Châu Kỳ Sơn những ngày đầu khởi nghĩa

Cách đây tròn 74 năm, mùa thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi được lệnh tổng khởi nghĩa, Kỳ Sơn - quê hương của cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm, Đốc Bang là địa phương giành chính quyền về tay nhân dân ngay trong ngày đầu tiên Hòa Bình phát lệnh tổng khởi nghĩa.

Kỳ Sơn là một trong những địa phương năng động trong thu hút đầu tư. Ảnh: Dự án sân gôn Phúc Tiến, Kỳ Sơn đang được triển khai tại huyện Kỳ Sơn.

Theo lịch sử ghi chép, châu Kỳ Sơn có 4 tổng là: Cao Phong, Quỳnh Lâm, Mông Hóa và Hòa Bình. Trước cách mạng, sống dưới chế độ thực dân phong kiến lang đạo hà khắc, người dân bị áp bức bóc lột nặng nề. Chính vì vậy, ngay từ năm 1884, ở châu Kỳ Sơn liên tục nổ ra các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của hơn 300 người dân do Đinh Công Uy lãnh đạo kéo dài đến năm 1887 mới chấm dứt. Đầu những năm 90 của thế kỷ XIX là hoạt động của nghĩa quân Đốc Ngữ chống thực dân Pháp ở vùng hạ lưu sông Đà với cuộc tiến công tiêu biểu đánh chiếm tỉnh lỵ Chợ Bờ vào ngày 29/1/1891. Sau này là cuộc khởi nghĩa của Tổng Kiêm và Đốc Bang từ 1909 - 1910. Và tinh thần ấy lại được khơi dậy mạnh mẽ trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến có lợi cho cách mạng. Ngày 17/8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định phát lệnh tổng khởi nghĩa. Ngày 18/8/1945, lệnh tổng khởi nghĩa về tới Hòa Bình. Ngay ngày hôm đó, từ chiến khu Thạch Yên – Cao Phong, lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi tất cả các cơ sở cách mạng trong toàn tỉnh; chi bộ thị xã Hòa Bình được giao nhiệm vụ tổ chức quần chúng cướp chính quyền ở châu Kỳ Sơn rồi chờ quân khởi nghĩa từ Lạc Sơn, Cao Phong ra phối hợp cướp chính quyền ở tỉnh.

Đã bước qua tuổi ngoài 90, nhưng khi được hỏi về những năm tháng hào hùng ấy, ông Nguyễn Văn Thư, xóm Đồng Giang, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn) vẫn không khỏi xúc động: Khi đó, tôi mới khoảng 15 - 16 tuổi. Tôi còn nhớ sáng 22/8/1945, lực lượng khởi nghĩa bao gồm rất nhiều thanh niên nam nữ, cả các cụ cao tuổi mà sau này tôi mới biết chính là các tổ chức cứu quốc và quần chúng cách mạng biểu tình tuần hành về châu đường Kỳ Sơn. Đi đầu đoàn biểu tình là các đội viên nữ tự vệ cứu quốc gươm súng trong tay, tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đoàn quân khởi nghĩa mang theo băng, cờ, khẩu hiệu qua cổng châu đường Kỳ Sơn với tư thế hiên ngang của người chiến thắng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở châu Kỳ Sơn diễn ra nhanh gọn và thắng lợi trọn vẹn trong buổi sáng 22/8/1945. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng thị xã, Ủy ban khởi nghĩa quần chúng cách mạng, cán bộ Việt Minh thu dọn và tiếp quản châu đường, đồng thời chuẩn bị đón tiếp đoàn khởi nghĩa từ chiến khu Mường Khói và chiến khu Cao Phong – Thạch Yên ra giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

Hơn 70 năm đã qua kể từ mùa thu Tháng Tám lịch sử năm 1945, phát huy truyền thống cách mạng, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kỳ Sơn đoàn kết, nỗ lực phát triển KT-XH. Đồng chí Nguyễn Thị Dung, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Hiện nay, huyện Kỳ Sơn là một trong những vùng động lực kinh tế năng động của tỉnh với mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%, thu nhập bình quân đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. ANCT - TTATXH được ổn định, giữ vững.

Đinh Hòa

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/132148/chau-ky-son-nhung-ngay-dau-khoi-nghia.htm