Châu Phi lo ngại sẽ rơi vào thảm kịch giống Ấn Độ khi nguồn cung vaccine cạn kiệt

Vào cuối tháng 3, trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định tạm dừng xuất khẩu vaccine COVID-19 để tập trung đáp ứng nhu cầu cấp bách trong nước. Song hiện tại, đông thái này đang gây ra hậu quả lớn cho toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia châu Phi.

Châu Phi lo ngại sẽ rơi vào thảm kịch giống Ấn Độ khi nguồn cung vaccine cạn kiệt. Ảnh: CNN

Châu Phi lo ngại sẽ rơi vào thảm kịch giống Ấn Độ khi nguồn cung vaccine cạn kiệt. Ảnh: CNN

Liều vaccine thứ 2 sẽ không đến

Tại hành lang Bệnh viện Quốc gia Kenyatta ở thủ đô Nairobo, nhiều giáo viên, nhân viên khách sạn và tài xế taxi kiên nhẫn chờ đến lượt được tiêm liều vaccine AstraZeneca đầu tiên quý giá.

Vào đầu tháng 3, Kenya chỉ nhận được hơn 1 triệu liều vaccine COVID-19 từ sáng kiến chia sẻ vaccine miễn phí COVAX. Kenya là một trong những quốc gia châu Phi có chiến dịch tiêm chủng hiệu quả nhất cho các nhóm có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Tuy nhiên, nguồn cung của COVAX phần lớn phụ thuộc vào các nhà sản xuất Ấn Độ. Do cuộc khủng hoảng COVID-19, họ không thể tiếp tục cung cấp vaccine. Điều này đã khiến những người Kenya đủ điều kiện tiêm vaccine chật vật tìm mọi cách để được chủng ngừa.

Beatrice Gatu, 60 tuổi, một nhân viên y tế đã nghỉ hưu, cho biết bà đã thử đến một số bệnh viện huyện để tìm vaccine, nhưng không nơi nào còn vaccine. Nhân viên tại đây nói bà nên thử đến bệnh viện Kenyatta, bệnh viện tuyến đầu của quốc gia.

“Tôi đã thức dậy lúc 5 giờ sáng chỉ để chuẩn bị tinh thần đến tiêm vaccine,” bà Gatu nói sau khi được tiêm vaccine COVID-19.

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta công bố một dự án đường sắt vào năm 2019. Ảnh: CNN

Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta công bố một dự án đường sắt vào năm 2019. Ảnh: CNN

Trước đó, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã đảm bảo với người dân Kenya rằng họ có thể được tiêm liều thứ hai nếu đã được tiêm liều đầu tiên.

Nhưng Martin Mutisya, một hướng dẫn viên du lịch 53 tuổi, người luôn cập nhật tin tức, lại rất lo lắng khi anh mới được mũi tiêm đầu tiên.

"Tôi rất lo lắng. Đáng lẽ ra chúng tôi phải được tiêm 2 mũi, nhưng nếu điều đó không xảy ra, trường hợp xấu nhất sẽ là gì?”, anh nói.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các quan chức y tế công cộng Kenya cho biết tình huống xấu nhất hiện đang xảy ra tại Kenya. Quốc gia Đông Phi sẽ hết liều vaccine đầu tiên trong vài ngày tới và không có dấu hiệu cho thấy lô vaccine thứ hai được đưa đến theo cam kết trước.

"Điều đó làm tôi lo lắng và rõ ràng rằng liều thứ 2 sẽ không đến kịp. Điều này có nghĩa là tất cả những ai đã được chủng ngừa liều đầu tiên cho đến nay sẽ không được tiêm liều thứ hai theo kế hoạch", ông Rudi Eggers, đại diện WHO tại Kenya cho biết.

Hôm 6/5, WHO cho biết sự chậm trễ trong việc cung cấp vaccine có nguy cơ mở ra cánh cửa cho một làn sóng lây lan mới với các biến chủng virus nguy hiểm hơn xâm nhập vào lục địa.

Theo WHO, Kenya đã sử dụng ít nhất 87% liều vaccine. Trong khi đó, 8 quốc gia khác trong khu vực cũng đã phân phối hết 100% liều vaccine được cung cấp thông qua sáng kiến COVAX, bao gồm Tunisia, Libya, Togo, Botswana, Eswatini, Rwanda, Ghana và Senegal.

COVAX cho biết việc ngừng xuất khẩu vaccine của Ấn Độ sẽ làm giảm lượng cung ứng toàn cầu. Một quan chức nhân đạo cấp cao thân cận với COVAX cho biết tình hình có thể còn tồi tệ hơn nhiều. Song họ vẫn hy vọng việc giao hàng sẽ khôi phục vào tháng 6.

"Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để tạo niềm tin vào việc tiêm chủng. Dù bắt đầu chậm, nhưng chúng tôi đã tăng tốc tốt. Hiện tại, nhu cầu về vaccine rất lớn. Nếu không tiêm đủ liều lượng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của chúng tôi ", Bác sĩ Willis Akhwale, người đứng đầu chiến dịch tiêm chủng của Kenya cho biết.

