Chạy đua gỡ 'bom nổ chậm' khí đốt, châu Âu... sống trong sợ hãi

Câu cửa miệng của các quốc gia châu Âu những ngày qua là 'nguy cơ thiếu hụt khí đốt'. Thời điểm lượng giao hàng của Nga chính thức giảm xuống mức 0 được coi là một 'quả bom nổ chậm' đối với phương Tây.

Chạy đua tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt, châu Âu... 'sống trong sợ hãi'. (Nguồn: Izvestia)

Chạy đua tránh tình trạng thiếu hụt khí đốt, châu Âu... 'sống trong sợ hãi'. (Nguồn: Izvestia)

Chính phủ Đức đã chính thức nâng cảnh báo về nguồn cung khí đốt lên "mức cảnh báo" theo quy định về an ninh nguồn cung cấp của Liên minh châu Âu (EU) sau khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm.

Đức là nhà nhập khẩu ròng khí hóa thạch của Nga lớn nhất ở châu Âu. Công ty khí đốt nhà nước Gazprom đã giảm lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 và TurkStream, với lý do chủ yếu là các vấn đề kỹ thuật.

“Chúng tôi đang gặp khủng hoảng khí đốt. Khí đốt là một mặt hàng khan hiếm từ bây giờ. Giá đã cao và chúng tôi đang phải chuẩn bị cho việc tăng thêm nữa”, Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck, cho biết vào tuần trước.

“Ngay cả khi lượng khí đốt vẫn có thể được mua trên thị trường và vẫn đang được lưu trữ: Tình hình đang nghiêm trọng và mùa Đông sắp đến”, Phó Thủ tướng Đức nói thêm.

Đức là quốc gia EU đầu tiên của EU nâng cảnh báo lên "mức cảnh báo", trong thang 3 mức "cảnh báo sớm", "cảnh báo" và "khẩn cấp" của kế hoạch cho trường hợp xảy ra khủng hoảng nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Mặc dù, một biện pháp tương tự đã được cho là đã được xem xét ở Italy. Đức và Italy cho đến nay là những khách hàng mua khí đốt lớn nhất của Nga.

Sau khi Gazprom giảm dòng chảy qua Nord Stream 1 xuống 40%, với lý do các vấn đề bảo trì “vượt trội” liên quan đến các lệnh trừng phạt và các kịch bản tính toán trong tương lai, chính phủ Đức đã buộc phải leo thang mức cảnh báo. “Tình hình này luôn là một mối đe dọa nguy hiểm", ông Habeck nói với các nhà báo, trích dẫn các biện pháp chuẩn bị mà chính phủ mới của Đức đã áp dụng.

Đầu tiên, cơ sở hạ tầng gấp rút nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nguồn vốn dồi dào được cung cấp cho nhà điều hành thị trường thống nhất của Đức là Trading Hub Europe (THE), đã nhận được khoảng 16 tỷ Euro để mua khí đốt cho Đức. Chính phủ Đức cũng đã quyết định đốt nhiều than hơn để tiết kiệm khí đốt và trả nợ cho người tiêu dùng công nghiệp trong thời điểm nhu cầu khí đốt cao.

Chuẩn bị cho tình huống tồi tệ hơn

Trong những ngày này, câu cửa miệng của các quốc gia châu Âu là “nguy cơ thiếu hụt khí đốt”. Việc Đức báo động về tình hình thiếu hụt khí đốt đã tạo nên cú sốc đối với các nước phương Tây. Bỉ đang hoàn thiện kế hoạch khẩn cấp ngay cả khi nguồn cung cấp khí đốt của nước này chưa bị ảnh hưởng.

Kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine, Đức đã giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, đưa tỷ lệ này từ 55% xuống còn 35%. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc vào khí đốt của nền kinh tế lớn nhất châu Âu vẫn lớn tới mức có thể làm gia tăng thêm nỗi lo về tình trạng giá khí đốt leo thang trên thị trường. Đặc biệt là kể từ khi 9 quốc gia EU khác trong đó có Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan đã bắt đầu giai đoạn cảnh báo sớm.

Còn Bỉ thì sao? Bỉ có cùng một hệ thống quản lý khủng hoảng ba cấp. Trong hai cấp độ đầu tiên (không thiếu khí đốt nhưng có nguy cơ nguồn cung cấp bị đe dọa), nước này có thể kích hoạt các biện pháp vẫn nằm trong khuôn khổ hoạt động truyền thống của thị trường.

Fluxys - nhà điều hành hệ thống truyền tải (TSO) có thể tối ưu hóa dòng chảy, sử dụng các khoảng thời gian cung cấp thích hợp, thực hiện mua hàng chủ động, sử dụng dự trữ khí hoạt động dành riêng cho quản lý sự cố, hoặc yêu cầu TSO cho các quốc gia lân cận tự nguyện cung cấp thêm khí cho mạng lưới ở Bỉ hoặc rút ít hơn.

Nếu các hành động của TSO không đủ để đảm bảo nguồn cung thì sẽ chuyển sang giai đoạn khẩn cấp, khi đó các biện pháp hạn chế nguồn cung có thể được áp dụng. Chính phủ có thể kêu gọi sự tự nguyện giảm tiêu thụ khí đốt của người dùng cuối, bao gồm cả các cá nhân. Và chỉ khi đó, việc cắt giảm nguồn cung mới có thể xảy ra.

