Châu Phi đối mặt khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Trong khi lạm phát đã phần nào được kiểm soát ở các nền kinh tế phát triển, thì châu Phi vẫn đối mặt với tình trạng chi phí sinh hoạt cao cố hữu do giá lương thực tăng, người dân ngày càng khó kiếm việc làm. Những vấn đề này đã gây ra các làn sóng biểu tình ở Nigeria và Kenya trong những tháng gần đây.

 Người dân biểu tình tại Nigeria. Nguồn: Getty Images

Người dân biểu tình tại Nigeria. Nguồn: Getty Images

Tình trạng “bất bình đẳng lạm phát”

Tỷ lệ lạm phát ở nhiều nước phát triển đang có xu hướng giảm xuống mức mục tiêu 2% của các ngân hàng trung ương, tuy nhiên ở gần một phần ba các nước châu Phi vẫn ở mức hai chữ số.

Thống kê cho thấy, lạm phát hàng năm ở Nigeria - một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi, đã đạt 34% vào tháng 5 - mức cao nhất trong 28 năm, và dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong nửa cuối năm, chủ yếu là do lạm phát thực phẩm tăng vọt, tăng tốc lên 40%. Điều này sẽ làm giảm sức mua của hộ gia đình và làm tăng nguy cơ mất an ninh lương thực hơn nữa, đặc biệt là đối với tầng lớp người dân nghèo đói và dễ bị tổn thương nhất đang gia tăng ở Nigeria. Đất nước này có dân số nghèo đói lớn thứ hai thế giới, sau Ấn Độ. Trong khi đó, biện pháp cải cách của chính phủ, bao gồm cả việc phá giá mạnh đồng naira - đồng tiền đã mất 70% giá trị so với đồng USD kể từ tháng 6.2023 để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.

Vào tháng 8, các cuộc biểu tình phản đối đã lan rộng khắp một số thành phố lớn của Nigeria. Cuộc biểu tình diễn ra sau nhiều tuần bạo loạn ở Kenya phản đối dự luật tài chính của chính phủ, trong đó đề xuất tăng thuế đối với các mặt hàng thiết yếu, ngay cả khi hàng triệu người vẫn đang phải vật lộn để kiếm sống.

Lạm phát giá thực phẩm ảnh hưởng đến các hộ gia đình thu nhập thấp, nhiều hơn so với các hộ gia đình thu nhập cao vì họ chi nhiều hơn ngân sách cho các nhu cầu thiết yếu. Chi phí thực phẩm chiếm 16% chi tiêu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế tiên tiến, nhưng chiếm khoảng 40% ở châu Phi cận Sahara (SSA). Sự khác biệt trong thành phần chi tiêu này giải thích bản chất thoái lui hơn của lạm phát ở SSA, nơi sinh sống của 60% số người cực nghèo trên thế giới, và là lý do tại sao lạm phát ở đó có nguy cơ gây ra biến động chính trị lớn hơn.

Hơn nữa, việc thiếu các cơ hội việc làm chính thức cũng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của châu Phi. Chắc chắn, tiền lương của những người lao động thu nhập thấp có việc làm chính thức không theo kịp tốc độ tăng giá. Nhưng các hoạt động của khu vực phi chính thức - một hình thức thất nghiệp trá hình và hạn chế đối với sự thịnh vượng chung - chiếm khoảng 85% tổng số việc làm trên lục địa này, và những người lao động này cũng phải đối mặt với sự biến động thu nhập và các thành phần bất ngờ của lạm phát, làm gia tăng thêm áp lực đối với các hộ gia đình.

Nghiên cứu gần đây đánh giá tác động phân phối của chu kỳ lạm phát đối với các hộ gia đình tại Mỹ, đã cho thấy một hiện tượng được gọi là “bất bình đẳng lạm phát”, đó là giá cả tăng nhanh hơn đối với những người ở tầng dưới cùng của kim tự tháp phân phối thu nhập so với những người ở trên cùng. Tình trạng lan rộng của các cuộc biểu tình trên khắp châu Phi cho thấy một động lực tương tự đang diễn ra ở lục địa này, nơi giá thực phẩm cao hơn không cân xứng do sự chuyển dịch tỷ giá hối đoái tích cực, đã làm tăng đáng kể chi phí phúc lợi của chu kỳ lạm phát này.

