Châu Phi xây dựng 'an ninh oxy'
Covid-19 đã làm nổi bật các vấn đề của châu Phi về khả năng tiếp cận oxy y tế, nhưng 12 quốc gia của châu lục này hiện đang làm theo 'lộ trình oxy' của Ethiopia để đảm bảo ổn định nguồn cung cấp.
Thay đổi nhận thức
Nhập viện khi bị mắc Covid-19 năm 2021, ông Paul Msoma đã không qua khỏi do Bệnh viện trung tâm Kamuzu ở Lilongwe không có đủ lưu lượng oxy để cung cấp khí cho bệnh nhân. Một người bạn của Paul tên là Sosten Chilumpha kể lại: “Paul từng nói rằng, anh ấy biết các nhân viên y tế rất tốt nhưng cũng nhìn thấy nỗi đau trong mắt họ. Họ không thể làm gì được vì không có oxy cho bệnh nhân”.
Chilumpha và những người bạn khác đã cùng nhau lập một câu lạc bộ và mua thiết bị mà bệnh viện cần, nhưng đã quá muộn đối với Paul, anh đã qua đời vì Covid-19 ở tuổi 44.
Kể từ khi xảy ra đại dịch, việc tăng cường an ninh oxy của lục địa đã trở thành ưu tiên hàng đầu của các chính phủ ở châu Phi và các tổ chức y tế toàn cầu để chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai, đồng thời cũng để giúp đỡ những bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng khác.
Các quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết tại Đại hội đồng Y tế thế giới, nghị quyết này nếu được thông qua sẽ thúc giục tất cả các thành viên xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia nhằm tăng khả năng tiếp cận oxy y tế. Bộ y tế ở 12 quốc gia châu Phi đã làm như vậy.
Bà Audrey Battu - Giám đốc phụ trách các loại thuốc thiết yếu tại Clinton Health Access Initiative - cho biết: “Đã có một sự thay đổi về hệ thống. Nhiều quốc gia nhận ra rằng, oxy là cần thiết để điều trị hầu hết các bệnh nghiêm trọng, thậm chí là bệnh lao hoặc AIDS”.
Theo bà Battu, đại dịch cũng đã thay đổi bối cảnh tài trợ. Các nhà tài trợ toàn cầu chưa bao giờ tài trợ cho các sáng kiến oxy, nhưng Quỹ Toàn cầu, đã bắt đầu rót tiền cho chương trình này.
Ethiopia, quốc gia đông dân thứ 2 của lục địa, đang đóng vai trò là hình mẫu cho các quốc gia khác với “lộ trình oxy” của mình. Một đánh giá năm 2015 đối với hơn 100 bệnh viện ở Ethiopia cho thấy, chỉ 45% khoa nhi nội trú được tiếp cận với máy đo oxy xung, trong khi 63% khoa có oxy. Đến năm 2019, oxy đã có sẵn ở 100% các khoa và máy đo oxy xung ở 96% khoa nhi nội trú nơi chương trình chạy. Khi đại dịch xảy ra, Ethiopia đã có thể đáp ứng nhu cầu gia tăng.
Ông Ashenafi Beza - cố vấn cấp cao của Bộ Y tế Ethiopia - cho biết, kế hoạch ban đầu là tăng số lượng nhà máy oxy từ 2 lên 13. Khi Covid-19 ập đến, chính phủ đã đẩy nhanh nỗ lực của mình. “Hiện nay, Ethiopia có khoảng 40 nhà máy hấp thụ dao động áp suất (PSA) đang hoạt động sản xuất oxy” - ông Beza nói và cho biết thêm, trước khi có lộ trình, các tình huống vô vọng thường xảy ra ở các bệnh viện của Ethiopia, với 1/10 ca chuyển liên viện do thiếu oxy.
“Tôi cảm thấy tuyệt vọng và bất lực. Cảm giác thật khủng khiếp khi chứng kiến mạng sống của bệnh nhân tuột khỏi tầm tay mình, không thể làm gì được khi thiếu oxy” – ông Ashenafi nhớ lại.
Tăng cường đầu tư tư nhân
Bên cạnh các sáng kiến công, hiện có khoảng 10 công ty tư nhân sản xuất oxy y tế ở Ethiopia. Trong số đó có Liyana Healthcare, bắt đầu cung cấp cho các bệnh viện vào năm 2020. Công ty vận hành một nhà máy oxy ở Hawassa, cách Thủ đô Addis Ababa khoảng 170 dặm về phía Nam.
Ông Girma Ababi - Giám đốc điều hành của Liyana - cho biết, trước đây, các nhà sản xuất oxy chỉ có trụ sở tại Thủ đô Addis Ababa. Trong thời kỳ bất ổn chính trị ở Hawassa, các con đường có thể bị đóng cửa trong nhiều ngày, cản trở việc cung cấp oxy cho các bệnh viện. “Tôi từng chứng kiến bệnh nhân chết trước mặt mình. Đó là những khoảnh khắc đau đớn nhất trong sự nghiệp của tôi” – ông Ababi nói.
Công ty Liyana hiện cung cấp oxy cho 49 bệnh viện ở phía Nam và phía Tây đất nước, vì vậy, nếu có bất kể điều gì xảy ra giữa Addis và Hawassa, các bệnh viện vẫn có thể nhận được lượng oxy cần thiết.
Ông Raphael Kayambankadzanja - một nhân viên thị trường tại Path, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào việc tăng khả năng tiếp cận với các công nghệ y tế mới, người đã làm việc với Bộ Y tế Malawi - cho biết, việc tái tạo thành công của Ethiopia không đơn giản có thể sao chép và dán vào các chính sách.
Theo ông Kayambankadzanj, Malawi có một tình huống đặc biệt vì không có nhà sản xuất nào trong nước sản xuất thiết bị oxy. Trước khi xảy ra đại dịch, Malawi có 2 nhà máy PSA có chức năng sản xuất oxy, tuy nhiên, hiện đã có 7 nhà máy và 7 nhà máy nữa dự kiến sẽ mở cửa vào cuối năm nay. Tuy nhiên, việc thiếu các nhà sản xuất cung cấp phụ tùng thay thế cho thiết bị oxy là một thách thức.
“Chúng tôi hiện đang cố gắng củng cố khu vực tư nhân, hoặc ít nhất là kích thích khu vực này, dự trữ phụ tùng thay thế thường xuyên” - ông Kayambankadzanja nói.
Bà Carina King - một nhà dịch tễ học tại Viện Karolinska ở Thụy Điển và là đồng chủ tịch của Ủy ban Y tế Toàn cầu Lancet mới về oxy y tế - lo lắng, vì Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, nên sự chú ý có thể chuyển sang nơi khác. “Trong thời kỳ Covid-19, chúng tôi đã thấy một lượng đầu tư khổng lồ chưa từng có trước đây. Tuy nhiên, trong 10 năm tới không loại trừ khả năng chúng ta sẽ lại phải nói về tình trạng thiếu oxy”.
Tiếp cận oxy y tế là một thách thức lớn trong đại dịch. Biến chứng quan trọng và thường gây tử vong của Covid-19 là cạn kiệt oxy trong máu. Một nghiên cứu trên 64 bệnh viện ở 10 quốc gia châu Phi cho thấy, một nửa số bệnh nhân Covid-19 qua đời chưa bao giờ được thở oxy.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chau-phi-xay-dung-an-ninh-oxy-5718809.html