Ban đầu họ sẽ nhắm mục tiêu vào các nhà công nghiệp lớn có kết nối trực tiếp với mạng Fluxys. Đó là nhà sản xuất phân bón, nhà máy xi-măng, nhà máy sản xuất thủy tinh, hóa dầu, ngành thép... mà không gây nguy hiểm cho các địa điểm được xếp loại “Seveso” (có thể gây thảm họa bằng các hóa chất) và các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, ngoại trừ những địa điểm đã được xác định cần thiết để tránh mất điện.

Những người tiêu dùng không được bảo vệ này sẽ được yêu cầu tuân thủ các lệnh để giảm mức tiêu thụ của họ, tức là “ngắt kết nối hành chính”. Nhưng TSO cũng có thể giảm nguồn cung bằng cách “đóng vòi” (ngắt kết nối kỹ thuật). Trong trường hợp này, Fluxys sẽ có thể lấy khí đốt từ kho chứa Loenhout (phía Bắc Antwerp) hiện có mức lấp đầy là 54%.

Nếu các biện pháp này vẫn không đủ mạnh, một số khách hàng được bảo vệ - gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các bộ phận dịch vụ công vốn được kết nối với mạng lưới phân phối - có thể bị ngắt kết nối về mặt hành chính. Chính phủ sẽ vẫn có thể kêu gọi sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên, trước khi sử dụng biện pháp cuối cùng trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn nghiêm trọng là đóng cửa một số phần của mạng lưới chính, ngắt kết nối của bất kỳ nguồn cung cấp nào đối với tất cả người tiêu dùng trong khu vực.

Ông Laurent Remy, phát ngôn viên của Fluxys, cho biết, ngay cả trong trường hợp xấu nhất này, hoạt động điều chỉnh cung cấp khí đốt cho phép khá nhiều sự linh hoạt. Đó không phải là một kế hoạch tắt mở mù quáng, dựa trên các khu vực địa lý theo một thứ tự đã định trước. Bộ Kinh tế liên bang của Bỉ chỉ rõ: “Đối với biện pháp cuối cùng này, điều kiện kỹ thuật của mạng (nơi áp suất thấp nhất) sẽ quyết định nơi cắt giảm”.

Một "quả bom nổ chậm"

Tuy nhiên, triển vọng về việc cắt giảm bắt buộc vẫn còn rất xa. Bộ trưởng Năng lượng liên bang Bỉ, Tinne Van der Straeten (Groen), hôm 23/6 nhắc lại rằng, bà không thấy có lý do gì để kích hoạt giai đoạn “cảnh báo sớm” khi chỉ 6% lượng khí đốt quốc gia này tiêu thụ nhập khẩu từ Nga. Các cuộc họp thường xuyên diễn ra giữa văn phòng Bộ trưởng, Cơ quan quản lý năng lượng và Fluxys để đánh giá tình hình và Bộ Kinh tế liên bang đã tiến hành khảo sát 1.000 công ty để điều chỉnh kế hoạch khẩn cấp.

Ông Laurent Remy xác nhận tại thời điểm này, mặc dù việc giao hàng của Nga ở đầu bên kia lục địa giảm, phía Bỉ không cảm thấy bất kỳ sự khác biệt nào trong mạng lưới quốc gia. Là một tụ điểm của các dòng khí đốt tự nhiên ở Tây Âu, Bỉ đã ồ ạt nhập khẩu khí đốt và khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Anh và Na Uy thông qua các cảng của Fluxys ở Zeebrugge. Các dòng chảy được chuyển hướng về phía Đông (Đức) và phía Bắc (Đức qua Hà Lan).

Hơn hết, các nhà công nghiệp Bỉ rất đề phòng khả năng cắt giảm khí đốt trong trường hợp thiếu hụt. Ông Peter Claes, Giám đốc điều hành của Liên đoàn người tiêu dùng năng lượng công nghiệp Bỉ (Febeliec), lưu ý: “Chúng tôi nhập khẩu gấp 3,5 lần nhu cầu khí đốt của mình.

Nhưng ngay cả khi xảy ra rủi ro, gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt ở Bỉ vẫn ở mức tối thiểu, song chúng tôi vẫn yêu cầu các công ty chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống đó. Và chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng kế hoạch giảm tải, cụ thể là làm thế nào để cụ thể hóa các biện pháp tùy theo mức tiêu thụ của từng công ty”.

Ông Peter Claes cũng nhớ lại rằng, ngay cả khi đất nước đang ở trong một hoàn cảnh khá bình ổn, tình trạng thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp của Đức, vốn vừa là một trong những nhà cung cấp chính vừa là một trong những khách hàng chính của các công ty Bỉ. Điều đó chắc chắn sẽ có hậu quả lớn đối với người Bỉ và nền kinh tế châu Âu.

Ông cho rằng tới một thời điểm nào đó, lượng giao hàng của Nga sẽ giảm xuống mức 0. Đó là một "quả bom nổ chậm". Và cuộc chạy đua với thời gian để tháo ngòi nổ đã thực sự được khởi động.

(theo Euractiv, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chay-dua-go-bom-no-cham-khi-dot-chau-au-song-trong-so-hai-188570.html