Châu Phi ghi nhận hơn 1,22 triệu ca nhiễm COVID-19

Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp tại Trường trung học nữ sinh Pretoria, thủ đô Pretoria, Nam Phi - Ảnh: TTXVN

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 257.706 trường hợp mắc COVID-19 và 5.191 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 24,87 triệu người.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 29/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trên toàn cầu là 24.873.666 ca, trong đó có 840.157 người thiệt mạng. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 17.271.052 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 61.263 ca và 6.762.457 ca đang điều trị tích cực.

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) ngày 28/8 cho biết số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở châu lục này đã lên tới 1.220.511 người, trong đó có hơn 28.850 người đã tử vong.

Cũng theo CDC châu Phi, mặc dù dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh ở một số nước trong khu vực nhưng nhìn chung đã có dấu hiệu suy giảm. 5 nước có số ca mắc nhiều nhất là Nam Phi (620.132 ca), Ai Cập (98.062 ca), Morocco (57.085 ca), Nigeria (53.317 ca) và Ethiopia (48.140 ca). Tổng số ca mắc ở 5 nước này chiếm khoảng 72% tổng số ca trên toàn châu lục.

Nếu tính theo tỉ lệ tử vong, châu Phi có 9 nước có tỉ lệ cao hơn mức trung bình chung toàn cầu là 3,4%, nhưng tỉ lệ của toàn châu lục thì chỉ ở mức 2,4%. Một tín hiệu khả quan khác là trong một tuần qua, toàn châu Phi chỉ có thêm 58.417 ca mắc mới, giảm 20% so với tuần trước đó. Ngoài ra, số lượng xét nghiệm COVID-19 cũng tăng mạnh, thêm một chỉ dấu tích cực nữa được ghi nhận tại Lục địa Đen.

Cùng ngày, Chính phủ Ai Cập cho biết nước này sẽ nới lỏng quy định về xét nghiệm PCR đối với người nhập cảnh từ ngày 1/9 tới. Cụ thể từ tháng tới, tất cả du khách nhập cảnh Ai Cập vẫn phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng thời gian được mở rộng lên thành 72 giờ trước thời điểm nhập cảnh, thay vì là 48 giờ như quy định trước đây.

Trẻ em dưới 6 tuổi dù thuộc quốc tịch nào cũng được miễn quy định này. Ngoài quy định trên thì từ tháng trước, Ai Cập cũng đã bắt đầu cho nối lại một phần các chuyến bay quốc tế sau nhiều tháng tạm ngừng do dịch COVID-19 bùng phát.

Hiện, khách du lịch nước ngoài chỉ được phép nhập cảnh Ai Cập tại 3 tỉnh ven biển có tỉ lệ mắc COVID-19 thấp nhất, gồm Nam Sinai, Biển Đỏ và Matrouh.

Tính tới thời điểm này, Ai Cập đã ghi nhận 98.062 ca mắc COVID-19, khiến 5.342 người trong số này tử vong và hiện vẫn còn 23.108 người đang phải điều trị.

Trong diễn biến bệnh dịch COVID-19 liên quan, phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ cho biết Thủ tướng Peru Walter Martos ngày 28/8 đã phải gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với đại dịch COVID-19, đồng thời ban hành biện pháp cách ly xã hội tại một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch này.

Theo đó, lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ được kéo dài đến ngày 30/9. Bốn tỉnh phải thực hiện cách ly xã hội gồm Cusco, Moquegua, Puno và Tacna. Chính quyền các tỉnh này chỉ cho phép mở cửa những cơ sở kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cơ bản, cũng như một số ngành nghề có giấy phép hoạt động đặc biệt.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tỉ lệ tử vong trên mỗi 100.000 dân ở Peru đã tăng lên 86,2 người, vượt qua Bỉ với 85 ca tử vong/100.000 dân. Ngoài gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia, Peru cũng đang duy trì đóng cửa biên giới và lệnh giới nghiêm ban đêm, đồng thời kéo dài tình trạng khẩn cấp về y tế đến ngày 7/12.

Ngày 28/8, Hungary tuyên bố đóng cửa biên giới một lần nữa bắt đầu từ ngày 1/9 do lo ngại làn sóng mới của dịch COVID-19 bùng phát tại nước này. Chánh văn phòng Nội các của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, ông Gergely Gulyas nêu rõ: "Từ ngày 1/9, công dân nước ngoài sẽ không được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Hungary. Các công dân Hungary trở về từ nước ngoài sẽ phải cách ly 14 ngày hoặc phải trình 2 lần xét nghiệm âm tính (với virus SARS-CoV-2)”.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, cảnh sát thủ đô Berlin đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng xảy ra bạo lực trong các cuộc biểu tình ngày 29/8 với sự tham gia của hàng nghìn người để phản đối các biện pháp hạn chế do đại dịch COVID-19. Phát biểu họp báo, đại diện của cảnh sát Berlin cho biết sẽ có trên 3.000 cảnh sát được triển khai và họ được quyền áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng.

Đây là bước đi cần thiết do người biểu tình đã kêu gọi tự vũ trang khi xuống đường, đặt ra áp lực và thách thức lớn cho lực lượng cảnh sát.

Trong ngày 28/8, Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ xác nhận thêm 77.266 ca nhiễm virus SARS CoV-2, mức tăng cao nhất trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3,38 triệu ca. Trong khi đó, với 1.057 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong tại Ấn Độ đã tăng lên 61.529.

Đây là ngày thứ hai liên tiếp Ấn Độ ghi nhận hơn 75.000 ca nhiễm, và ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong. Đến nay, Maharashtra tiếp tục là bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 733.568 ca, tiếp đến là Tamil Nadu (403.242 ca), Andhra Pradesh (393.090 ca), Karnataka (309.792 ca) và Uttar Pradesh (208.419 ca). Tại thủ đô New Delhi, tình hình lây nhiễm đang có dấu hiệu tăng trở lại khi những ngày qua liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm theo ngày từ 1.500 đến 1.800 ca. Hiện Ấn Độ có số bệnh nhân COVID-19 và số ca tử vong cao thứ 3 thế giới, sau Mỹ (6.049.440 ca nhiễm và 184.927 ca tử vong) và Brazil (3.764.493 ca nhiễm và 118.726 ca tử vong).

Cùng ngày, Indonesia đã thông báo 3.003 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong một ngày tại nước này. Tổng số bệnh nhân COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này là 165.887 người và 7.169 ca tử vong.

Tại Philippines, 3.999 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 209.544 ca. Khoảng 20% số này được ghi nhận trong 10 ngày qua. Ngoài ra, 91 ca tử vong đã nâng tổng số ca tử vong lên 3.325 ca.

Ngày 28/8, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới đã giảm xuống mức dưới 400 ca. Tuy nhiên, các ổ dịch nằm dàn trải đang đặt ra những thách thức lớn và giới chức y tế đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt tại vùng đô thị Seoul thêm 1 tuần. Đến nay, làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19 đã khiến 7.715 trường học trên cả nước Hàn Quốc phải hủy hình thức giảng dạy trực tiếp.

Cùng ngày, Ukraine cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất. Cụ thể trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 2.438 ca nhiễm. Tuần này, Ukraine đã tạm thời cấm hầu hết người nước ngoài nhập cảnh cho tới ngày 28/9 và gia hạn các biện pháp phong tỏa đến cuối tháng 10 nhằm kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh.

Cùng ngày, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng cảnh báo nước này sẽ phải trải qua một mùa Thu và mùa Đông "đầy thách thức" do dịch COVID-19, đồng thời dự báo cuộc sống sẽ "bình thường trở lại" vào giữa năm 2021.

Cho tới nay, Áo đã ghi nhận khoảng 26.400 ca mắc COVID-19 và 773 ca tử vong. Các ca nhiễm mới vẫn gia tăng khi trong những ngày gần đây đều ghi nhận hơn 300 ca mắc mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi nước này dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào tháng 4.

Tại Trung Đông, Iraq ghi nhận 4.177 ca nhiễm mới, theo đó tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này hiện đã lên tới 223.612 ca. Dịch vẫn tiếp tục lây lan tại một số nước như Kuwait, Qatar,...

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/244997/chau-phi-ghi-nhan-hon-1-22-trieu-ca-nhiem-covid-19.html