Châu Phú phát triển hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư
Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) không ngừng nỗ lực xây dựng hạ tầng giao thông để kết nối, lưu thông thông suốt, góp phần tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp (DN) đến đầu tư.
Trong thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng giao thông, huyện Châu Phú xác định, hệ thống giao thông phải tạo được kết nối thông suốt trong địa bàn huyện và các vùng lân cận. Do đó, địa phương không chỉ chú trọng nâng cấp những tuyến đường huyết mạch, mà còn quan tâm nâng cấp các tuyến đường phục vụ đời sống dân sinh, phát triển giao thông nội đồng phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp.
Để tạo sự đột phá trong phát triển hệ thống giao thông, những năm qua, huyện Châu Phú tập trung đầu tư nâng cấp những tuyến đường trục chính, “xương sống” của huyện kết nối các xã, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện lưu thông thông suốt, kể cả ôtô, xe tải.
Điển hình như việc nâng cấp, láng nhựa suốt tuyến đường Nam Cần Thảo (từ Quốc lộ 91 đoạn xã Mỹ Phú đến giáp ranh huyện Tịnh Biên). Đây là tuyến đường có vai trò quan trọng kết nối với đường Đông Kênh 7, Tây Kênh 13 và tạo liên kết thuận tiện giữa các xã “vùng trong” của huyện Châu Phú.
UBND huyện Châu Phú khánh thành, đưa vào sử dụng Dự án nâng cấp bến đò Khánh Hòa - Hòa Bình
Năm 2021, huyện Châu Phú đã nâng cấp, xây dựng mới 4 công trình đường giao thông, tổng chiều dài hơn 11km; xây dựng 10 cây cầu, tổng chiều dài gần 330m; xây dựng 5 cống, tổng chiều dài trên 83m và các công trình an toàn giao thông khác. Tổng kinh phí thực hiện các hạng mục gần 53,9 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã nâng cấp mở rộng 22 hạng mục công trình đường giao thông, tổng chiều dài gần 70km; xây dựng 10 cây cầu, tổng chiều dài trên 374m; xây dựng 2 cống, tổng chiều dài trên 60m. Kinh phí thực hiện các hạng mục trên 62,8 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 24 tỷ đồng.
Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, huyện Châu Phú đã vận dụng linh hoạt các phương thức để xây dựng, nâng cấp cầu, đường giao thông, trong đó, có chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Điển hình như tuyến đường Nam Cần Thảo (từ Quốc lộ 91 đoạn xã Mỹ Phú đến Ô Long Vĩ), với chiều dài trên 20km, người dân đã tự nguyện hiến đất 2 bên đường, di dời các vật kiến trúc để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nước thi công công trình.
Còn tuyến đường Mương Chùa (xã Bình Thủy) kết nối giao thông nội đồng 4 ấp: Bình Phú, Bình Quý, Bình Thới và Bình Thiện, với chiều dài gần 2,2km, chiều rộng mặt đường 5m, tổng mức đầu tư gần 9 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân.
Trên địa bàn huyện Châu Phú có nhiều cây cầu khang trang được xây dựng theo hình thức xã hội hóa
Năm 2022, UBND huyện Châu Phú đã khánh thành, đưa vào sử dụng Dự án nâng cấp bến đò Khánh Hòa - Hòa Bình nối xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) và xã Hòa Lạc (huyện Phú Tân). Đây là dự án lớn, được thực hiện theo hình thức đấu giá quyền khai thác kết hợp đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông, với nhiều hạng mục công trình, như: Nâng cấp 2 bến đò ở 2 bờ thuộc huyện Châu Phú và Phú Tân đạt tiêu chuẩn phà loại B, tải trọng 13 tấn, bề rộng 16m; xây dựng 1 cầu bê-tông bắc qua xép Katampong và xây dựng đường dẫn đấu nối từ bến đò Khánh Hòa vào Quốc lộ 91 theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng. Tổng diện tích đất thực hiện dự án trên 3,4ha, giá trị hợp đồng 149 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khoảng 79 tỷ đồng.