Song cả hai chuyên gia của WHO, Akhwhale và Eggers, đều cho rằng cuộc khủng hoảng lớn nhất không phải là việc phân phối chậm trễ các liều vaccine thứ 2. Vấn đề lớn hơn rất nhiều là hàng trăm triệu người trên lục địa này sẽ không có bất kỳ liều vaccine nào bảo vệ họ.

“Có những người ở Kenya thực sự cần được bảo vệ, nhưng họ sẽ không được tiếp cận với vaccine, có thể là một hoặc hai năm tới”, ông Eggers nói.

Kế hoạch vẫn chưa hoàn thiện

Viện Huyết thanh của Ấn Độ là trung tâm sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN

Viện Huyết thanh của Ấn Độ là trung tâm sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN

Khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, các nhà lãnh đạo của liên minh COVAX ý thức được rằng họ cần tiêm vaccine cho cả người dân ở các quốc gia nghèo nhất thế giới. Đó là không chỉ là yêu cầu về mặt đạo đức, mà còn là yêu cầu đảm bảo sức khỏe cho mọi người dân. Như các quan chức y tế công cộng đã cảnh báo suốt hơn một năm nay: không có quốc gia nào an toàn cho đến khi tất cả quốc gia đều an toàn trước COVID-19.

Trong bối cảnh các quốc gia giàu có nỗ lực đảm bảo nguồn cung vaccine. liên minh COVAX đã đặt mọi hy vọng vào Ấn Độ. Đây là một lựa chọn hiển nhiên do Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine hàng đầu thế giới và Viện Huyết thanh là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.

Viện Huyết thanh đã cam kết sản xuất ít nhất 700 triệu liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca cho COVAX.

Vào ngày 24/2, Ghana đã trở thành quốc gia đầu tiên nhận được vaccine miễn phí từ COVAX, khoảng 600.000 liều. Nhưng sự lạc quan lúc đó đã bị thay thế bằng sự ngờ vực và lo lắng.

Tình huống lẽ ra có thể tránh được

Các nhà nghiên cứu theo dõi nguồn cung vaccine cho biết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này có thể đã được ngăn chặn bởi COVAX.

"Họ đặt rất nhiều hy vọng vào Viện Huyết thanh và đó là một chiến lược sai lầm vì thảm kịch xảy ra ở Ấn Độ là hoàn toàn có thể dự đoán được. Điều này lẽ ra không khiến bất kỳ ai trong chúng tôi ngạc nhiên", bà Andrea Taylor, thuộc Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu thuộc Đại học Duke cho biết.

Cũng giống như làn sóng dịch bệnh tấn công Trung Quốc, Iran, Anh, Mỹ và hàng loạt các quốc gia khác, bà Taylor cho biết rõ ràng Ấn Độ sẽ ưu tiên tiêm chủng cho người dân của mình khi COVID-19 ập đến.

Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít lựa chọn khả thi khác để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine, và quy mô sản xuất là một vấn đề rất phức tạp.

"Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai gần. Về cơ bản, chúng ta có 8 tỷ người cần 2 liều vaccine nhưng đến nay, chúng ta mới chỉ sản xuất được khoảng 1 tỷ liều. Vì vậy, nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu", ông Salim Abdool Karim, nhà dịch tễ học, người từng là lãnh đạo chủ chốt trong cuộc chiến chống COVID-19 của Nam Phi nói.

Ông cũng cho rằng việc các nước giàu tích trữ vaccine là một thách thức trong việc giải quyết bất bình đẳng vaccine toàn cầu.

Một người đàn ông được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại bang Maryland, Mỹ. Ảnh: CNN

Một người đàn ông được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại bang Maryland, Mỹ. Ảnh: CNN

Chẳng hạn, Mỹ đã tiêm chủng cho trên 250 triệu người với ít nhất một liều vaccine. Trong khi đó, COVAX chỉ cung cấp khoảng 53 triệu liều cho nhiều quốc gia. Điều này có nghĩa là ở Mỹ, cuộc sống có thể trở lại bình thường trong vòng vài tháng, trong khi các nước đang phát triển, những nước dễ bị tổn thương nhất, vẫn sẽ tiếp tục chìm trong dịch bệnh.

Từ lời hứa đến hành động

Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy cục diện đang thay đổi. Tuần trước, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố họ ủng hộ việc từ bỏ tạm thời quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Điều này sẽ giúp mở rộng sản xuất vaccine trong thời gian trung hạn.

Hơn nữa, trong những tháng tới, sẽ có thời điểm nguồn cung vaccine của Mỹ và Châu Âu vượt xa nhu cầu, mở ra năng lực sản xuất mạnh mẽ để phân phối vaccine cho toàn thế giới.

Song ngay cả khi việc phân phối vaccine tăng mạnh, không thể đảm bảo rằng các nước nghèo, với cơ sở hạ tầng y tế yếu kém có thể quản lý tốt vaccine. Vào tháng 4, tại Cộng hòa Dân chủ Congo, các quan chức đã thông báo rằng họ sẽ trả lại hơn 1 triệu liều AstraZeneca vì sắp hết hạn sử dụng.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chau-phi-lo-ngai-se-roi-vao-tham-kich-giong-an-do-khi-nguon-cung-vaccine-can-kiet-20210509012945995.htm