Châu Phi và 'lời nguyền' địa chính trị năng lượng
Nằm ở trọng tâm của nhiều vấn đề kinh tế và địa chính trị, năng lượng ở châu Phi đôi khi còn là nguồn gốc của những căng thẳng chính trị và an ninh. Nói đúng hơn, năng lượng là chất xúc tác làm trầm trọng thêm các động lực xung đột có từ trước trên lục địa hơn là nguyên nhân trực tiếp gây ra xung đột.
Từ nhiều tháng qua, tập đoàn năng lượng Pháp TotalEnergies đã trở thành mục tiêu của vô số cuộc biểu tình và các đơn tố cáo các dự án mở rộng khai thác năng lượng hóa thạch của tập đoàn này, nhất là dự án đường ống dẫn dầu thô “EACOP” gây tranh cãi giữa Uganda và Tanzania. Đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ lớn gây tràn dầu, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự cáo buộc siêu dự án này đang gây hại cho môi trường, cũng như an ninh và nhân quyền của người dân địa phương. Những thất bại của TotalEnergies minh họa cho những căng thẳng xã hội mà các hoạt động sản xuất và khai thác năng lượng có thể tạo ra ở một số quốc gia ở Lục địa đen, về mối liên hệ giữa các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các động lực xung đột, đặc biệt liên quan đến dầu mỏ.
Châu Phi là lục địa giàu tài nguyên năng lượng, cả năng lượng không tái tạo như dầu mỏ, khí đốt, uranium, than và năng lượng tái tạo như sinh khối, thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió. Theo dữ liệu được tập đoàn dầu khí BP của Anh công bố, sản lượng dầu ở khu vực châu Phi cận Sahara năm 2021 đạt 344,7 triệu tấn, tương đương 8,2% nguồn cung thế giới và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 4,5%. Sản lượng khí đốt tự nhiên của châu Phi năm 2021 cũng đạt 257,5 tỷ mét khối, tương đương 6,4% nguồn cung toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 11,7%. Các quốc gia sản xuất dầu khí lớn ở châu lục này là Nigeria, Angola, Libya và Algeria. Trữ lượng dầu mỏ của châu Phi được chứng minh đã tăng từ 75 tỷ thùng năm 1997 lên 125,3 tỷ thùng năm 2021. Tiềm năng năng lượng của châu lục này còn lớn hơn nhiều vì khai thác chưa đáng kể. Đặc biệt, Vịnh Guinea được cho là vẫn còn chứa trữ lượng lớn dầu thô nhẹ chưa được khai thác.
Mặc dù có nguồn tài nguyên dồi dào, nhưng các nước của Lục địa đen lại không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít từ nguồn này. Trong khi dân số cận Sahara chiếm khoảng 16% dân số toàn cầu, họ chỉ tiêu thụ 3,4% năng lượng sơ cấp của thế giới. Tỷ lệ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch toàn cầu của châu Phi thấp hơn tỷ lệ sản xuất của châu lục (trong khoảng từ 4% đến 8% tùy thuộc vào loại nhiên liệu). Ngoài ra, phần lớn dân số vùng cận Sahara vẫn phụ thuộc vào sinh khối truyền thống để tiếp cận năng lượng cơ bản và không có khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng hiện đại như butan và điện. Năm 2012, có tới 25 trong số 54 quốc gia ở châu Phi rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng, và tỷ lệ tiếp cận điện năng năm 2020 chỉ là 48,2%, một con số cho thấy sự chênh lệch đáng kể.
Nhiều quốc gia trên lục địa này phải đối mặt với các hóa đơn năng lượng rất cao, tình trạng mất điện thường xuyên và nạn trộm cắp năng lượng. Điển hình là Nigeria. Là quốc gia lớn nhất châu Phi về kinh tế và dân số, nhưng lại sống trong tình trạng mất điện trên diện rộng, do cơ sở hạ tầng lạc hậu và nạn tham nhũng lan tràn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đất nước. Dù là nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi cho đến năm 2021, Nigeria vẫn phải nhập khẩu hơn 90% nhiên liệu do không đủ công suất lọc dầu, khiến nguồn cung thường xuyên gặp khó khăn.
Trường hợp của Nigeria minh họa cho hiện tượng “lời nguyền tài nguyên”, hay “căn bệnh Hà Lan”, theo đó, những nguồn thu quan trọng do xuất khẩu dầu mỏ tạo ra không nhất thiết tạo ra sự phát triển kinh tế. Các nước xuất khẩu dầu châu Phi thường bị buộc phải xuất khẩu độc quyền, với doanh thu bán dầu chiếm hơn 90% tổng thu nhập xuất khẩu. Khi lợi tức từ dầu không bị những phần tử tham nhũng biển thủ, nó thường được sử dụng cho những chi tiêu không hiệu quả hoặc tốn kém. Tháng 8/2022, Nigeria đã để mất vị trí quốc gia dầu mỏ hàng đầu châu Phi vào tay Angola, do các hoạt động phá hoại và trộm cắp dầu thô.
Vì vậy, khoảng cách giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ năng lượng - nhất là liên quan đến di sản thuộc địa của các nền kinh tế châu Phi phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên - là nguyên nhân gây căng thẳng chính ở châu Phi. Ở nhiều quốc gia, những khó khăn của người dân trong việc tiếp cận năng lượng là nguyên nhân của nhiều cuộc biểu tình, xuất phát từ nỗi thất vọng của người dân.
Thay vì chỉ có vấn đề dầu mỏ, việc quản lý các nguồn tài nguyên đang trở nên quan trọng hơn, do các vấn đề quản trị là gốc rễ của nhiều cuộc xung đột trên lục địa.
Tuy nhiên, năng lượng vẫn là “vũ khí” cốt lõi của nhiều vấn đề quyền lực và các khía cạnh cơ bản về tương lai châu Phi: phát triển và biến đổi khí hậu. Tuy tiêu thụ ít năng lượng nhất trên thế giới, châu Phi sẽ là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trước sự biến đổi khí hậu do vị trí địa lý của lục địa và do thiếu các nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng phù hợp. Các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên đã và đang gây tổn hại đến đa dạng sinh học và sinh kế của cộng đồng các khu vực như đồng bằng sông Niger.
Ngoài ra, sự bùng nổ dân số trên lục địa đang làm cho nhu cầu về các nguồn tài nguyên quan trọng tăng theo cấp số nhân, đến mức việc các quốc gia không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho dân số đông hơn của họ nhất thiết sẽ là nguồn gốc của những căng thẳng chính trị - an ninh. Trước những nguy cơ tiềm tàng gây bất ổn hệ sinh thái, vấn đề đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch đang cần thiết hơn bao giờ hết, và lại càng khó khăn hơn với tổng quan nền tảng thấp kém ở một nơi như Lục địa đen hiện tại.