Châu Đốc - An Giang: Địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh
Nằm ở địa đầu biên giới Tây nam của Tổ quốc, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang có vị trí địa lý khá đặc biệt, nằm ở ngã ba sông, nơi sông Châu Đốc và sông Hậu gặp nhau; ở giữa 3 cửa khẩu kinh tế sầm uất là: cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương - thị xã Tân Châu và cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình - huyện An Phú.
Từ vị trí này, thành phố Châu Đốc được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi tập trung hàng hóa buôn bán với nước bạn Campuchia qua cả hai đường thủy và bộ.
Theo tài liệu lịch sử ghi chép, Châu Đốc là một trong những địa danh xưa, được hình thành vào năm 1757, với tên gọi ban đầu là Châu Đốc đạo. Trãi qua 266 năm hình thành và phát triển, ngày nay Châu Đốc đã là một thành phố sung túc. Châu Đốc có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và nhiều điểm thờ phụng mang đậm chất cung đình, văn hóa tâm linh. Du khách đến thăm viếng Châu Đốc ngày càng nhiều… lĩnh vực thương mại - du lịch, chiếm phần quan trọng trong cơ cấu của nền kinh tế thành phố.
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5 km về phía Tây Nam, núi Sam là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Châu Đốc. Tại đây có đến 200 ngôi đền, chùa, am, miếu nằm rải rác từ chân núi đến đỉnh núi.
Núi Sam còn có tên khác là “Vĩnh Tế Sơn” hay “Ngọc Lãnh Sơn”, cao 284m, có chu vi khoảng 5.200m, thuộc phường Núi Sam Hàng năm, có hàng triệu lượt khách du lịch đến với Châu Đốc, thưởng ngoạn và tìm hiểu lịch sử, văn hóa đa sắc tộc ở vùng đất biên cương này.
Với khung cảnh núi rừng rợp mát cây xanh, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh mà còn được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Châu Đốc từ trên đỉnh núi Sam và kênh Vĩnh Tế chạy dọc từ bờ tây sông Hậu đến tận miền biển Hà Tiên, dài khoảng 90 km… Đây là một công trình giao thông thủy lợi giúp ích rất lớn cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương, con kênh do Danh thần Thoại Ngọc Hầu trực tiếp chỉ huy, đôn đốc thực hiện vào năm 1819-1824. Người dân địa phương lúc nào cũng xem ông như là một vị công thần đứng đầu trong công cuộc phát triển dinh điền, khai thác thủy lợi, khẩn hoang lập ấp, làm cho cuộc sống của người dân ngày càng được ấm no, sung túc…
Lăng Thoại Ngọc Hầu, là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng từ thời nhà Nguyễn vẫn còn nguyên vẹn trong quần thể di tích núi Sam, không chỉ một công trình bề thế mà còn mang rất nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử.
Thành phố Châu Đốc được xem là trung tâm du lịch nổi tiếng của tỉnh An Giang và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Châu Đốc có khu danh thắng núi Sam, với nhiều di tích văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia như: Miếu Bà chúa Xứ, Chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, Chùa Phước Điền hay Chùa Hang… là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh. Là vùng đất sông núi hữu tình, lưu dấu bao công trình một thuở cha ông đi mở cõi. Vùng đất giàu truyền thống này từng ghi đậm dấu ấn của các danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại,… những bậc tiền hiền có công khai phá, mở mang vùng đất mới; giữ vững biên cương. Đồng thời còn là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em như Kinh, Chăm, Hoa, Khmer. Châu Đốc có Lễ hội cấp Quốc gia Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, một trong những Lễ hội lớn nhất khu vực. Vào tháng 4 âm lịch hàng năm có rất đông du khách thập phương đến miếu Bà Chúa Xứ cúng bái, xin phúc cầu may đầu năm.
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam là một di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh quan trọng của tỉnh và của khu vực. Việc thờ cúng Bà Chúa Xứ (Chúa Xứ Thánh Mẫu) được xem là trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hàng năm, và được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia từ năm 2001.
Nằm trong khu di tích lịch sử núi Sam có Chùa Tây An, với sự kết hợp giữ lối kiến trúc nghệ thuật Ấn Độ và cổ truyền dân tộc Việt Nam, Chùa Tây An thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, chiêm ngưỡng.
Tọa lạc trên triền núi Sam thơ mộng còn có Chùa Hang hay còn gọi là chùa Phước Điền. Từ sân chùa Chùa Hang, du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy núi non hùng vĩ, ruộng đồng mênh mông… Điểm thu hút du khách đến với Chùa Hang là ở trong chùa có rất nhiều tiểu cảnh sinh động, tất cả đều được trang trí bằng cây xanh hoặc những bức tượng Phật đẹp mắt…
Năm 2023, kỷ niệm 10 năm Châu Đốc được công nhận thành phố trực thuộc tỉnh, Châu Đốc sẽ tổ chức nhiều sự kiện quan trọng cùng nhiều lễ hội theo tập quán địa phương để tri ân các bậc tiền nhân.
Thanh Thảo/ Cổng TTĐT tỉnh An Giang