Cháu muốn đăng ký thường trú vào nhà ngoại, các cậu, dì phải đồng ý

Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.

Bà ngoại tôi lúc còn sống có một căn nhà ở TP.HCM. Đầu năm 2024, bà ngoại tôi mất, mẹ tôi đã về đây ở để tiện trông nôm, thờ cúng. Khi chuyển về, mẹ tôi đã chuyển thường trú và hiện tại là chủ hộ tại căn nhà này.

Cho tôi hỏi, nếu tôi muốn đăng ký thường trú vào căn nhà do bà ngoại tôi để lại thì có cần phải tất cả các cậu, dì là đồng sở hữu căn nhà ký tên đồng ý cho đăng ký thường trú hay chỉ cần một mình mẹ tôi là được?

Bạn đọc Hồng Hạnh, TP.HCM

Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký thường trú như sau:

Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý thuộc một trong các trường hợp sau đây sau: Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ…

Theo quy định trên thì nếu thuộc trường hợp đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình thì cần đáp ứng hai điều kiện là phải được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý và được chủ hộ đồng ý.

Vì căn nhà thuộc quyền sở hữu của bà ngoại bạn. Bà ngoại mất nếu không để lại di chúc thì hàng thừa kế thứ nhất bà ngoại bạn là những người đồng sở hữu căn nhà gồm cậu, dì và mẹ bạn. Do đó, bạn muốn đăng ký thường trú vào căn nhà trên thì tất cả các cậu, dì là đồng thừa kế đồng ý thì bạn mới được đăng ký thường trú vào.

VÕ HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/chau-muon-dang-ky-thuong-tru-vao-nha-ngoai-cac-cau-di-phai-dong-y-post803534.html