Châu Phi cần được chia sẻ vaccine đậu mùa khỉ
Theo thống kê của Reuters về các tuyên bố công khai, tài liệu và ước tính từ các tổ chức phi chính phủ, với hàng trăm triệu liều vaccine đang nắm giữ, các quốc gia giàu có có thể chống lại đợt bùng phát đậu mùa khỉ ở châu Phi.
Sự chia sẻ cần thiết
Các quốc gia như Nhật Bản, Mỹ và Canada đã tích trữ vaccine trong nhiều năm để phòng ngừa bệnh đậu mùa - một căn bệnh đã được xóa sổ và là họ hàng nguy hiểm hơn của đậu mùa khỉ quay trở lại. Một số loại vaccine đã được sử dụng bên ngoài châu Phi vào năm 2022 khi bệnh đậu mùa khỉ lây lan trên toàn cầu.
Các chuyên gia về bệnh dịch cho biết, một phần nhỏ trong số những liều vaccine này có thể giúp ngăn chặn đợt bùng phát đậu mùa khỉ lớn nhất hiện nay tại Cộng hòa Dân chủ Congo và các quốc gia lân cận.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), chỉ có chưa đến 4 triệu liều đã được cam kết quyên góp, trong khi châu Phi cần khoảng 18 đến 22 triệu liều để tiêm chủng cho 10 triệu người trong 6 tháng tới, tùy thuộc vào loại vaccine.
"Đây không phải là vấn đề kỹ thuật, mà là vấn đề chính trị. Vaccine là vô dụng nếu chỉ được xếp trên kệ. Tại sao chúng ta không đưa chúng đến với những người cần thiết ngay bây giờ?" – bà Maria Van Kerkhove, Quyền Giám đốc Phòng chống đại dịch và Dịch bệnh tại Tổ chức Y tế thế giới – cho biết. Bà Van Kerkhove cùng với CDC châu Phi và các cơ quan y tế khác đang vận động quyên góp nhiều hơn.
Đợt bùng phát hiện nay bắt đầu vào đầu năm 2023 tại Congo, chiếm phần lớn trong số 37.500 ca nhiễm và 1.451 ca tử vong. Theo CDC châu Phi, dịch bệnh đã lan sang 14 quốc gia châu Phi. Chiến dịch tiêm chủng đầu tiên sử dụng 265.000 mũi tiêm được quyên góp dự kiến sẽ bắt đầu tại Congo vào đầu tháng 10 tới.
"Nếu chúng tôi có vaccine sớm hơn, chúng tôi có thể lên kế hoạch cho một chiến dịch quy mô lớn và giảm lây nhiễm" - ông Cris Kacita, Giám đốc Ứng phó đậu mùa khỉ của Congo cho biết.
Các quan chức y tế lo ngại về một chủng mới - được gọi là nhánh Ib, lần đầu tiên được phát hiện ở Congo và dường như lây lan dễ dàng hơn qua tiếp xúc gần. Trẻ em cũng như những người mắc các bệnh về hệ miễn dịch như HIV đặc biệt dễ bị mắc bệnh. "Trẻ em là nạn nhân chính của dịch bệnh này. Tình trạng khẩn cấp đầu tiên vào năm 2022 đã không thực sự được chú ý" - ông Kacita nói.
Các yếu tố khác đã kìm hãm phản ứng đối với đậu mùa khỉ bao gồm các thủ tục quản lý chậm chạp tại WHO và Congo, giá vaccine cao và các cuộc khủng hoảng sức khỏe do xung đột trong nước làm trầm trọng thêm tính cạnh tranh.
Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh dịch cho biết, chỉ riêng việc tiêm vaccine không phải là giải pháp thần kỳ, các quốc gia bị ảnh hưởng cũng cần được tiếp cận với xét nghiệm và nâng cao nhận thức để giải quyết hiệu quả các đợt bùng phát.
Nhưng sự chia rẽ rõ rệt về khả năng tiếp cận vaccine cho thấy, các chính phủ vẫn chưa sẵn sàng để dập tắt các mối đe dọa do virus ở nơi chúng bắt đầu và trước khi chúng lây lan. "Sự thờ ơ đối với đậu mùa khỉ và các mối đe dọa do virus khác ở nơi chúng xuất hiện là mối nguy hiểm đáng kể đối với mọi người trên toàn thế giới" - ông Peter Maybarduk, Giám đốc tiếp cận thuốc men tại nhóm người tiêu dùng Public Citizen của Mỹ, cho biết.
Nguồn vaccine quan trọng
Theo người phát ngôn của Liên minh Vaccine Gavi - một nhóm toàn cầu giúp các nước thu nhập thấp mua vaccine, có 3 loại vaccine được WHO khuyến nghị được lưu trữ trong kho dự trữ trên toàn thế giới: Jynneos của Bavarian Nordic; LC16 của KM Biologics và ACAM2000 của Emergent BioSolutions. Tất cả chúng đều đang được Gavi xem xét để mua và tặng ở châu Phi. Gavi có tới 500 triệu USD để ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Với lý do an ninh quốc gia, nhiều nước từ chối tiết lộ họ có bao nhiêu vaccine. Theo một tài liệu của WHO, Nhật Bản có khoảng 200 triệu liều LC16 từ năm 2022. Không giống như các loại vaccine đối thủ, LC16 có thể được sử dụng cho trẻ em, loại vaccine này không có sẵn bên ngoài Nhật Bản và cần phải có kim tiêm đặc biệt để tiêm. Ông Kacita cho biết, Congo đang trong quá trình thảo luận để mua tới 3,5 triệu liều LC16 từ Nhật Bản.
Một quan chức y tế Nhật Bản xác nhận việc Congo đã đề nghị 3,5 triệu liều, nhưng không xác nhận thời điểm giao hàng. Quan chức này cũng đồng thời cho biết, con số 200 triệu liều của WHO là không chính xác, tuy nhiên không tiết lộ quy mô kho dự trữ quốc gia.
Ông Adam Houston - cố vấn chính sách y tế và vận động của Medecins Sans Frontieres Canada cho biết, Canada có thể có tới 2 triệu liều vaccine của Bavarian Nordic trong kho dự trữ của mình, dựa trên thông báo của công ty trong những năm trước. Mũi tiêm này đã được sử dụng để ngăn chặn đợt bùng phát đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi vào năm 2022. Chính phủ Canada cho biết, họ sẽ quyên góp tới 200.000 liều trong tuần này.
Theo ông Maybarduk, Mỹ có khoảng 100 triệu liều vacicne của Emergent, cũng như một số lượng không xác định các mũi tiêm Jynneos. Họ đã quyên góp 60.000 liều vaccine Jynneos cho đợt bùng phát hiện tại ở Congo.
Tây Ban Nha là một trong những nhà tài trợ lớn nhất được xác nhận khi cam kết quyên góp 20% kho dự trữ vaccine đậu mùa khỉ của mình, tương đương 500.000 liều, vào tháng 8. Quốc gia này đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu làm điều tương tự. Ủy ban châu Âu cũng đã có hợp đồng mua sắm công với Bavarian Nordic để mua vaccine quyên góp và đã gửi 215.000 liều đến Congo.
"Một số loại vaccine đậu mùa khỉ có thể tiêu tốn khoảng 150 đô la để một người được tiêm đầy đủ các mũi, một mức giá mà hầu hết các quốc gia châu Phi không đủ khả năng chi trả. Vì vậy, nguồn vaccine được các quốc gia tài trợ là quan trọng hơn bao giờ hết" - một phát ngôn viên của nhóm CDC châu Phi tại Congo cho biết.