'Châu Phi nghìn trùng' - Một cuốn sách lạ về châu Phi
NXB Phụ nữ Việt Nam giới thiệu một tác phẩm lạ về châu Phi - ' Châu Phi nghìn trùng' - của nữ văn sĩ Karen Blixen, người được Ernest Hemingway nhận xét sau khi công bố giải Nobel Văn chương năm 1964: 'Hôm nay tôi cũng sẽ hạnh phúc, hạnh phúc hơn, nếu giải thưởng ấy được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak Dinensen...'
NXB Phụ nữ Việt Nam giới thiệu một tác phẩm lạ về châu Phi - “ Châu Phi nghìn trùng” - của nữ văn sĩ Karen Blixen, người được Ernest Hemingway nhận xét sau khi công bố giải Nobel Văn chương năm 1964: “Hôm nay tôi cũng sẽ hạnh phúc, hạnh phúc hơn, nếu giải thưởng ấy được trao cho nhà văn nữ xuất sắc Isak Dinensen...”
Karen Blixen là nữ nhà văn Đan Mạch, lấy bút danh là Isak Dinesen. Bà viết cuốn “Châu Phi nghìn trùng” trong những năm tháng sinh sống tại châu Phi từ năm 1913 đến năm 1931, tại một đồn điền cà phê gần Nairobi, Kenya. Cuốn sách gồm năm phần: hai phần đầu tập trung mô tả cư dân bản xứ với những quan niệm lâu đời, độc đáo về công lý cũng như sự trừng phạt. Phần thứ ba - “Các vị khách của đồn điền” - mô tả những nhân vật tìm đến tá túc ở nhà Blixen. Phần bốn - “Trích sổ tay một người nhập cư” - bao gồm những ghi chép ngắn phản ánh đời sống của một thực dân da trắng tại châu Phi. Cuối cùng, phần năm khép lại dòng hồi ức: “Đồn điền lụn bại”, vài thân hữu của Blixen như thủ lĩnh Kinanjui, vận động viên Denys Finch-Hatton ra đi vĩnh viễn.
Cuốn sách như một cuốn nhật ký lớn ghi lại cả quãng đời nữ tác giả gắn bó với châu lục đen. Năm 1914, bà cùng chồng - ông Baron Bror von Blixen-Finecke - đến châu Phi cai quản đồn điền cũng như những nhân công bản xứ: dân bộ lạc Kikuyu. Năm 1925, họ chia tay, bà Blixen đảm đương việc cai quản toàn bộ đồn điền. Vị nữ điền chủ rất phù hợp với vai trò, điều đó thể hiện ở hai khía cạnh: khả năng coi sóc trang trại quy mô lớn một cách độc lập, và đặc biệt là mối quan hệ thân tình với con người châu Phi - bà không ngại chữa bệnh cho dân bản xứ, mở lớp học buổi tối cho trẻ em, cố gắng lắng nghe và phân xử những “sự vụ” xảy ra trên vùng này…
Tuy nhiên, khí hậu, địa hình của khu vực không phù hợp với trồng cà phê. Đến năm 1931, hạn hán và nạn châu chấu xảy ra, đồn điền của bà lụn bại dần. Blixen buộc phải bán đồn điền rồi trở về Đan Mạch. Tại đây, bà bắt đầu viết lách lại - niềm mê thích từng bị ngăn cấm thời trẻ. Năm 1934, bà cho xuất bản một tuyển tập truyện ngắn, sau đó vào năm 1937 - cuốn hồi ức “Châu Phi nghìn trùng” ra đời.
Cuốn “Châu Phi nghìn trùng” được in lần đầu năm 1937 bằng tiếng Anh, lập tức gây tiếng vang lớn ở Mỹ rồi châu Âu. Cho tới nay, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và lọt vào các danh sách bình chọn những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại.