Châu Phi kêu gọi EU không phân biệt chứng nhận tiêm chủng COVID-19
Liên minh châu Phi kêu gọi các nước EU phản đối chính sách không công nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của châu lục này.
Phát biểu khai mạc cuộc họp Bộ trưởng ngoại giao các nước Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) tổ chức tại thủ đô Kigali (Rwanda) ngày 26/10, Phó Chủ tịch AU Nsanzabaganwa nhấn mạnh chính sách không công nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 có thể ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm chủng tại các nước ở châu lục này.
Bà Nsanzabaganwa cho rằng, để hỗ trợ nỗ lực tiêm chủng, việc các đối tác châu Âu công nhận các loại vaccine được dùng tại châu Phi và chứng nhận tiêm chủng do chính quyền các quốc gia thành viên cấp phù hợp với các khuyến nghị của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, là phù hợp.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại bệnh viện ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP
Trước đó, vào cuối tháng 9, Vương quốc Anh đã công bố chính sách không chấp nhận chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của các nước châu Phi. Theo đó, Anh đã công bố một danh sách ban đầu gồm các quốc gia mà nước này công nhận chứng chỉ vaccine mà không có quốc gia nào ở châu Phi. Điều này khiến các nhà chức trách lo ngại có thể làm gia tăng việc dân chúng do dự đi tiêm chủng.
Bà Nsanzabaganwa cho biết châu Phi trông đợi sự ủng hộ của châu Âu trong lời kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ, liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 và các công nghệ khác tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn cung cấp vaccine để đạt được khả năng miễn dịch toàn cầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. Theo bà, điều này rất quan trọng đối với việc mở cửa giữa các quốc gia, an ninh y tế toàn cầu và sự phục hồi kinh tế nhanh chóng trên thế giới.
Cùng ngày, trong một cuộc họp trực tuyến tại Geneva (Thụy Sỹ), Ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng bày tỏ lo ngại về những thách thức của châu Phi trong việc giải quyết đại dịch COVID-19, bao gồm khả năng tiếp cận vaccine, xét nghiệm và điều trị, cũng như thu thập và phân tích dữ liệu.
Theo số liệu, chỉ có 14 liều vaccine đã được tiêm trên 100 người dân ở châu Phi. Con số đó là 128 liều ở Mỹ và Canada; 113 ở châu Âu; 106 ở Mỹ Latinh và Caribe; 103 ở châu Đại Dương; 102 ở châu Á; và 78 ở Trung Đông.
Cũng trong ngày 26/10, AU cho biết khối này dự định sẽ mua 110 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna trong một thỏa thuận do chính quyền Mỹ làm trung gian.
AU cho biết số vaccine trên sẽ được bàn giao trong những tháng tới, trong đó 15 triệu liều sẽ được chuyển đến trước cuối năm 2021, 35 triệu liều trong quý I/2022 và 60 triệu liều trong quý II/2022.
Đặc phái viên của AU về ứng phó với dịch COVID-19 Strive Masiyiwa cho biết vaccine của hãng Moderna là vaccine đầu tiên không sản xuất tại châu Phi mà AU có được. Tuy nhiên, theo ông Masiyiwa, số vaccine trên vẫn ít hơn nhiều so với số vaccine cần thiết để tiêm chủng cho 1,3 tỷ người ở châu Phi.
Trong khi đó, hãng Moderna cho biết đang cố gắng để có thể cung cấp đủ lượng vaccine phòng COVID-19 cho châu Phi vào năm 2023 và có kế hoạch xây dựng một nhà máy bào chế vaccine tại lục địa này.
Hồi tháng trước, AU đã chỉ trích các hãng bào chế vaccine ngừa COVID-19 vì không tạo cơ hội công bằng cho các quốc gia châu Phi tiếp cận vaccine, đồng thời hối thúc các nước sản xuất vaccine, đặc biệt là Ấn Độ dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vaccine và vaccine bán thành phẩm.