Chính phủ cần làm nhiều hơn nữa

Các chuyên gia nhận định rằng, các chính sách của các chính phủ trong khu vực cũng góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Thay vì hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương thông qua các biện pháp can thiệp có mục tiêu, các chính phủ châu Phi được cho là đã tăng thuế và cắt giảm chi tiêu một cách “bừa bãi”. Các khoản thanh toán lãi suất cho nợ công hiện chiếm khoảng một phần ba doanh thu của Kenya và hơn hai phần ba doanh thu của Nigeria. Ở cả hai quốc gia, chính sách tài khóa theo chu kỳ và các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã có tác động lan tỏa đến giá cả, làm gia tăng lạm phát và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Nhưng các chính phủ cũng đã nỗ lực ứng phó với các cuộc biểu tình, bằng việc đảo ngược một số chính sách thuận chu kỳ của họ hoặc thực hiện các biện pháp bổ sung để giảm thiểu tác động. Tổng thống Kenya William Ruto đã bãi nhiệm toàn bộ nội các của mình và rút lại dự luật tài chính gây tranh cãi, dự kiến sẽ tăng thêm 2,7 tỷ USD doanh thu từ thuế nhằm đáp ứng các mục tiêu tài chính do Quỹ Tiền tệ Quốc tế đặt ra. Tại Nigeria, chính phủ cũng đã tuyên bố hoãn thuế nhập khẩu đối với một số loại thực phẩm trong 150 ngày để giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn chưa đủ và các chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giữa tăng trưởng thực tế và tiềm năng và mở rộng cơ hội cho những người trẻ tuổi. Châu Phi là châu lục giàu tài nguyên thiên nhiên nhất thế giới, nhưng người dân châu Phi phải đối mặt với tương lai ảm đạm ở những quốc gia thiếu kỹ sư và ý chí chính trị để chuyển đổi các nguồn tài nguyên này, tạo ra đủ việc làm được trả lương cao và mở rộng sự thịnh vượng. Sự phụ thuộc quá mức của châu Phi vào nhập khẩu như một giải pháp thay thế cho việc mở rộng tổng sản lượng đã duy trì sự mất cân bằng bên ngoài và làm rỗng ruột thị trường việc làm, khiến nhiều người rơi vào cảnh bần cùng.

Để đáp ứng nguyện vọng của nhóm dân số trẻ, các chính phủ châu Phi nên xem xét lại các hạn chế về chi tiêu công và vượt qua các cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán liên tục đã định hình chính sách kinh tế trên khắp lục địa. Tăng cường đầu tư vào việc xây dựng lực lượng lao động thông thạo các công nghệ mới nổi là rất quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hóa. Đổi lại, điều này sẽ thúc đẩy ngành sản xuất của châu Phi, vốn ở các nơi khác trên thế giới từ lâu đã đóng vai trò là thang cuốn xã hội và chất xúc tác tăng trưởng, thúc đẩy sự hội tụ với các quốc gia thu nhập cao. Sự chuyển đổi của các nền kinh tế châu Phi cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi giá trị khu vực, thúc đẩy thương mại nội khối châu Phi. Từ đó giảm thiểu sự nguy cơ bị tác động bởi những biến động toàn cầu; đồng thời xây dựng các vùng đệm quốc gia để giúp khu vực này thoát khỏi sự phụ thuộc vào viện trợ.

Các chuyên gia nhận định rằng, các nhà hoạch định chính sách của châu Phi không chỉ cần đầu tư vào nguồn nhân lực để đưa đất nước của họ lên bậc thang giá trị trong nền kinh tế toàn cầu, nơi công nghệ đã trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, mà còn phải phấn đấu để bình đẳng hóa khả năng tiếp cận các cơ hội; đạt được sự thịnh vượng chung để củng cố khái niệm nhà nước dân tộc và tăng cường an ninh quốc gia.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chau-phi-doi-mat-khung-hoang-chi-phi-sinh-hoat-post390373.html