Châu Phú phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng trong quá trình phát triển kinh tế của huyện Châu Phú (tỉnh An Giang); cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch đạt hiệu quả tích cực, từng bước hình thành vùng sản xuất theo các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực. Từ những kết quả đạt được, huyện Châu Phú tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững trong những năm tiếp theo.
Giá trị sản xuất đất nông nghiệp năm 2022 của huyện Châu Phú đạt 201,1 triệu đồng/ha, tăng 9,8 triệu đồng/ha so năm 2021. Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2023, huyện Châu Phú đề ra mục tiêu giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 206 triệu đồng/ha.
“Nhằm đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường như hiện nay, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú sẽ tăng cường công tác thăm đồng, dự báo tình hình dịch hại để có biện pháp phòng trị kịp thời; tổ chức khuyến nông, hội thảo hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại trên cây trồng. Đồng thời, tăng cường công tác tiêm phòng, kiểm soát giết mổ, mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm, kiểm dịch thủy sản; tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên địa bàn” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng thông tin.
Hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú chú trọng tuyên truyền giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống để tham gia các tổ liên kết, hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, triển khai hoạt động khuyến nông, thực hiện các mô hình phục vụ “Cánh đồng lớn”, trình diễn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, sử dụng giống xác nhận, ứng dụng “1 phải, 5 giảm”, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch, đẩy mạnh tập huấn, đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp…
Đối với sản xuất rau màu, ngành nông nghiệp huyện tăng cường vận động nông dân sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, sử dụng hệ thống tưới phun tự động, bón phân hữu cơ, sinh học… Đồng thời, kiện toàn, củng cố lại các tổ sản xuất rau màu theo hướng an toàn và mời các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến cuối năm 2022, toàn huyện Châu Phú có 7.796ha diện tích chuyển dịch từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái. Huyện đã từng bước hình thành một số vùng sản xuất cây ăn trái tập trung như: Vùng trồng sầu riêng xã Bình Chánh, nhãn xuồng Khánh Hòa, nhãn Mỹ Đức.
Huyện Châu Phú tiếp tục mở rộng diện tích các vùng trồng ăn trái tập trung, phấn đấu đến cuối năm 2023, nâng diện tích vùng trồng sầu riêng xã Bình Chánh đạt 45ha, vùng trồng nhãn xuồng Khánh Hòa đạt 155ha, vùng trồng nhãn Mỹ Đức đạt 9ha. Ngoài ra, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống thủy lợi sản xuất nhãn xuồng Khánh Hòa ứng dụng công nghệ cao”, tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng.
Huyện xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) nhãn Mỹ Đức có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý. Huyện Châu Phú còn chú trọng phát triển vùng sản xuất rau màu tập trung xã Bình Thủy lên 265ha, vùng sản xuất rau màu tập trung xã Thạnh Mỹ Tây đạt 15ha và duy trì 70ha diện tích vùng sản xuất rau màu tập trung xã Khánh Hòa.
Ông Huỳnh Tấn Hưng cho biết, đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra, không để lây lan diện rộng. Huyện tăng cường vận động, hỗ trợ nông dân sản xuất sản phẩm sạch, an toàn có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường. Xây dựng các mô hình chăn nuôi đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, sẽ hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao, như: Nuôi gia cầm trên đệm lót lên men hoặc nuôi trong hệ thống chuồng kín, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào chăn nuôi.
Trên địa bàn huyện Châu Phú có 2 vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (xã Bình Phú) và Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi (xã Mỹ Phú). Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản; giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất con giống, ương nuôi theo quy định pháp luật; khuyến cáo nông dân chuyển đổi sang các mô hình nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao để tăng thu nhập.
Huyện Châu Phú đang hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả các mô hình nuôi lươn, giúp giảm giá thành sản xuất và có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục nhân rộng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lươn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Mỹ Tây. Đồng thời, phát triển vùng sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Mỹ Phú, phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt diện tích 75ha...