Châu lục có giá vé máy bay khó ngờ nhất
Ở châu Phi, bay đến một lục địa khác thường rẻ hơn so với bay tới một quốc gia ở cùng châu lục.
Một chuyến bay trực tiếp khoảng 3 tiếng đồng hồ từ thủ đô Berlin của Đức đến Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất khoảng 150 USD.
Nhưng chuyến bay với khoảng cách tương tự, chẳng hạn như từ Kinshasa, thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Congo tới thành phố Lagos của Nigeria sẽ khiến bạn phải trả 500-800 USD, với ít nhất một lần trung chuyển, tổng cộng mất tới 20 giờ.
Điều này khiến cho việc kinh doanh ở châu Phi trở nên rất khó khăn và tốn kém, theo BBC.
Bỏ lỡ cơ hội phát triển
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho rằng nếu 12 quốc gia chủ chốt ở châu Phi hợp tác với nhau để cải thiện kết nối và mở cửa thị trường, thì sẽ tạo ra 155.000 việc làm và thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các quốc gia đó thêm hơn 1,3 tỷ USD.
"Hàng không đóng góp trực tiếp vào GDP của mọi quốc gia. Nó tạo ra việc làm và kích hoạt nền kinh tế", ông Kamil al-Awadhi, phó chủ tịch khu vực châu Phi và Trung Đông của IATA cho biết.
Bà Adefolake Adeyeye, trợ lý giáo sư luật thương mại tại Đại học Durham, cho rằng châu Phi đang bỏ lỡ cơ hội phát triển vì dịch vụ hàng không kém.
“Vận tải hàng không từ lâu đã được chứng minh là giúp thúc đẩy nền kinh tế. Như chúng ta thấy ở các châu lục khác, các hãng hàng không giá rẻ có thể cải thiện kết nối và chi phí, giúp thúc đẩy du lịch, từ đó tạo ra nhiều việc làm hơn”, bà Adeyeye nói.
Thiếu kết nối
Trong số 46 quốc gia kém phát triển nhất theo danh sách của Liên Hợp Quốc, 33 quốc gia đến từ châu Phi. Nghèo đói vẫn là mối đe dọa lớn nhất đối với hàng triệu người trên lục địa này.
Mặc dù khoảng 18% dân số thế giới sống ở châu Phi, nhưng châu Phi chỉ chiếm chưa đến 2% lượng du lịch hàng không toàn cầu.
Tuy nhiên, châu Phi cũng có một tầng lớp trung lưu đang phát triển, những người có khả năng đi du lịch bằng đường hàng không nếu giá vé giá tương đương với châu Âu hoặc các nơi khác.
Các quốc gia châu Phi đã cố gắng trong nhiều thập kỷ để hội nhập về lĩnh vực hàng không, nhưng họ vẫn chưa thành công.
Ông Zemedeneh Negatu, chủ tịch toàn cầu của quỹ đầu tư Fairfax châu Phi cho biết: “Châu Phi cần phải có một chiến lược nhất quán để giải quyết vấn đề dịch vụ hàng không kém”.
Ông Negatu cho biết các chuyến bay ở châu Phi vẫn phụ thuộc vào các thỏa thuận song phương rườm rà của nước này với nước khác.
Hầu hết hãng hàng không nhà nước châu Phi phải chật vật để trang trải chi phí, một số thậm chí còn thua lỗ.
Hệ thống hàng không hiện tại giữa các nước châu Phi rất rời rạc, không có sự liên kết.
"Chính phủ các nước châu Phi cần nhận ra rằng các hãng hàng không độc lập là không khả thi”, ông Negutu nói.
Theo ông Zemedeneh, các hãng hàng không châu Phi nên lấy cảm hứng từ châu Âu và hình thành các mối quan hệ đối tác lớn, chẳng hạn như giữa Air France của Pháp và KLM của Hà Lan, hay Tập đoàn Hàng không Quốc tế Anh - Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, ông Awadhi cho biết các chính phủ dường như không muốn làm việc cùng nhau.
“Mỗi nước đều ‘cứng đầu’, nghĩ rằng họ biết cách giải quyết vấn đề tốt hơn và kiên định với các biện pháp của mình ngay cả khi chúng không hiệu quả lắm”, ông nói.
"Đang có một mức độ bảo hộ nhất định gây tổn hại cho ngành hàng không. Sẽ chẳng có lợi gì nếu bạn có một hãng hàng không quốc gia của riêng mình”, ông Awadhi cho biết.
Tấm gương Ethiopian Airlines
Có một ngoại lệ đáng chú ý ở châu Phi để các nước khác học theo. Đó là Ethiopian Airlines.
Hơn 15 năm trước, công ty Ethiopian Airlines có khoảng 4.000 nhân viên. Con số đó giờ đây là hơn 17.000 người.
Ethiopian Airlines thuộc sở hữu nhà nước nhưng hoạt động hoàn toàn như một liên doanh thương mại mà không có sự can thiệp của chính phủ.
Kích thước máy bay chở hàng và hành khách của công ty đã tăng gấp đôi. Công ty cũng biến thủ đô Addis Ababa trở thành một trung tâm khu vực, thu hút ngoại tệ vào Ethiopia và thúc đẩy ngành dịch vụ của đất nước.
Chỉ hơn 20 năm trước, Ethiopia là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, giờ đây nó đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất.
Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/chau-luc-co-gia-ve-may-bay-kho-ngo-nhat-post1446588.html