Châu Phi sắp dẫn đầu thế giới về khí đốt

Trong 10 năm qua, 40% tổng mỏ khí đốt mới trên thế giới đều được phát hiện ở châu Phi. Sản lượng khí đốt của lục địa này dự báo sẽ tăng 10% đến năm 2026. Đây là niềm hy vọng của 600 triệu người châu Phi vẫn chưa được tiếp cận với điện.

Một cơ sở khoan dầu khí tại châu Phi

Một cơ sở khoan dầu khí tại châu Phi

Theo báo cáo do Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) công bố ngày 10/10, sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Phi dự báo sẽ tăng 10% đến năm 2026, đạt 271 tỷ mét khối so với 246 tỷ mét khối năm 2022.

Trong báo cáo, IEA đã nêu rõ rằng mức tăng trưởng này chủ yếu là do sản lượng khí đốt dự báo được khai thác ở Algeria, Congo, Ai Cập, Senegal, Mauritania, Mozambique và Nigeria gia tăng.

Trong giai đoạn từ năm 2022-2023, châu Phi dự báo sẽ ghi nhận mức tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Trung Đông (+15%). Trong cùng kỳ, sản lượng ở những khu vực khác trên thế giới sẽ giảm hoặc tăng nhẹ: Bắc Mỹ (+1,8%), Âu Á (+2,7%) và Châu Âu (-7%).

Năm 2022, các quốc gia thuộc châu Phi chiếm khoảng 6% tổng sản lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu, tăng gấp đôi kể từ năm 2000 và gần gấp 3 kể từ năm 1990. Các nước khai thác chính gồm Algeria, Ai Cập và Nigeria, cùng chiếm hơn 80% tổng sản lượng của châu Phi.

Trong năm qua, khoảng 36% tổng lượng khí đốt tự nhiên khai thác ở châu Phi đã được xuất khẩu qua đường ống hoặc dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang các thị trường chủ yếu như châu Âu, khu vực tiêu thụ gần 2/3 tổng khối lượng xuất khẩu của các nước châu Phi và châu Á.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng châu Phi chiếm gần 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên mới được phát hiện trên toàn cầu trong thập kỷ qua. Những phát hiện này chủ yếu nằm ở Mozambique, Mauritania, Senegal và Tanzania.

Tăng tốc độ nhu cầu

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn chính trị và an ninh đã cản trở tiến độ triển khai của một số phát hiện tiềm năng này. Dự án LNG Mozambique ban đầu dự báo sẽ giao lô hàng LNG đầu tiên vào năm 2024, với công suất khai thác lên đến 60 tỷ m3/năm. Nhưng dự án do tập đoàn TotalEnergies của Pháp điều hành đã bị đình chỉ do cuộc nổi dậy của người Hồi giáo ở tỉnh Cabo Delgado, Mozambique. Hiện các công ty cùng phát triển dự án này dự kiến hoạt động sản xuất LNG sẽ được khởi động vào năm 2028 trong trường hợp tốt nhất.

Trong mọi trường hợp, các nước khai thác đều dựa vào những phát hiện khí đốt gần đây để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng ở châu Phi trong trung hạn. Tình hình kinh tế tăng trưởng mạnh và dân số tăng vọt khiến tốc độ tăng trưởng nhu cầu khí đốt ở châu Phi dự kiến sẽ tăng trung bình từ 3% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2021 lên khoảng 4% mỗi năm trong giai đoạn 2022-2026.

Nhu cầu tiêu thụ của những nhà máy điện dự kiến sẽ chiếm gần 70% tổng nhu cầu khí đốt bổ sung trên lục địa.

Mặc dù chiếm hơn 9% trữ lượng khí đốt tự nhiên đã được chứng minh trên thế giới, nhưng châu Phi vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu hụt năng lượng, khiến gần 600 triệu người dân vẫn chưa được tiếp cận với điện.

IEA cũng tiết lộ rằng nhu cầu khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ tăng trung bình 1,6% hàng năm cho đến năm 2026, chậm hơn so với mức tăng bình quân 2,5% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2021. Nhu cầu giảm chủ yếu là do nhu cầu khí đốt nói chung từ các thị trường phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Châu Âu và Bắc Mỹ đạt đỉnh điểm vào năm 2021 và dự báo sẽ giảm 1% mỗi năm cho đến năm 2026. Cuộc chạy đua về năng lượng tái tạo, bắt đầu tăng tốc kể từ khi Nga và Ukraine xung đột, và việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đều là một trong những yếu tố chính dẫn đến xu hướng giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên ở các thị trường này. Đến năm 2026, tăng trưởng nhu cầu khí đốt sẽ chủ yếu tập trung ở các thị trường mới nổi của châu Á, cũng như các nước giàu khí đốt ở Trung Đông và châu Phi.

Ý Thiên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/chau-phi-sap-dan-dau-the-gioi-ve-khi-dot-696435.html