Châu Phi ghi nhận trên 18.000 ca mắc, 962 ca tử vong do dịch COVID-19
Theo báo cáo ngày 17/4 của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, tổng số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại lục địa này đã lên tới 962 ca, trong khi tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh là 18.333 ca.
Báo cáo của CDC châu Phi - cơ quan chuyên trách thuộc Ủy ban Liên minh châu Phi gồm 55 nước thành viên, cho biết hiện bệnh COVID-19 đã lây lan 52 quốc gia ở châu lục này. Bắc Phi là khu vực dịch bệnh hoành hành mạnh nhất khi ghi nhận tổng số ca nhiễm virus và số ca tử vong cao nhất trong châu lục với 8.100 ca dương tính với SARS-CoV-2 và 713 ca tử vong do dịch bệnh này.
Cụ thể, Ai Cập hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 2.673 bệnh nhân, tiếp sau là Nam Phi (2.605 bệnh nhân), Algeria (2.268 bệnh nhân) và Maroc (2.283 bệnh nhân). Ngoài Nam Phi, đây cũng là 3 nước có số ca tử vong cao nhất châu lục, lần lượt là Algeria (348 ca), Ai Cập (196 ca) và Maroc (130 ca).
CDC châu Phi cho biết thêm khoảng 4.352 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở châu lục hiện đã hồi phục sức khỏe. Cơ quan trên nhấn mạnh vấn đề cấp thiết hiện nay là tăng cường các biện pháp phòng ngừa virus SARS-CoV-2 để chặn đừng đà lây lan của bệnh.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc cảnh báo châu Phi có thể phải ghi nhận tới 300.000 ca tử vong do COVID-19, kể cả trong kịch bản tích cực nhất.
Dẫn mô hình phân tích dịch bệnh tại châu Phi của trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh), báo cáo công bố ngày 17/4 nêu rõ trong kịch bản xấu nhất khi không có sự can thiệp tích cực để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2, số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại châu Phi có thể lên tới 3,3 triệu ca và 1,2 tỷ người nhiễm bệnh.
Còn trong kịch bản tích cực nhất, kể cả khi thực thi biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, thì "Lục địa Đen" vẫn có thể ghi nhận hơn 122 triệu ca nhiễm, trong đó khoảng 300.000 người tử vong. Các chuyên gia cảnh báo, bất cứ kịch bản nào cũng đều là quá tải đối với các hệ thống y tế vốn rất mong manh và thiếu đầu tư của châu Phi.
Các chuyên gia y tế cảnh báo dịch bệnh tại châu Phi bùng phát muộn hơn ở châu Âu vài tuần lễ và có cùng tốc độ gia tăng trong khi các nước đang đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng như nghèo khó, mật độ dân cư đông, hệ thống y tế gần như luôn trong tình trạng quá tải các dịch bệnh khác như lao phổi, HIV/AIDS. Do vậy, họ lo ngại những tuần sắp tới sẽ rất căng thẳng tại châu Phi.