Cháy chung cư mini ở Khương Hạ: Nỗi đau khi mất người
Tất cả chúng ta có ai không cảm nhận nỗi đau khi nghe tin cháy chung cư ở Khương Hạ, Hà Nội. Không đau xót sao được khi nghe tin mấy chục người chết, khi biết có gia đình 8 người nay chỉ còn lại 1 hay cả nhà 4 người giờ chỉ mình con nhỏ sống sót.
Những người có người thân chết, bị thương trong vụ cháy đau nỗi đau máu mủ ruột rà. Người dân bình thường đau nỗi đau đồng loại, chia sẻ nỗi đau của những người có người thân thương vong.
Rất nhiều người trong chúng ta rơi nước mắt và rất nhiều người trong chúng ta đặt câu hỏi: tại sao? Câu hỏi rất đỗi bình thường, rất người này lại điểm trúng cái huyệt chết người của hệ thống quản lý của chúng ta. Có thể có người sẽ trả lời ngay tắp lự: biết rồi, khổ lắm, hỏi mãi làm gì!
Có nước nào tuyệt đối không có cháy nhà? Chắc không có nước nào như vậy trên thế giới. Cháy nhà thế nào cũng vẫn có, nhưng cháy nhà nhiều hay ít, mức độ thiệt hại về người và tài sản lớn hay nhỏ đều liên quan đến trách nhiệm của cơ quan công quyền.
Một chung cư mini như Khương Hạ muốn đi vào hoạt động, có người đến thuê ở, liên quan tới cả loạt cơ quan. Từ cơ quan quản lý đất đai, cơ quan cấp phép xây dựng, cơ quan quản lý về phòng cháy, chữa cháy, cơ quan về đăng ký kinh doanh, cơ quan về thuế cho đến UBND phường, công an phường… Tóm lại là rất nhiều cơ quan.
Chưa đợi các cơ quan nhà nước công bố sai phạm này, sai phạm kia của chủ nhà chung cư, người dân đều phỏng chừng rằng xây và đưa vào kinh doanh cái chung cư này thế nào chả có vi phạm. Đời nó là như vậy, nếu không vi phạm mới là lạ.
Chúng ta có biết bao nhiêu thủ tục, quy định rất chặt chẽ, nào khai sinh, hộ khẩu, sổ đỏ, giấy phép xây nhà, PCCC, đăng ký kinh doanh…
Tục ngữ có câu “Dân thì gian”, đại khái là dân rất muốn có lợi, thu được mối lợi lớn nhất vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật khi đến cơ quan công quyền giải quyết việc này, việc kia. Và câu tục ngữ còn một vế hay khác là quan thì tham, cũng muốn hưởng lợi khi “gia ân“ cho dân. Và thế là 2 bên gặp nhau.
Như cái chung cư mini kia chỉ được cấp phép xây 6 tầng. Làm sao họ lại có thể xây lên 10 tầng? Rồi còn quy định xây nhà trên diện tích lớn như thế phải dành ra mấy chục phần trăm diện tích lưu không để đảm bảo an toàn, sao họ có thể xây hết đất? Ai giám sát, kiểm tra?
Rồi quán karaoke chưa đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy muốn đi vào hoạt động thì phải thế nào mới được chứ? Mà kể cũng lạ, có bao nhiêu quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC chặt chẽ đến mức doanh nghiệp kêu than khó thực hiện. Tiền kiểm thì rất chặt chẽ, hậu kiểm lại lỏng lơi!
Không có chuyện gì xảy ra thì cứ thế mà tiến. Nhưng oái oăm thay sự đời không hẳn như vậy. Đùng một cái cháy như cháy chung cư Khương Hạ.
Tôi ước gì lúc bình thường, các vị lãnh đạo của Hà Nội bớt chút thời giờ để đi thực tế nhiều hơn. Tới những nơi nhiều chung cư mini kiểu Khương Hạ, hay buổi sáng đầu giờ đi làm đến vài điểm ùn tắc giao thông hoặc đến mấy nơi nhà sắp sập, sắp đổ hơn là lúc xảy ra vụ việc mới hiện diện quá mức cần thiết.
Nếu không có sự thay đổi căn bản trong cách hành xử, trong quản lý của các cơ quan công quyền thì mọi sự sau vụ cháy này dăm ba tháng lại trở về quỹ đạo quen thuộc vốn có của nó. Vấn đề hậu kiểm cần được quan tâm thường xuyên.
Và quan trọng nhất là cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân sống ở những khu vực đông đúc, nhạy cảm với cháy nổ vì, theo tôi, tuyệt đại đa số nghèo và lầm lũi mưu sinh.
Khi nhiều gia đình, người dân được trang bị nhiều kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm thì có lẽ sẽ nhiều người đã bảo vệ được bản thân và gia đình trong những vụ cháy luôn bất ngờ.