary và các nước khác ngừng nghiêng về phía Trung Quốc và thể hiện thái độ trung thành với Brussels.
Nếu được như vậy, Sáng kiến Ba Biển sẽ trở thành yếu tố hòa giải lâu dài giữa Tây Âu và Đông châu Âu. Sau đó Liên minh châu Âu sẽ trở thành thành trì mới của phương Tây rộng lớn.
Việt Dũng