Châu Văn Giác - Nhà hoạt động cách mạng kiên trung
Tại TP.Tân An có một tuyến đường thuộc phường 2 được đặt tên là Châu Văn Giác. Tuy nhiên, thông tin về ông khá ít ỏi. Vậy Châu Văn Giác là ai và vì sao tên ông được đặt tên đường tại TP.Tân An, tỉnh Long An?
Theo thông tin từ tiểu sử tên đường Châu Văn Giác, chúng tôi về huyện Châu Thành để tìm hậu duệ của ông và gặp được ông Nguyễn Hồng Tiến (ấp Vĩnh Xuân B, xã Dương Xuân Hội) là người trực tiếp thờ cúng nhà cách mạng Châu Văn Giác. Ông Tiến kể: “Ông Châu Văn Giác là bác ruột của tôi.
Ông sinh năm 1913, tại Tầm Vu, là anh lớn trong gia đình có 6 anh chị em. Trong đó có 1 liệt sĩ, những người còn lại đều phục vụ trong chính quyền tại xã, ấp. Có lẽ do lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan nên bác tôi sớm giác ngộ cách mạng. Từ khi còn là học sinh, ông đã tham gia các phong trào yêu nước và được kết nạp Đảng năm 1930”.
Từ sự hướng dẫn của ông Tiến, chúng tôi tìm được một số thông tin về nhà cách mạng Châu Văn Giác trong sách Lịch sử Đảng bộ xã Dương Xuân Hội và Lịch sử Đảng bộ tỉnh Long An. Qua đối chiếu, các tài liệu đều cho thấy Châu Văn Giác là người nhiệt huyết, kiên trung với cách mạng.
Ông là một trong những người trực tiếp xây dựng chi bộ Đảng đầu tiên ở Tầm Vu và tích cực tham gia các hoạt động của Xứ ủy Nam Kỳ. Nhờ vậy, ông được cử làm Xứ ủy viên, Phó Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Từ năm 1930-1931, Châu Văn Giác cùng các đảng viên khác xây dựng nhiều cơ sở Đảng tại Châu Thành; tích cực tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân.
Cuối năm 1936, Tỉnh ủy Tân An thành lập Ủy ban hành động của tỉnh tại rạp hát Cô Sáu, chợ Tân An nhằm đấu tranh chống lại sự áp bức của thực dân Pháp. Tại quận Châu Thành lúc đó có 4 ủy ban hành động. Châu Văn Giác là người đứng đầu của Ủy ban hành động ở Dương Xuân Hội (thuộc quận Châu Thành), góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giác ngộ quần chúng và xây dựng lực lượng cách mạng.
Do hoạt động cách mạng sôi nổi, Châu Văn Giác bị địch phát hiện, chúng bắt và đày ông đi Tà Lài (Biên Hòa) năm 1940. Năm 1941, cùng với Trần Văn Giàu, Nguyễn Công Trung, Trương Văn Nhâm, Tô Ký,... Châu Văn Giác được tổ chức vượt ngục Tà Lài. Sau khi vượt ngục, ông tiếp tục hoạt động cách mạng ở nhiều địa phương khác nhau. Ở Rạch Giá, ông gầy dựng được một tờ báo Đảng và tổ chức lại các Tỉnh ủy ở miền Tây, nhất là Tỉnh ủy Cần Thơ.
Tuy nhiên, do nội gián, ông bị bắt tại Rạch Giá, bị tra tấn dã man rồi đưa qua Bạc Liêu. Sau 3 tháng, Châu Văn Giác tiếp tục bị giải lên Sài Gòn (TP.HCM ngày nay). Tại đây, ông bị địch đánh "chết đi sống lại" suốt 6 tháng nhưng chúng không khuất phục được ông. Chúng tra tấn ông đến mức bị điên loạn rồi cho về Bến Tre. Sau Cách mạng Tháng Tám, Châu Văn Giác được đưa ra miền Bắc để an dưỡng.
“Sau khi thống nhất đất nước thì ba tôi là Châu Hồng Phú hay còn gọi là Nguyễn Đại Phú đón bác Châu Văn Giác về nhà chăm sóc. Lúc đó, bác đã mất trí rồi, không còn nhớ được gì của hiện tại. Những câu chuyện bác nói đều là chuyện của thời kháng chiến, những người bác nhắc đến đều là những người cùng chiến đấu, cùng làm việc ngày trước. Năm 1986 thì bác mất” - ông Tiến kể.
Châu Văn Giác là nhà cách mạng lão thành, cống hiến hết mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và kiên trung với lý tưởng của mình. Năm 1998, ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Ngày nay, cứ vào mỗi dịp tết, huyện Châu Thành tổ chức đoàn đến thăm gia đình ông Tiến, thắp hương tưởng niệm nhà cách mạng Châu Văn Giác. Nhà cách mạng kiên trung Châu Văn Giác là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và sự trung thành với lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là tuổi trẻ Châu Thành tự hào và noi theo./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chau-van-giac-nha-hoat-dong-cach-mang-kien-trung-a180707.html