Châu Bùi bị quay lén khi thay đồ: Kẻ 'biến thái' xử thế nào?

Nam thanh niên thừa nhận việc đặt đồng hồ trong nhà vệ sinh của studio để quay lén nữ người mẫu Châu Bùi thay đồ và khai đây là lần đầu tiên thực hiện.

Ngày 25/6, Công an quận 3 (TPHCM) đang điều tra, làm rõ vụ người mẫu Châu Bùi (tên thật Bùi Thái Bảo Châu, 27 tuổi) trình báo bị quay lén khi thay đồ trong nhà vệ sinh của một studio chụp ảnh trên địa bàn.

Cơ quan chức năng xác định nghi can đặt đồng hồ quay lén là N.T.H. (24 tuổi), có làm việc tại studio trên. Sáng cùng ngày, cơ quan công an đã đưa nghi can trở lại studio xảy ra vụ việc để làm rõ một số nội dung.

Bước đầu, đối tượng này đã thừa nhận hành vi và khai đây là lần đầu tiên đặt đồng hồ quay lén trong nhà vệ sinh. Cơ quan công an đang tiếp tục đấu tranh, thu thập chứng cứ làm rõ động cơ của nghi can để xử lý theo quy định của pháp luật.

 Hình ảnh nữ ca sĩ trong nhà vệ sinh được trích xuất từ trong dữ liệu của đồng hồ.

Hình ảnh nữ ca sĩ trong nhà vệ sinh được trích xuất từ trong dữ liệu của đồng hồ.

Trước đó, chiều 23/6, người mẫu Châu Bùi cùng ekip có buổi thử đồ cho nhãn hàng tại một studio có tiếng nằm trên đường Nguyễn Văn Mai, phường Võ Thị Sáu, quận 3.

Tại đây, khi thay đồ trong phòng nhà vệ sinh, nữ người mẫu phát hiện thiết bị quay lén, loại ngụy trang đồng hồ đeo tay. Trích xuất hình ảnh từ thiết bị quay lén, nữ người mẫu phát hiện có nhiều hình ảnh của cô nên đến cơ quan công an trình báo và đăng trên Facebook cá nhân để cảnh báo.

Dưới góc độ pháp lý, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, hành vi quay lén người khác trong phòng thay đồ là vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức xã hội, nếu phát tán những hình ảnh này gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của mọi công dân, ghi nhận quyền tự do hình ảnh cá nhân. Bởi vậy, bất kỳ hành vi quay phim chụp ảnh nào đối với người khác cũng phải được người có hình ảnh cho phép. Hành vi thu thập trái phép thông tin cá nhân, quay phim chụp ảnh người khác mà không có sự cho phép là hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là ghi hình người khác trong những tình thế, tư thế nhạy cảm.

Cụ thể, khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”.

Hình ảnh cá nhân chỉ được phép sử dụng trong một số trường hợp mà pháp luật có quy định và không được gây tổn hại đến người có hình ảnh.

Ngoài ra, khoản 1, khoản 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình nêu rõ: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý…”.

Theo luật sư Cường, những đặc điểm về cơ thể, hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của mỗi cá nhân có thể được xác định là bí mật đời tư cá nhân, là danh dự nhân phẩm, một trong những quyền bất khả xâm phạm của cá nhân theo quy định của hiến pháp và pháp luật.

Hành vi quay phim chụp ảnh đặc điểm cơ thể của người khác một cách lén lút là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể gây ra những hậu quả khôn lường đối với nạn nhân, cho thấy ý thức coi thường pháp luật của người vi phạm.

Do đó, người thực hiện hành vi này bị xã hội lên án, thường gọi là kẻ “biến thái” và bị người khác khinh miệt, xa lánh. Hành vi này bị tố cáo, tố giác, người ghi hình lén người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định của luật.

Trong vụ việc nêu trên, rất may mắn là nạn nhân đã kịp thời phát hiện ra mình bị quay lén nên đã trình báo sự việc với cơ quan tổ chức để làm rõ sự việc, hình ảnh, clip chưa bị phát tán.