Cùng với Dự án nâng cấp bến đò Khánh Hòa - Hòa Bình nối liền xã Khánh Hòa và Hòa Lạc, nhà đầu tư còn thực hiện nâng cấp 3 cây cầu trên địa bàn huyện Phú Tân, nhằm thông tuyến từ Quốc lộ 91 huyện Châu Phú đến Tỉnh lộ 954 huyện Phú Tân, tiếp giáp tỉnh Đồng Tháp.
Đặc biệt, địa phương đang thực hiện công trình ngầm hóa các đường dây cáp quang, dây tín hiệu, dây dẫn điện, lát gạch vỉa hè trên tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu, với kinh phí 12,3 tỷ đồng, trong đó, hạng mục lát gạch vỉa hè do nhà nước và nhân cùng làm. Công trình ngầm hóa mạng viễn thông và lát gạch vỉa hè tuyến Quốc lộ 91 đoạn qua thị trấn Cái Dầu, từ cầu chữ S đến cầu Phù Dật hoàn thành sẽ tạo diện mạo mới, thông thoáng, hiện đại cho thị trấn Cái Dầu.
Song song đó, huyện còn thực hiện các công trình: Sửa chữa, đảm bảo an toàn giao thông nút giao tuyến nối giữa Tỉnh lộ 947 và Quốc lộ 91; cải tạo, sửa chữa, mở rộng mặt đường chợ Cây Dương thuộc tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ Quốc lộ 91 (cũ) đến Tỉnh lộ 947); nâng cấp đường đối diện đình thần Mỹ Đức; sơn vạch kẽ tuyến đường Nam Kênh 10S, với tổng kinh phí thực hiện 4 công trình gần 4,2 tỷ đồng…
Chính quyền và nhân dân xã Bình Thủy vui mừng khi xây dựng hoàn thành tuyến đường Mương Chùa kết nối giao thông nội đồng
Đối với việc thực hiện đề án xây cầu xã hội hóa, huyện Châu Phú đăng ký lộ trình từ năm 2021 đến 2025 sẽ xây dựng 8 cây cầu. Kết quả, trong năm 2021 đã xây dựng được cầu Hưng Thuận (xã Bình Long) và cầu Kênh 10 ngang Kênh Cây Dương (kết nối xã Bình Phú và Bình Chánh). Trong năm 2022, địa phương tiếp tục xây dựng được 7 cây cầu xã hội hóa, gồm: Hào Xương - Mương Trâu (liên xã Bình Mỹ - Bình Chánh), Kênh 10 Cần Thảo (xã Ô Long Vĩ), Kênh 10 tuyến Đông Kênh Cốc (liên xã Đào Hữu Cảnh - Bình Phú), Kênh 13 (liên xã Thạnh Mỹ Tây - Đào Hữu Cảnh), Kênh Quốc Gia bờ Tây Kênh 10 (xã Bình Phú), Mương Đòn Dông (liên xã Bình Phú - Đào Hữu Cảnh), cầu Kênh 8 (xã Thạnh Mỹ Tây). So với lộ trình đăng ký đề án xây cầu xã hội hóa từ năm 2021 - 2025, đến nay huyện Châu Phú đã xây dựng được 9/8 cây cầu, đạt tỷ lệ 112,5% .
Với mục tiêu đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, huyện Châu Phú đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có hoạt động mời gọi DN đến đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy hoạch phát triển đô thị theo hướng hiện đại, phát triển thương mại - dịch vụ chất lượng, văn minh…
Khi thực hiện kêu gọi đầu tư, huyện Châu Phú luôn quán triệt quan điểm công khai, rõ ràng, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật, đặt quyền lợi hợp pháp của người dân lên hàng đầu, hạn chế thấp nhất các tác động ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, đặc biệt phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, DN và nhà nước.
Địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN gặp gỡ, tiếp xúc để thương lượng, lắng nghe ý kiến của người dân, nhằm tạo sự đồng thuận, giúp dễ dàng tạo quỹ đất sạch để tiến hành lập dự án. UBND huyện Châu Phú cùng các phòng, ban và UBND xã, thị trấn sẵn sàng hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN thuận lợi về mặt thủ tục pháp lý thực hiện dự án đầu tư…