'Cháu bà nội, tội bà ngoại' đúng hay sai?
Những lúc các chị em 'vượt cạn', người ở bên cạnh thường là mẹ ruột, những lúc 'ở cữ' hoặc con ốm đau cũng là ông bà ngoại sốt sắng chăm lo. Thế nhưng, nếu hoàn cảnh cho phép thì không có ông bà nội nào nỡ 'nhường' việc trông cháu cho ông bà ngoại. Bởi, cháu là cháu chung nên câu nói 'Cháu bà nội, tội bà ngoại' cũng chỉ là một phần nào đó trong xã hội.
Từ khi con gái mang thai, bà Hồ Thị Mộng Tuyền (ấp 1, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) dặn dò đủ thứ, nào là tránh ăn món này, tránh ăn món kia, nên ăn thức ăn, nước uống gì cho tốt, giữ gìn sức khỏe ra sao,… Mẹ chính là người đồng hành cùng con trên mọi “nẻo đường”. Ngày đau bụng vì sắp sinh con, bà Tuyền là người ở bên cạnh con trong bệnh viện suốt đêm. Thấy con đau mà bà buốt ruột, động viên con “rồi mọi chuyện sẽ qua”. “Khi con gái sinh xong, tôi rước về nhà chăm sóc cho thuận tiện. Tuy vất vả nhưng tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc” - bà Tuyền chia sẻ.
Chị Trần Thị Mộng Hiền (con gái bà Tuyền) bày tỏ: “Mặc dù mẹ chồng cũng muốn chăm sóc tôi lúc hậu sản nhưng do bà bận bịu công việc. Về tâm lý, tôi vẫn thích ở bên mẹ ruột hơn vì cảm thấy thoải mái, an tâm. Mẹ nào cũng thương, cũng lo nhưng là con dâu, tôi ngại để mẹ chồng chăm sóc”.
Chị Nguyễn Thị Điền (phường 7, TP.Tân An, tỉnh Long An) khi sinh con cũng được mẹ ruột nuôi dưỡng, chăm nom từng chút một. Chị Điền bộc bạch: “Còn nhớ, lúc đó tôi sinh mổ nên vết mổ rất đau. Đêm đêm, mẹ ngồi bên cạnh lo lắng, nhìn con gái đau đớn mà đôi mắt mẹ rưng rưng. Mẹ bảo: “Phụ nữ sinh con như là vắt xương, vắt thịt đi, phải được nghỉ ngơi cẩn thận. Không nghe mẹ, mai này già dễ đau nhức, bệnh hoạn khổ thân”. Thương con gái, mẹ thay tôi tắm, thay tã cho cháu, dỗ cháu ngủ,... để tôi được nghỉ ngơi. Mẹ chăm cháu ngoại như những ngày mẹ chăm những đứa con của mình. Mẹ là thế đấy, lúc nào cũng chỉ mong những điều tốt nhất cho con mà chẳng khi nào nghĩ tới mình”.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại càng phát triển, bà nội hay bà ngoại đều có thể bận bịu công việc riêng. Việc đỡ đần, phụ giúp con cháu trong nhà phải tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu hoàn cảnh cho phép thì không có ông bà nội nào nỡ để cháu về bên nhà ngoại. Bởi, cháu chung của hai bên gia đình nên việc thương yêu, lo lắng đều ngang nhau. Bà Bùi Thị Kim Em (ấp 3, xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) cho biết: “Do bà ngoại đi làm suốt ngày nên từ khi cháu nội được 1 tháng tuổi là tôi chăm sóc, đến nay, cháu được hơn 1 tuổi. Cha mẹ cháu làm công nhân, mỗi tuần chỉ về thăm con 1 lần. Chăm sóc cháu từ nhỏ nên đã “mến tay, mến chân”, xa một chút là tôi nhớ chịu không nổi. Tuy vất vả nhưng có cháu hủ hỉ rất vui!”.
Tùy theo điều kiện mà khi chị em “vượt cạn”, “ở cữ” sẽ do mẹ đẻ hay mẹ chồng chăm lo, nuôi dưỡng vì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chúng ta cũng không nên vì quá xót mẹ đẻ mà “bãi miễn” mẹ chồng, đem nội ngoại ra so đo, tính toán. Điều này chỉ làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Hơn nữa, việc chăm sóc của ông bà nội hay ông bà ngoại là phúc phần của con cháu, có thì càng tốt, không có cũng không sao. Bởi, đứa trẻ được sinh ra thì nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng vốn dĩ là của trực tiếp người làm cha, làm mẹ./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/-chau-ba-noi-toi-ba-ngoai-dung-hay-sai-a81868.html