Tuy nhiên, sự việc này cũng cho thấy sự xuống cấp về đạo đức của người đã thực hiện hành vi, nguy cơ đe dọa đến danh dự nhân phẩm của nhiều nạn nhân. Hành vi như vậy đã thể hiện cụ thể hành vi vi phạm pháp luật, có chứng cứ rõ ràng là clip còn lưu lại. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ xem xét xử lý đối với người vi phạm bằng chế tài hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào hậu quả cụ thể.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ đặc điểm nhân thân của nam thanh niên đã thực hiện hành vi ghi hình lén trong nhà vệ sinh, sẽ làm rõ mục đích sử dụng của các clip này, ngoài hành vi đã bị phát hiện, người này đã từng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tương tự hay chưa, hậu quả đến đâu? Từ đó có đánh giá tổng thể về sự việc, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, nhận thức của hành vi vi phạm pháp luật, hậu quả do hành vi vi phạm pháp luật gây ra để làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật.

 Người mẫu Châu Bùi cùng đại diện studio trình báo công an địa phương về vụ việc

Người mẫu Châu Bùi cùng đại diện studio trình báo công an địa phương về vụ việc

Trường hợp nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người này đã nhiều lần thực hiện hành vi vi phạm, thu thập trái phép thông tin bí mật đời tư cá nhân của nhiều người, những thông tin nhạy cảm của cá nhân rồi đăng tải lên mạng internet để trục lợi hoặc cung cấp cho các trang ưeb đồi trụy hoặc sử dụng hoặc bán cho các đối tượng khác, để đe dọa tống tiền nạn nhân… hoàn toàn có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng vi phạm.

Đối tượng có thể bị truy cứu các tội danh như: Tội làm nhục người khác, Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy; Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể… Nếu sử dụng các thông tin hình ảnh cá nhân nhạy cảm của người khác để đe dọa tống tiền còn có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

Bởi vậy việc làm rõ động cơ mục đích ghi hình, diễn biến hành vi, nhận thức và đặc điểm nhân thân của đối tượng vi phạm là rất cần thiết để xem xét có đủ căn cứ để xử lý hình sự về các tội danh xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác hoặc các tội danh xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tới 30 triệu đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ. Ngoài ra, nếu hành vi có mục đích để đưa lên không gian mạng cũng có thể bị phạt tới 60 triệu đồng theo quy định tại điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP và phải bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân.

Theo điểm c khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân cũng nêu rõ: “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.

Với những người có sức ảnh hưởng trên không gian mạng, những người nổi tiếng, những người của công chúng, hình ảnh cá nhân của họ là rất quan trọng, hình ảnh của họ sẽ gắn với sự nghiệp, cơ hội về thu nhập cũng như danh dự nhân phẩm của cá nhân, trường hợp họ bị xâm phạm đến đời tư cá nhân có thể làm hỏng cả sự nghiệp, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, danh dự nhân phẩm uy tín cá nhân và gia đình họ. Với những người dễ bị tổn thương, khi danh dự nhân phẩm bị xâm phạm sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Bởi vậy hành vi xâm phạm đến đời sống riêng tư, thông tin hình ảnh nhạy cảm, bí mật đời tư cá nhân có thể giống nhau nhưng xâm phạm đến từng đối tượng khác nhau có thể sẽ để lại những hậu quả khác nhau. Do đó, cùng một hành vi vi phạm nhưng phụ thuộc vào hậu quả khác nhau mà có người vi phạm sẽ bị phạt hành chính, còn có người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc này, những người mẫu có thể đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi của người vi phạm, xác định động cơ mục đích, hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Người vi phạm cũng sẽ bị xã hội lên án và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với hành vi của mình.

Mời độc giả xem thêm video Hơn 10.000 phụ nữ bị quay lén khi tắm suối nóng lộ thiên

Hải Ninh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chau-bui-bi-quay-len-khi-thay-do-ke-bien-thai-xu-the-nao-2004762.html